Ông Lang Khoai 'vui sống' chống giặc

11/10/2021 08:30 GMT+7

Trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam, hiếm tờ báo nào có lịch sử hoạt động kỳ lạ như tờ Vui Sống (1946 - 1952).

Chủ bút Vui Sống là GS Từ Giấy, cũng là người thực hiện từ khâu quảng cáo, đặt bài, viết bài, seo giấy, sắp chữ, in báo, phát hành…, giáo dục toàn dân ý thức sống sạch, sống vui ngay trong thời kháng Pháp.

Thời niên thiếu, lúc còn ở quê nhà nơi Khê Hồi, phủ Thường Tín, khi tròn 16 tuổi (1936), Từ Giấy đoạt giải nhất trong cuộc thi viết văn tỉnh Hà Đông do người Pháp tổ chức. Trong đề thi có câu hỏi: “Nếu cho em ba điều ước, em sẽ ước gì?”. Từ Giấy đưa ra câu trả lời ngắn gọn theo thứ tự ưu tiên: “Sức khỏe, trí thông minh và sự khôn ngoan”. Giải nhất cuộc thi đó được 60 đồng bạc Đông Dương, đây là phần thưởng cực lớn bởi một tạ gạo đương thời chỉ 5 đồng. Điều ước “sức khỏe” từ cuộc thi văn năm ấy, gắn chặt với cuộc đời, sự nghiệp của GS Từ Giấy. Câu chuyện tờ báo Vui Sống của Từ Giấy với bút danh Lang Khoai, là một trong những hoạt động biến điều ước ấy thành hiện thực.

“Sự tích” ông Lang Khoai

Hỏi về bút danh Lang Khoai, cựu phi công chiến đấu Từ Đễ - con trưởng cố GS Từ Giấy - kể về câu chuyện tên gọi cha mình: “Chọn một loại khoai làm bút danh, liên quan đến tên gốc của ông cũng là một loại khoai. Khi bố tôi ra đời, các cụ đặt tên là Từ Dáy. Ở làng quê thì cây dáy mọc hoang nhiều lắm, nó là một dòng khoai nước, có chất gây ngứa nên không ai ăn. Vào những năm đầu thế kỷ 20, đời sống đói khổ, ý thức vệ sinh thấp kém nên 1.000 trẻ ra đời, qua một năm chỉ còn lại phân nửa. Quan niệm cũ cho rằng do ma quỷ ám hại, bắt đi, nên đứa bé sinh ra thường được đặt tên rất xấu để tránh ma bắt. Khi ông Dáy vào học trường Tây, do thầy Tây đọc âm Dáy khó nên chuyển thành Giấy để dễ phát âm, và đổi tên Từ Dáy thành Từ Giấy”.

Chuyện Từ Giấy chọn khoai lang làm bút danh, ông lại gửi gắm một ẩn ý khác. Khoai lang là thực phẩm nông dân, theo quan niệm ở Việt Nam ngày trước, nghèo mới ăn khoai, bữa cơm độn khoai độn sắn. Nhưng về dinh dưỡng rất bổ.

Ở ngữ nghĩa, Lang Khoai là cách chơi chữ của cụ Từ Giấy. Ngày trước người có khả năng chữa bệnh được dân gian gọi là thầy lang. Ông Từ Giấy học Tây y, là bác sĩ, nhưng với dân gian, ông là thầy lang. Từ Lang trong khoai được ông đảo lên, cũng hàm ý ông là người thầy thuốc, là bác sĩ. Còn Khoai, ngoài chuyện là thực phẩm, còn gợi về sự gần gũi, thân quen, gắn bó với người nhà nông. Tên gọi Lang Khoai cũng gắn bó mật thiết với hai nghề ông đang thực hiện và tuyên truyền, chính là nghề y (thầy lang) và nghề dinh dưỡng (củ khoai).

Ông bà Từ Giấy năm 2000

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Vui Sống ra mắt

Vui Sống ra đời ngày 6.6.1946, lãnh đạo tờ báo là bác sĩ Vũ Văn Cẩn, bác sĩ Từ Giấy là thư ký tòa soạn, phụ trách thực hiện nội dung. Vui Sống mang mục đích tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng. “Vui” để tìm niềm hạnh phúc, tinh thần lạc quan, xóa đi đói khổ, bệnh tật, lạc hậu bằng phương pháp khoa học, đem lại tinh thần tốt, cơ thể khỏe mạnh để tiếp tục “Sống” thực hiện chí khí cao cả là bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tìm lại tự do cho dân tộc.

Trước ngày báo ra khoảng một tuần, bác sĩ Từ Giấy tổ chức hoạt động truyền thông đầy sáng tạo. Ông thuê xe ngựa 4 bánh, kéo xe là ngựa bạch, người nài ngựa đội mũ sừng trâu, tái hiện hình ảnh Napoleon cưỡi ngựa. Đi theo xe ngựa treo cờ đỏ sao vàng, là các nữ tu (ma sơ) - dân chúng yêu quý các ma sơ vì lòng nhân ái và những việc thiện nguyện họ làm cho cộng đồng. Một chi tiết ly kỳ là nhân vật Nguyễn Văn Mai, người vô danh, vô gia cư, mồ côi từ nhỏ, được bác sĩ Từ Giấy phát hiện trên đường phố, ông gọi về cho vào vai Napoleon.

Bìa báo Vui Sống số đầu tiên

Nhắc đến sự kiện tuyên truyền cho báo Vui Sống, ông Từ Đễ hồi tưởng: “Tôi hình dung ngay thế hệ thanh niên Hà Nội cùng thời bố tôi, họ thật giống các nhân tố làm nên thắng lợi Cách mạng Pháp, với khí thế “quân xanh màu lá dữ oai hùm” của đoàn quân Tây Tiến mà Quang Dũng từng miêu tả. Và gần đây, khi xem tác phẩm điện ảnh Những người khốn khổ (2012) của đạo diễn Tom Hooper, tôi nhận ra những bối cảnh hệt trong sự kiện bố tôi làm quảng cáo cho báo Vui Sống. Đó là âm vang khí thế thành công của Cách mạng tháng Tám, với những thanh niên, trí thức yêu nước nhiệt huyết lãnh đạo cách mạng, thấy ở đó hình ảnh người khốn khổ như cậu bé lang thang Gavroche (trong phim) - chính là ông Mai… Trong lúc ta đang hòa hoãn với Pháp (Hiệp định sơ bộ 6.3.1946), tuyên truyền tờ Vui Sống bằng việc tôn vinh hình ảnh các giai tầng trong thắng lợi Cách mạng Pháp, cũng chính là cách nhà báo Từ Giấy gửi gắm trong đó ẩn ý: Cách mạng Việt Nam cũng đang được giới tinh hoa, tri thức lãnh đạo, với Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu… tạo cơ sở vững chắc cho niềm tin vào thắng lợi cách mạng, cho lý tưởng giành độc lập”.

Vui Sống được nhà báo Từ Giấy đưa ra bốn tiêu chí cụ thể về nội dung là linh hồn của tờ báo gồm: Viết thật ngắn, thật dễ hiểu, chỉ ra việc làm ngay, và phải vui.

Vui Sống tạo nên sự hấp dẫn, vui cười, góp phần củng cố tinh thần chiến sĩ. Ngay trong số ra đầu tiên ngày 15.6.1946, bác sĩ Từ Giấy đã viết trong thư gửi bạn đọc: “… Các bạn băn khoăn, lo nghĩ đến cuộc sống ngày một khó khăn, bấp bênh gay gắt… đã làm cho nhiều bạn mất ăn, mất ngủ, sống mất vui. Chính vì lo rằng bạn mất vui mà Vui Sống cố gắng tìm tới bạn, mong giải quyết với bạn một phần nào nỗi băn khoăn ấy…”.

Trong khi quân dân có tỷ lệ mù chữ cao, các bài viết cho Vui Sống thực sự cần chuyên gia đầu ngành mới có thể đáp ứng yếu tố ngắn gọn, dễ hiểu. Để làm được điều đó, thư ký tòa soạn Từ Giấy bằng uy tín và chuyên môn của mình, đã tập hợp được các chí sĩ, tinh hoa Việt Nam theo cách mạng, theo Cụ Hồ, thuộc lĩnh vực chuyên môn y học, khoa học như: Tạ Quang Bửu, Đỗ Tất Lợi, Tôn Thất Tùng, Phạm Khuê, Trương Công Quyền, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Nghiệp… cho đến các nhà văn, nhà báo Nguyễn Tuân, Từ Bích Hoàng, Tú Mỡ, Vũ Bằng…, nhạc sĩ có Nguyễn Đình Phúc, họa sĩ là Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Trần Văn Cẩn… xây dựng nội dung cho tờ Vui Sống theo tiêu chí ông đề ra để tờ báo đến tay công nông binh, nhân dân, mọi người đều dễ đọc hiểu, ứng dụng, làm theo, trong tinh thần vui tươi, lạc quan.

ự kiện quảng bá báo Vui Sống qua hình ảnh tái hiện của họa sĩ Nguyên Trần

Một tờ báo cách mạng, ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, cùng lúc gánh vác nhiều vai trò lớn gồm khoa học đời sống, văn nghệ, giải trí… thật không dễ, nhưng nhìn vào lực lượng tham gia, có thể thấy sự tổng hợp nhân - chí - sĩ khi ấy đều là đại thụ của ngành. Quy tụ được giới tinh hoa đương thời, chứng tỏ ngoài uy tín, trình độ chuyên môn, còn là khả năng thuyết phục thật tài tình của nhà báo Từ Giấy, nhờ đó mọi vấn đề phức tạp của y học, khoa học, chuyển thành dễ hiểu, gần gũi, vui tươi và hóm hỉnh, nhưng cũng rất chừng mực đúng với trách nhiệm và lý tưởng cách mạng. (còn tiếp)

Từng số báo Vui Sống in lên đến hơn 20.000 bản mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Sự thành công của báo Vui Sống, định hình một ấn phẩm tuy bàn về sức khỏe, giải trí nhưng ẩn sau đó là tinh thần chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm thời kháng Pháp, được cán bộ chiến sĩ và nhân dân mong chờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.