Ông già rác

03/07/2022 08:30 GMT+7

Trên dải đất hẹp miền Trung , ở một làng chài nhỏ, nơi nổi tiếng với nghề lặn biển, có một ngôi nhà nhỏ tường xây bằng đá táp lô.

Ngôi nhà lợp tôn thép đã cũ kỹ, xuống cấp, nằm biệt lập trên một gò đất cao sát biển, cách ngôi làng qua một con đường đất dài khoảng năm trăm mét. Kế bộ ván nhỏ đã bị gió biển bào mòn đến mức không còn nhận ra được màu sắc và loại gỗ ban đầu, ông Năm - hay nói theo cách của người dân nơi đây họ sẽ bỏ thêm hai từ cuối vào tên ông, đầy đủ sẽ là “ông Năm lượm rác”. Ông Năm ở trần, tay gác lên trán đu đưa trên chiếc võng giá sắt, mắt lim dim, hơi thở ngắn, không đều. Mái tóc ông bạc, hai má hóp vì răng đã rụng gần hết, mỗi khi ông hít vào cơ hồ các xương sườn có thể bung ra ngoài bất cứ lúc nào. Ông Năm nhắm mắt nhưng không hề ngủ, dòng hồi tưởng đưa ông quay trở lại làm một thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, tự hào là người lặn sâu nhất làng. Nhưng thường trực nhất vẫn là hình ảnh vợ ông. Cô gái với mái tóc dài, đôi mắt đen láy, dịu dàng vỗ về ôm lấy ông, trao hơi ấm cho ông, vượt lên trên cả tình yêu. Đó chính là tình thương, tình keo sơn, gắn bó.

50 năm sống bên Hoa, mối tình duy nhất của đời ông, với ông Năm chỉ là một giấc mộng. Bà là người vợ, người chị, người mẹ của ông. Bà là hơi thở, là cuộc sống của ông. Dù cả hai không có con, dù cho ông mỗi khi say vào hay cộc tính, dù cả đời ông chưa một lần nói lời yêu thương với bà nhưng như mặt biển êm dịu, bà bao dung tất cả. Có lần trời mưa, khi ghe cập bến, ông thấy bà đứng trên đồi cát cao gần nhà, người ướt sũng dõi mắt về phía ông. Khi ấy ông đã mắng chửi bà một trận to. Bà chỉ nhìn ông cười trừ, bảo ông đến lau tóc cho bà. Không hiểu sao lúc ấy mắt ông đỏ hoe.

Giờ căn nhà vẫn còn đây, nhưng cũng giống như ông, cơ hồ nó chỉ còn lại lớp vỏ, trơ trọi trên gò đất này đợi chờ sự kết thúc. Bởi vì người phụ nữ ấy, người phụ nữ của đời ông đã ngủ một giấc ngủ dài không bao giờ thức dậy. Đó là một đêm gió bấc thổi mạnh ba năm trước. Khi ấy bà tròn 67 tuổi.

Khi ông Năm với chiếc nón tai bèo, miệng ngậm điếu thuốc, tay cầm cái bao, tay vác chiếc cào, tập tễnh men theo con đường đất dốc thoai thoải về phía biển thì mặt trời chỉ còn là một đốm nhỏ treo tít ở chân trời phía tây. Bờ biển không một bóng người và gió cũng đã ngừng thổi. Ông Năm thích những khoảng thời gian đó trong ngày. Nó tĩnh lặng, êm đềm và xa vắng. Hộp lon, chai nhựa, đại loại là những thứ bán được ông sẽ cho vào bao, còn lại ông sẽ gom thành những đống lớn và đốt.

Ba năm kể từ khi vợ mất, ông tách mình với ngôi làng, hạn chế tiếp xúc với mọi người, ngày hai lần sáng sớm và chiều tối, ông lang thang trên bờ biển này, một bờ biển hình vòng cung dài độ 5 km với hai đầu là ngôi làng ông ở và đầu kia là thị trấn nhộn nhịp nhất khu vực để nhặt rác. Trừ khi ông ốm liệt giường và ngoại trừ những ngày giông bão khi sóng biển dâng cao, còn lại hình ảnh ông già đi dáng cà thọt nhặt rác trên bờ biển đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Hôm nay, biển nhiều rác. Tháng năm, những con sóng đại dương sẽ đưa hàng ngàn tấn rác vào bờ. Ông Năm dùng cào gom được mấy đống rác lớn. Sau khi châm lửa, ông ngồi gần đó, đặt chiếc nón tai bèo trên tay hết nhìn những cột khói lại nhìn ra biển. Khi khói đã tắt, ông Năm tính quay về thì từ xa ông trông thấy một cô gái. Trời đã nhá nhem tối, ông không chắc lắm và sau một hồi đắn đo, ông tiến về phía cô gái đang ngồi.

- Cháu biết ông đấy - Cô gái tóc ngang vai, gương mặt thanh tú nở nụ cười thật tươi về phía ông.

- Ông ngồi xuống đây một tí với cháu được không? - Cô gái huơ tay như muốn ông lão ngồi xuống gần mình.

- Cháu nói cháu biết ta sao? - Ông Năm nói sau một khoảng lặng ngắn. Sau khi cất tiếng hỏi, ông Năm ngồi phịch xuống đất.

- Cháu vô tình đọc về ông trên một bài báo. Ông biết họ gọi ông là gì không: “Ông già rác”! Và rồi cháu nghĩ mình cũng nên gặp ông một lần - Nói xong cô gái lại nở một nụ cười.

Ông Năm không nói gì, màn đêm đã bủa vây lấy hai người, gió cũng đã thổi trở lại và tiếng sóng biển ì ầm bên tai.

- Họ viết khá nhiều về ông đấy. Nhưng đến đoạn vì sao ông lại lặng lẽ làm công việc này thì cháu nghĩ cháu hiểu, cháu đồng cảm với ông.

- Cháu đến đây du lịch? - Ngắt lời cô gái, ông Năm cất tiếng.

- Không, cháu đến đây để kết thúc đời mình. Đơn giản vậy thôi. Và cháu muốn ông là người cuối cùng cháu nhìn thấy, cháu nói chuyện.

Trong ngữ khí của cô bé, ông Năm không nghe ra âm điệu của sự đùa cợt.

- Lý do? - Ông Năm hỏi với giọng bình thản. Trong màn đêm, cô bé phát ra một thứ mùi thật dễ chịu. Đó là mùi của tuổi trẻ. Ông Năm thầm nghĩ.

- Cháu bao nhiêu tuổi rồi và cháu từ đâu đến? - Ông Năm sực nhớ ra vội đặt thêm câu hỏi.

- Cháu tròn mười tám tuổi vào mùa xuân này. Nơi cháu ở là một thành phố lớn nhất miền Nam. Ông có biết về thành phố X. không?

- Không. Ông chưa bao giờ rời khỏi làng.

- Dù nó nhiều rác - Cô gái nói.

- Đúng vậy, dù nó nhiều rác - Ông Năm nói và sửa lại tư thế ngồi vì lưng khá mỏi: - Cháu còn chưa nói ông nghe lý do của cháu là gì đấy?

- Nếu không có gì thay đổi, cháu sẽ đi du học vào tháng 9 tới. Nhưng... - giọng cô gái đột nhiên trầm hẳn - Mọi người cháu yêu thương đều rời khỏi thế gian này. Đến cả con vật cháu yêu thương nhất cũng bị xe đụng mà chết.

- Đó là con gì.

- Nó là một con mèo lông xù màu trắng ông ạ. Nó rất ngoan - Cô gái đáp.

- Vậy cháu tính khi nào sẽ chết? - Ông Năm đặt câu hỏi.

- Cháu sẽ chết khi bình minh đến.

- Nhưng đêm ở đây thì lạnh lắm và cháu vẫn chưa ăn gì đúng không?

- Cháu đi xe khách một lèo ra đây, có ăn một ít bánh quy và uống một ly sữa vào buổi sáng.

- Vậy hãy về nhà của ta và rồi đến bình minh ta sẽ gọi cháu dậy. Cháu có thể chết, nhưng ít nhất không phải chết khi đói. Chết khi đói là một bất hạnh lớn đấy.

- Ông sẽ không cố cản cháu hay gọi cảnh sát đấy chứ? - Cô gái nói sau một hồi lưỡng lự.

- Ông hứa.

Trong căn nhà nhỏ trên gò đất cao, dưới ánh vàng nhợt nhạt của bóng đèn tròn nhỏ lắc lư trong gió, sau khi ăn cơm xong, hai con người một già, một trẻ ngồi nhìn về phía biển xa xăm.

- Nói cháu nghe xem lý do ông đi nhặt rác có đúng như cháu nghĩ không?

- Vì cô ấy yêu biển - Ông Năm nhấp một ngụm rượu, thở hắt ra một hơi thật dài.

- Cháu cũng đoán vậy.

Sau một khoảng lặng, bằng giọng khàn đục, ông Năm kể cho cô bé nghe toàn bộ câu chuyện về cuộc đời mình. Trong suốt thời gian đó, cô ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi.

Đến lượt mình, cô kể cho ông nghe về thành phố nơi mình sinh ra, những tòa nhà cao tầng, những tiện nghi mà văn minh đem lại. Rồi cô kể cho ông nghe về cuộc sống của mình. Cuộc sống khá giả, gia đình hạnh phúc, cho đến khi ba cô mất vì bạo bệnh, mẹ đi bước nữa, sự hà khắc của cha dượng… Màn đêm che đi những giọt nước mắt rơi trên má cô bé.

Khi những tia nắng đầu ngày chiếu trên bờ biển đầy rác, những người đi tắm biển sớm phát hiện hai bóng người nô đùa trên bờ biển. Một trẻ và một già.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.