Ông Đinh La Thăng: Đừng để học sinh là nô lệ của chương trình

23/02/2017 14:13 GMT+7

Sáng 23.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về vấn đề tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, định hướng phát triển ngành giáo dục đến năm 2020.

Không phù hợp, quy định chưa có thì xin thí điểm
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng nhắc lại lời hứa có chỗ cho học sinh tập bơi của lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Văn hóa và Thể thao chưa thực hiện được. Ông Thăng nhấn mạnh: “Hứa với các cháu mà chưa làm được, người lớn phải làm gương”.
Vào nội dung làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo lộ trình thực hiện tự chủ về biên chế, tổ chức, từ năm 2017 đến năm 2020 tiếp tục phân cấp trong tuyển dụng đối với các trường chuyên, trường năng khiếu và 24 trường THPT. Sau năm 2020, 100% các trường THPT thực hiện tự chủ về nhân sự. Muc tiêu giai năm 2016-2020, 100 trường được kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ đạt chuẩn tiên tiến hiện đại là 10% và 20% trong giai đoạn 2020-2030.
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo với mục tiêu, từ nay đến 2020, 95% giáo viên mầm non đạt từ CĐ trở lên (2020-2030 là 100%), tiểu học từ CĐ trở lên là 97% (100%), THCS từ ĐH trở lên là 98% (100%), THPT từ thạc sĩ trở lên là 18% (35-40%).
Ông Sơn cũng kiến nghị thành phố ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng duy tu các phòng học đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân, giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận…
Sau khi nghe báo cáo mục tiêu năm 2020 80% học sinh học 2 buổi/ngày của Sở, ông Thăng đặt câu hỏi: “Mục tiêu như vậy có đạt không, để đạt thì cần cái gì, đưa ra mục tiêu, ấn tượng nhưng phải đưa ra giải pháp, công cụ, phương tiện, thành phố phải làm gì, Sở phải làm gì, các trường phải làm gì?”.
Lãnh đạo Sở khẳng định nếu đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân thì tỷ lệ về học sinh học 2 buổi/ngày sẽ đảm bảo.
Về nhân sự, ông Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nêu vấn đế: “Một số chức danh do đặc thù của thành phố cần là giám thị nhưng Bộ GD-ĐT không xây dựng vị trí công việc nên trường phải trang trải kinh phí".
Ông Thăng chia sẻ, những gì từ thực tiễn của thành phố, không phù hợp hay trong quy định chưa có thì xin thí điểm.

tin liên quan

Bí thư Đinh La Thăng: Chú trọng nâng cao thu nhập giảng viên
Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc tại Trường ĐH Sài Gòn sáng 5.12. Tham gia buổi làm việc còn có bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UNBD TP.HCM và đại diện các ban ngành thành phố.
Sau đó, ông liền đặt câu hỏi: “Thành phố đã có giáo viên theo chuẩn quốc tế chưa, mục tiêu đến bao giờ? Giáo dục là quốc sách hàng đầu, không thể là lý thuyết mà phải thực tế, không thể để giáo viên lương 3 triệu đồng/tháng, sao yêu nghề, say nghề”.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, thông tin: “Hiện thành phố có khoảng 1/3 trường cơ sở vật chất như trường quốc tế, nếu so với Thái Lan, Malaysia, Philippines, chúng ta có những trường còn tốt hơn họ với trang bị các thiết bị hiện đại tiến tiến, phòng thực hành thí nghiệm… đảm bảo định hướng hội nhập.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ảnh: Bích Thanh
Tuy nhiên hiện nay theo ông Hiếu, quy định của Bộ yêu cầu giáo viên tiếng Anh tiểu học phải dạy đủ 23 tiết mới được hưởng lương phụ trội giống như giáo viên tiểu học dạy nhiều môn nên khó tuyển giáo viên và bỏ việc rất nhiều.
Ông Thăng liền nói, không có tiếng Anh thì sao hội nhập được, mạnh dạn tháo gỡ, khó quá thì thí điểm.
Đã hứa thì phải làm
Về phổ cập bơi, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đưa ra đánh giá của WHO, tỷ lệ học sinh Việt Nam đuối nước đứng hạng nhì thế giới, mỗi năm có 12.000 học sinh bị tai nạn này. Đề nghị cần có ban chỉ đạo thống nhất vì có một số quận huyện không mặn mà, trong khi có quận huyện làm rất hay. Đây là giáo dục kỹ năng sống, không thể không quan tâm.
Tham gia buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng đăt ra câu hỏi: “Nên xem lại ngoài kỳ thi kiểm tra, đánh giá theo quy định chương trình, có phải học sinh tiểu học tham gia quá nhiều kỳ thi trong năm hay không. Đây cũng là điều cần giảm tải ngoài việc nội dung, chương trình để tránh áp lực cho giáo viên và học sinh tiểu học. Cứ thi là phải ôn, tập dượt để đạt giải…”. Bà Thu cũng đưa ra thống kê cá nhân, trong 7 tháng sơ bộ có 5 cuộc thi, trung bình mỗi tháng có 1 cuộc thi.
Kết thúc buổi làm việc ông Thăng nhấn mạnh thành phố phải nỗ lực hơn trong thực hiện các phương hướng, mục tiêu trở thành trung tâm lớn ở tất cả các lĩnh vực, là đầu tàu, đầu mối thu hút và lan tỏa. Các cơ chế chính sách phải phù hợp, đúng với hiến pháp, pháp luật hiện hành.
Giáo dục phải đổi mới theo định hướng và hội nhập là nhu cầu cấp bách, thành phố phải đi nhanh hơn, giáo dục đào tạo cũng phải khẳng định vai trò đầu tàu. Đổi mới giáo dục đào tạo từ kiến thức sang phát triển toàn diện từ văn hoá, kỹ năng, năng lực, phẩm chất.
Cùng với ưu tiên về ngân sách cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực. Tuy nhiên đẩy mạnh tự chủ , xã hội hóa không làm giảm chất lượng, không làm tăng bức xúc trong nhân dân, công khai minh bạch là yếu tố hết sức cần thiết tạo sự đồng thuận trong phụ huynh.
Còn vấn đề tự chủ tài chính, hoan nghênh kết quả hoạt động của ngành, phải chỉ đạo cân đối bố trí đủ vốn đề đảm bảo giải ngân, đơn giản các thủ tục hành chính, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Cái nào khó khăn thì đề xuất thí điểm, mạnh dạn vận dụng, thực tiễn phong phú hơn so với quy định.
Trở lại vấn đề bể bơi cho học sinh, Bí thư Thăng lưu ý: “Các sở ngành phải phối hợp thật tốt để tháo gỡ. Trong khi chưa xây dựng được bể bơi lớn thì bể bơi thông minh là giải pháp để cho các cháu có chỗ bơi, vận dụng nhiều mô hình. Đã hứa với các cháu rồi. Đặc biệt đừng để các cháu là nô lệ của chương trình".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.