Ông Nguyễn Thành Phong lý giải vì sao kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 2%

23/07/2020 12:35 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết có 2 lý do khiến mức tăng trưởng kinh tế TP.HCM sụt giảm từ trên 8% xuống còn 2% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm vào sáng 23.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong các năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đều trên 8%, năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM và cả nước, quốc tế gặp phải “cú sốc” dịch bệnh Covid-19 nên không thể đảm bảo mức tăng trưởng 8,3 - 8,5% như mục tiêu đề ra.
Ông Phong nhận định có 2 lý do khiến kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 2% trong 6 tháng đầu năm 2020. Thứ nhất, cơ cấu tổng sản phẩm thì dịch vụ chiếm hơn 60%, trong khi đó cú sốc Covid-19 tác động mạnh đến dịch vụ, đặc biệt là du lịch và các dịch vụ đi theo như lưu trú, khách sạn.
Mặt khác, thời gian phục hồi của du lịch không thể theo hình chữ V như mong muốn bởi thị trường du lịch nước ngoài đã không còn. Năm 2019, có 8,6 triệu khách nước ngoài đến TP.HCM, thời gian lưu trú trung bình là 3,5 ngày, một ngày tiêu 145 - 150 USD.

Thường trực UBND TP.HCM tại buổi họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020

Ảnh: HCMC

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ở TP.HCM chiếm hơn 50% số doanh nghiệp của cả nước nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là nhóm doanh nghiệp dễ bị "gãy đổ" do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của TP.HCM lần lượt là 3, 4 và 5%. Ông Phong yêu cầu phải triển khai các giải pháp để đạt mức tăng trưởng cao nhất là 5% chứ không thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng ban đầu là hơn 8%.
Cụ thể, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời dự báo đơn hàng cắt giảm, số lao động mất việc để hỗ trợ kịp thời.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công

Xác định giải ngân vốn đầu tư công sẽ tác động đến tổng cầu kinh tế, nếu giải ngân mạnh mẽ thì sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, ông Phong yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án giao cho các quận, ngành phải rà lại kỹ nếu cần thiết thì điều chỉnh vốn, nếu đơn vị nào làm không tốt thì sẽ tính đến giao vốn năm sau cho phù hợp đảm bảo đến tháng 10.2020 giải ngân trên 80% làm cơ sở giải ngân trên 95% đến cuối năm 2020.
“Đây là trách nhiệm của chủ tịch UBND 24 quận, huyện và thủ trưởng các sở ban ngành”, ông Phong nhấn mạnh.

Người đứng đầu các sở, ngành và 24 UBND quận huyện chịu trách nhiệm về giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh: Nguyên Vũ

Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết với ngành du lịch các tỉnh. Trong đại dịch Covid-19, các loại hình thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh, tạo nền tảng phát triển kinh tế số.
Sáu tháng đầu năm, TP.HCM có 18.493 doanh nghiệp đăng ký mới nhưng trong báo cáo của Văn phòng UBND TP.HCM không đề cập đến số doanh nghiệp ngừng hoạt động, ông Phong đánh giá báo cáo như vậy là không biện chứng.
Hiện TP.HCM đang báo cáo Trung ương đề án thành lập thành phố phía Đông, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức điều chỉnh quy hoạch cục bộ để kêu gọi đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.