Ông lão U.80 chịu khó 'đi chợ' từ Nam chí Bắc khắp Việt Nam

02/06/2018 12:24 GMT+7

Hơn 20 năm chụp ảnh chợ, ông Phước đã mang về cho mình bộ sưu tập hơn 2.000 bức ảnh.

Những album chụp về chợ của ông như những cuốn nhật ký sống động, lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Video: Ông lão 72 tuổi và niềm đam mê chụp ảnh chợ khắp Việt Nam

Tính tới thời điểm hiện tại, bộ sưu tập ảnh chợ của ông Hồ Đại Phước (72 tuổi, ngụ Q.Tân Bình TP.HCM) đã có 2.025 bức ảnh. Năm 2005, ông được Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam”.
Duyên với chợ
Lớn lên trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, cuộc sống không mấy khá giả, nhưng được cái ông Phước “chịu chơi”, với sở thích và đam mê khám phá, nhất là tìm hiểu về những nét đặc trưng của từng ngôi chợ trên khắp đất nước Việt Nam. Thế là, ông rong ruổi khắp Sài Gòn để tìm hiểu và chụp những bức ảnh đầu tiên về chợ của mình. Tuy những ngôi chợ đó không xa, nhưng trước giờ ông chưa từng đặt chân đến.
Ông Phước có hơn 100 cuốn album ảnh về chợ

Ông Phước nhớ lại: “Thời điểm đó tôi chỉ chụp để có cái làm lưu niệm thôi, nhưng chụp riết tôi mê hồi nào không hay. Những bức ảnh của tôi có điểm chung là tấm ảnh nào cũng có tôi trong đó”.
Nói đến bức ảnh đầu tiên trong sự nghiệp chụp ảnh chợ, thì ông Phước nhắc ngay đến chợ Bến Thành, ngôi chợ đem lại cho ông nhiều cảm hứng nhất. Trong ký ức của ông Phước, chợ Bến Thành là một ngôi chợ xưa cổ, gây ấn tượng mạnh với ông ngay từ cái nhìn đầu tiên.
“Lần đó, tôi cùng gia đình đến TP.HCM để tham quan. Khi đến chợ Bến Thành, tôi thật sự ấn tượng với nét kiến trúc mang hơi hướng hiện đại, pha trộn nhiều nền văn hóa khác nhau”, ông Phước kể.
Kỷ lục gia Hồ Đại Phước “Người chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam”
Chụp hết chợ ở Sài Gòn, ông lại tiếp tục vác ba lô, một mình đi khám phá các ngôi chợ ở những tỉnh lân cận. Rồi đến những vùng đất hoang sơ, các buôn làng… Tính đến nay, ông đã đi qua 63 tỉnh thành của Việt Nam. Theo ông, muốn thấy rõ nét cách sinh hoạt, cũng như bản sắc văn hóa của từng vùng miền, thì hãy đến những vùng sâu xa, nơi đó có rất nhiều thứ để ta khám phá. Có những ngôi chợ một ngày chỉ họp phiên một lần, hay ngôi chợ chỉ mở ra để trao đổi hàng hóa,…
Không những chụp ảnh, mà ông còn tìm hiểu rất kỹ về lịch sử hình thành, nét đặc trưng của từng ngôi chợ. Ông Phước cho biết:“Chẳng hạn tại các phiên chợ vùng cao, hàng hóa được bán rất đặc trưng: từ thức ăn đến bày bán gia súc, gia cầm cũng mang những sắc thái riêng”.
Chợ Diên Trường (xã Phổ Khánh, H.Đức Phổ, T.Quảng Ngãi)
Năm nay ông Phước đã ngoài 70 tuổi, và chợ cũng đã gắn liền với ông gần nửa cuộc đời. Đối với ông, chợ là một thứ gì đó rất bí ẩn và ông là người đi giải đáp bí ẩn đó. Ông Phước nói, để tìm ra những ngôi chợ đặc biệt, nhiều lúc ông phải mất vài ngày, thậm chí là vài tháng. Có khi ông tìm được chợ rồi nhưng chợ đó lại đang trong quá trình xây mới, thế là ông phải đợi. “Thỉnh thoảng, có dịp đi ngang qua chợ ấy, tôi đều ghé vào xem tiến độ như thế nào, nếu xong thì vào chụp ngay, còn chưa thì đợi cho đến khi nào chụp được mới thôi”, ông Phước nói.
Hiện tại, có một số ngôi chợ mà ông Phước từng chụp nay đã không còn nữa, nhưng những tấm ảnh của ông thì vẫn còn đó.

Chợ Thị Tứ Nghĩa Trang (X.Hoằng Trung, H.Hoằng Hoá, T.Thanh Hoá)
Chợ Phú Cường (X.Phú Cường, H.Sóc Sơn, Hà Nội)
Chợ Tam Đường Đất (thị trấn Tam Đường, TX Lai Châu, tỉnh Lai Châu)
Chợ Tông Lệnh (X.Tòng Lệnh, H.Thuận Châu, tỉnh Sơn La)
Chợ Lũng Cú (xã Lũng Cú, H.Đồng Văn, Hà Giang)
Chợ Đồng Xuân (P.Đồng Xuân, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội)
Chợ Đông Ba (Trần Hưng Đạo, P.Phú Hòa, TP.Huế)
Chợ Đất Mũi (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, T.Cà Mau)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.