Ông cụ U.90 đẩy xe kem khắp Sài Gòn: 'Bán' kỉ niệm tuổi thơ cho dân 7-8X

25/04/2021 10:29 GMT+7

Mỗi ngày, ông Hòa vẫn miệt mài dốc bộ gần 20 km đẩy xe kem nhỏ rong ruổi khắp các ngả đường Sài Gòn. Nhiều khách quen nói rằng mỗi lần nhìn thấy xe kem của ông là bất giác họ lại nhớ về tuổi thơ của mình.

Giữa cái nóng oi ả của Sài Gòn, ông Lê Văn Hòa (82 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dựng tạm xe kem ở một góc đường gần giao lộ Lý Tự Trọng và Nguyễn Trung Trực (Q.1, TP.HCM) để tránh nóng. Dưới tán cây, ông lấy ra một bình nước rửa mặt, tay chân cho mát rồi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế nhựa. Không phải ai cũng biết, cụ ông này đã bán kem ngót nghét hơn 30 năm nay.

Thời hoàng kim

Đó là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi xóm của ông Hòa người người bán kem, nhà nhà bán kem. Lúc đó, ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ thợ hồ đến phục vụ các quán ăn, nhưng cũng không kiếm được là bao. Thấy người ta bán được, ông cũng mướn thợ làm cho cái xe kem bằng gỗ rồi đẩy đi bán.
“Hồi đó tôi còn khỏe lắm, nên một ngày đẩy được 30 cây số, thậm chí hơn. Có những ngày tôi đi tới Chợ Lớn, chợ Kim Biên luôn mà. Thời đó người ta mua kem của tôi nhiều lắm, có những ngày khách bu đông nghẹt, nhất là khi tôi bán trước các trường học cho mấy đứa trẻ. Thấy tiếng chuông leng keng leng keng là tụi nó háo hức lắm”, ông Hòa nhớ lại thời hoàng kim của mình.
Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’1

Mỗi buổi trưa, ông ngồi tránh nắng ở giao lộ Lý Tự Trọng và Nguyễn Trung Trực (Q.1)

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’2

Ông Hòa nhớ về thời hoàng kim của mình, khi trẻ em vây quanh ông để mua

ẢNH: CAO AN BIÊN

Theo thời gian, những người bán kem trong xóm của ông thưa dần, rồi đến nay số người còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Hòa bảo rằng thời này người ta mua kem của mình ít hơn, bán cũng không có lời bao nhiêu nên đa phần đồng nghiệp của ông chọn về quê hay làm nghề khác để kiếm sống. Dịch Covid-19 ập tới, việc buôn bán của ông lại càng khó khăn hơn bao giờ hết, ngày ế nhiều hơn ngày đông.
“Tụi nhỏ giờ đâu còn mua kem của tôi như hồi đó, giờ thèm thì cứ vô tiệm rồi mua, có đủ loại nên mấy cháu nó thích hơn”, ông buồn buồn nói. Hỏi sao không tìm nghề khác để làm, ông Hòa tiếp lời: “Nhưng mà ở tuổi này, tôi không bán kem thì biết làm gì mà sống vì làm mấy cái khác cũng không ai thuê, bán vé số cũng không lại người ta đâu. Thôi thì cứ trụ với cái nghề đã nuôi sống mình mấy chục năm nay, trời thương thì mình ăn nhiều, không thì ăn ít nhưng cũng sống được qua ngày”.
Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’3

Ông kể về vụ tai nạn khiến xe kem bằng gỗ gắn bó với ông suốt 30 năm qua bị hỏng, phải mua xe mới

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’4

Khách tìm đến xe kem của ông Hòa để tìm lại hương vị tuổi thơ

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Hòa chỉ vào xe kem, rồi nói rằng đó là chiếc xe mới mà ông xài được mấy tháng nay, còn chiếc xe đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm đã bị hư trong một vụ tai nạn: “Lúc đó là hồi tháng 12 năm ngoái, trước Noel, tôi đang đẩy xe đi bán thì bị xe máy tông nên cái xe bị hư luôn. Những người xung quanh thấy thương nên góp được 3 triệu đồng mua cho tôi cái xe mới”. Ấy vậy nhưng ông vẫn nhớ “đứa con” cũ của mình, vẫn cứ tiếc rẻ mãi…
Anh Trần Quốc Nhật (29 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) ghé vào mua một ổ bánh mì kem của ông Hòa. Anh cho biết nhìn thấy cụ ông, bỗng anh chợt nhớ về tuổi thơ của mình ngày xưa. “Khi bé, thấy tiếng leng keng của xe kem là thèm đòi cho mẹ mua bằng được. Nhưng lúc đó nhà nghèo, không phải lúc nào cũng được mẹ mua cho ăn nên mỗi lần mà cầm cây kem trong tay là ăn cho bằng sạch, nhưng không dám ăn nhanh vì sợ hết”, anh Nhật kể.
Vị khách này tâm sự thêm giờ mình đã lớn, có đủ điều kiện để mua đủ loại kem mình thích nhưng những xe kem như của ông Hòa mới có thế giúp anh cảm nhận được hương vị của tuổi thơ mình.
Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’5

Ông tỉ mỉ chăm sóc xe kem mới của mình

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’6

Kem ông bán có giá từ 10.000 đồng - 15.000 đồng

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Hạnh phúc khi còn được bán kem”

Chỗ ông Hòa hay ngồi nghỉ trưa là nơi làm việc quen thuộc hơn 30 năm qua của ông Phạm Thanh Hoàng (52 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) chuyên sửa móc khóa. Ông Hoàng cho hay suốt nhiều tháng nay, cụ ông hay ngồi nghỉ ở đây nên hai người vẫn thường nói chuyện, rồi quen nhau lúc nào không hay.
“Nhìn ông cụ thấy thương thương sao đó, già rồi mà còn phải vất vả mưu sinh. Nghe kể ông ấy đi làm nuôi vợ ở nhà, cũng không muốn lệ thuộc vào con cái nên tôi lại càng phục hơn”, người thợ sửa khóa tâm sự.
Ông Hòa cho biết xe kem của mình lấy từ mối quen nhiều năm nay, bán 3 loại bao gồm kem ốc quế, kem ly và bánh mì kem, giá của các loại này dao động từ 10.000 - 15.000 đồng. Hiện tại, vì sức khỏe yếu nên mỗi ngày ông đẩy xe gần 20 km từ nhà đến các con đường ở trung tâm TP.HCM.
Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’7

bánh mì kem được khách mua nhiều

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’8

Ông Hòa hạnh phúc khi bán kem vì được gặp và trò chuyện với nhiều người

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Hồi trước tôi bán kem thu nhập khá lắm, giờ thì ít hơn nhất là những ngày trời mưa thì không bán được gì luôn. Bây giờ, bán đắt thì ngày được 300.000 đồng, bèo thì hơn 100.000 đồng”, ông cho hay.
Nhiều người thấy hoàn cảnh của ông Hòa khó khăn nên cũng có ủng hộ tiền, nhờ đó mà vợ chồng ông cũng đỡ đần phần nào. Ông còn hào hứng kể cho chúng tôi nghe những lần gặp vợ chồng danh hài Trấn Thành và được họ giúp đỡ: “Tôi gặp họ tới 2 lần, mỗi lần Trấn Thành đều cho tôi 1 triệu, 2 triệu. Vì đường đang kẹt xe nên hai vợ chồng tranh thủ rời đi, tôi còn chưa kịp cảm ơn”.
Anh Toàn Thắng (18 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) thấy ông bán kem cũng ghé vào dúi cho ông một ít tiền. Anh cho biết bản thân rất khâm phục cụ ông, nên ít nhiều cũng muốn được giúp đỡ phần nào. “Chúc ông luôn khỏe mạnh, luôn hạnh phúc để tiếp thực hiện công việc của mình. Mong rằng sau này khi gặp lại vẫn còn được thấy ông bên cạnh chiếc xe kem của mình”, anh Thắng bộc bạch.
Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’9

Một số người khâm phục nghị lực của cụ ông nên hay hỏi thăm, cho tiền.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’10

Niềm vui của ông Hòa tuổi 82 là được bán kem, gợi lại ký ức tuổi thơ cho nhiều người

ẢNH: CAO AN BIÊN

Cụ ông U90 ‘đẩy tuổi thơ’ đi khắp Sài Gòn: ‘Trẻ con hết thích xe cà rem của tôi rồi’11

Ông Hòa chật vật đẩy chiếc xe kem cùng tiếng chuông leng keng trở thành hình ảnh thuân thuộc với nhiều người Sài Gòn

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hỏi về gia cảnh, ông Hòa cười rồi kể rằng hiện mình cùng vợ sống trong một căn phòng trọ trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh). Vì thương hai ông bà già, nên chủ phòng trọ giảm giá thuê từ 3 triệu đồng xuống còn 2 triệu. Ông nói thêm: “Tôi cũng có con cái, nhưng tụi nó cũng khó khăn, có cuộc sống riêng nên thôi còn sức thì cứ làm”.
Với cụ ông này, niềm hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại chính là hằng ngày được đẩy xe kem của mình đi nhiều nơi để bán cho khách. Ông thấy vui khi được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người và không cảm thấy buồn bã ở tuổi xế chiều. Đó cũng là lý do ông quyết định mình sẽ gắn bó công việc này đến hết phần đời còn lại của mình.
“Vợ tôi hơn 70 tuổi rồi, cũng đi rửa chén này kia phụ tôi. Sáng thức dậy bà ấy nấu đồ ăn sáng cho tôi, xong tôi đi bán kem rồi chiều tối bà lại nấu cơm chờ tôi về. Với tôi, cuộc sống như vậy là đủ, là hạnh phúc”, ông cười để lộ những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt rám nắng vì quanh năm rong ruổi ngoài đường.
Hơn 13 giờ 30 phút chiều, ông lại đẩy xe kem ra khu vực chợ Bến Thành để bán. Bóng lưng còng còng của cụ ông chật vật đẩy chiếc xe đi trên những con đường, cùng với tiếng chuông leng keng khiến nhịp sống Sài Gòn như chậm lại...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.