'Ông lớn' tàu điện thế giới muốn trùng tu đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm

14/04/2023 18:32 GMT+7

Tập đoàn Stadler (Thụy Sĩ), một trong những nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới, muốn tham gia dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm (đường sắt nối Lâm Đồng - Ninh Thuận).

Ngày 14.4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Sở GTVT làm đầu mối liên hệ với Vụ Tổng hợp Kinh tế - Bộ Ngoại giao để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm.

Nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới muốn trùng tu đường sắt Đà Lạt - Ảnh 1.

Đông đảo du khách đến tham quan di tích quốc gia ga Đà Lạt

GIA BÌNH

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng nhận được văn bản số 1423/BNG-THKT ngày 4.4 của Bộ Ngoại giao về việc Tập đoàn Stadler (Thụy Sĩ) có nhu cầu tham gia vào dự án trùng tu tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm nói trên.

Theo văn bản này, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam có công hàm chuyển thư của bà Helene Artieda, Quốc vụ khanh, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ về việc triển khai một số đề xuất của các đại diện khu vực kinh tế tư nhân Thụy Sĩ tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF Davos 2023. Tại cuộc tiếp, Phó thủ tướng đã chia sẻ về tiềm năng cũng như cơ hội để phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ và đề nghị các doanh nghiệp Thụy Sĩ nghiên cứu thúc đẩy, tận dụng triển khai các hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Trong số doanh nghiệp Thụy Sĩ tham dự có Tập đoàn Stadler, một trong những nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới rất ấn tượng với những nỗ lực trong lĩnh vực đường sắt và cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt. Tập đoàn nhận định, việc xây dựng lại tuyến đường sắt này cần có những toa tàu có giá đỡ và bánh răng mới và Stadler là công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.

Nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới muốn trùng tu đường sắt Đà Lạt - Ảnh 2.

Di tích quốc gia ga Đà Lạt

GIA BÌNH

Tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm dài 84 km, được người Pháp xây dựng từ năm 1908 - 1932 với 12 nhà ga, 5 hầm chui và đặc biệt có 2 đoạn răng cưa để vượt đèo dốc dài gần 14 km. Từ năm 1968, tuyến đường ngừng khai thác và sau 1975 hoạt động trở lại nhưng chỉ được vài chuyến. Đến năm 1986 thì hầu hết tà vẹt, đường ray bị tháo dỡ.

Ấn tượng nhất của tuyến đường sắt này có thể nói là ga Đà Lạt. Ga được xây dựng vào năm 1932 và hoàn thành vào năm 1936, đến nay còn hoạt động và được bảo tồn nguyên trạng như thiết kế ban đầu. Năm 2001, ga Đà Lạt được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận di tích kiến trúc cấp quốc gia.

Trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm hiện nay, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đang khai thác đoạn ga Đà Lạt - ga Trại Mát dài 7 km, chủ yếu phục vụ du khách.

Nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới muốn trùng tu đường sắt Đà Lạt - Ảnh 3.

Một đoạn đường sắt trên tuyến ga Đà Lạt - ga Trại Mát còn khai thác

GIA BÌNH

Theo quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì lộ trình đầu tư của tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm là sau năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.