'Ông đồ trẻ': Kiếm cả 100 triệu đồng dịp tết nếu chịu khó 'chạy show'

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
07/02/2021 14:43 GMT+7

Ngày xưa, câu đối tết thường gắn liền với hình ảnh ông đồ già nhưng nay càng có nhiều bạn trẻ biết đến thư pháp, nghề cũng giúp họ kiếm thêm một khoản vào dịp Tết

Xin câu đối là một trong những tập tục của người Việt dịp tết với mong ước bình an, ấm no.

Học thư pháp chẳng dễ chút nào

Biết đến thư pháp cách đây 15 năm, “ông đồ trẻ” Nguyễn Văn Tùng (bút danh là Tùng Bảy, 29 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết khi lần đầu tiên đi chùa và nhìn thấy người viết thư pháp, cậu đã mê tít. Sau lần đó, cậu học trò nhỏ về nhà thổi ngòi bút bi ra để bắt đầu tập viết. Cứ mỗi dịp tết, cậu đều đặn đạp xe 15km vào mỗi cuối tuần ra TP.Vinh(Nghệ An) để học lỏm các thầy viết thư pháp. Đến năm 2010 khi vào TP.HCM học , Tùng gặp và được cố nghệ sĩ thư pháp Hoa Nghiêm dìu dắt để trưởng thành hơn.
Học thư pháp cực kỳ khó, vì khó nhất là phải biết làm chủ được cây bút nhấn nhá đậm nhạt, giúp toát lên được cái hồn, thông điệp mà mình gửi gắm qua nét bút. Người học phải có sự kiên nhẫn, chịu khó, có những chữ đơn giản cũng có thể phải tập đi tập lại cả nghìn lần, vứt cả nghìn tờ giấy. Nhiều lúc từ sáng sớm đến tối khuya chỉ để luyện một vài nét”, Tùng kể.
Chia sẻ về thư pháp, Tùng cho biết đây là mỹ tục của dân tộc ta từ xa xưa, trở thành nét đẹp không thể thiếu vào mỗi dịp tết đến xuân về. Với Tùng, thư pháp là một niềm đam mê riêng, chàng trai này hiện đang làm việc tại Ngân hàng Vietcombank (Hà Nội) và có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, Tùng luôn dành thời gian cho thư pháp và xem nó là một nghề tay trái. Cậu mở câu lạc bộ Hồn Việt Xưa tại Hà Nội gồm các bạn trẻ đam mê thư pháp để sinh hoạt, luyện tập và tổ chức các buổi tặng chữ tại làng trẻ SOS Hà Nội, hay bệnh viện. Tết đến, Tùng bận bộ đồ dài truyền thống của các ông đồ và ngồi gieo chữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Nghề viết thư pháp có thể mang lại thu nhập tốt dịp Tết nhưng theo Tùng việc học và để theo nghề này chẳng dễ chút nào

NVCC

Tùng cho biết, bản thân nhận được khá nhiều giải thưởng trong lĩnh vực này như giải nhất cuộc thi viết thư pháp do Nhà văn hoá thanh niên TP.HCM tổ chức năm 2015; giải nhất cuộc thi viết thư pháp do Khu di tích Đại thi hào Nguyễn du tổ chức năm 2018…
Với người trẻ, Tùng cho rằng thư pháp giúp người viết luyện tập tính kiên nhẫn, bình tĩnh để nhìn nhận sự việc. Thông qua con chữ, bản thân Tùng và nhiều “ông đồ” khác có thể tự răn chính mình.
“Thư pháp ngày xưa gắn liền với ông đồ già, ngày nay rất nhiều bạn trẻ làm được điều này là một điều đáng tự hào, nó góp phần gìn giữ ,bảo tồn phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Các bạn trẻ ngày càng thể hiện được những nét độc đáo của nét chữ thông qua các loại hình lạ như thư pháp trên đá, trên đĩa, trên trang phục… Tuy nhiên, cần phải có sự định hướng đúng đắn cho các bạn trẻ về mục đích, con đường đi vì nhiều bạn trẻ chỉ luyện chữ mà không chú trọng đến kiến thức , không nắm vững những điều cốt lõi truyền tải qua từng con chữ. Nếu vậy sẽ trở thành những " thợ viết chữ" chứ không phải ông đồ”, Tùng chia sẻ.
Nói về thu nhập nghề này, Tùng bật mí, với sinh viên làm thêm nếu viết tốt, được nhiều nơi mời thì có thể kiếm được 20-50 triệu đồng dịp Tết. Còn riêng nhóm của Tùng, dịp Tết mỗi người có thể làm liên tục khoảng 30 show, mỗi show dao động từ 2-5 triệu, tuỳ sự kiện. "Nếu chịu khó 'cày' thì cũng có thể kiếm được cả 100 triệu đồng dịp Tết nhưng năm nay do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi huỷ sự kiện nên thu nhập không bằng những năm trước đây. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề tế nhị, tuỳ mỗi người, để viết được thư pháp cũng không hề dễ", Tùng chia sẻ thêm.

Chỉ cần nhìn chữ có thể đoán được tính cách người viết

Từ nhỏ đã đam mê nghệ thuật, trong một lần tình cờ xin chữ tại Phố ông đồ (TP.HCM), Đặng Thị Ngọc Trầm (23 tuổi, Đà Lạt) bị những nét chữ cuốn hút từ lúc nào không biết và bắt đầu miệt mài luyện tập. Theo cô, thư pháp không đơn giản chỉ là tìm đến nó bằng sự tò mò hay ham học hỏi, mà điều quan trọng vẫn là để nhìn ra phần hồn tàng ẩn bên trong con chữ.
“Rất nhiều người cho rằng, trong xã hội ngày nay, vị trí của thư pháp đang bị “chìm dần” và mờ nhạt. Tuy nhiên, với những ai đã đam mê thì giá trị của thư pháp luôn trường tồn. Vẫn có những người trẻ không chỉ yêu thích mà còn gắn bó với thư pháp, qua đó không ngừng nỗ lực học hỏi để tiếp nối và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc...”, Trầm nói và cho biết cô hiện đang là giáo viên dạy vẽ tiểu học ở TP.HCM và thư pháp với cô không phải gọi là “nghề” mà là “nghiệp” – nghiệp cầm bút.
Hiện đang là kỹ sư xây dựng nhưng mỗi năm Nguyễn Đình Thịnh (26 tuổi, Quảng Nam), dành gần cả tháng cuối năm để làm ông đồ.“Thường gần Tết em tham gia viết chữ ở phố ông đồ Nhà Văn hóa thanh niên, em khắc chữ lên các loại quả, làm câu đối ngày xuân. Công việc này giúp em có thêm thu nhập, nhưng đặc biệt là có được những trải nghiệm cuộc sống, học được chữ nhẫn trong cuộc sống”, Thịnh nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.