Ôn thi tốt nghiệp THPT 2023: Sử dụng máy tính bỏ túi sao cho đúng?

09/04/2023 11:12 GMT+7

Hiểu đúng chức năng, biết cách vận dụng các tiện ích của máy tính bỏ túi sẽ hỗ trợ đáng kể cho học sinh lớp 12 trong quá trình học và ôn tập môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT.


Máy tính bỏ túi: Công cụ hỗ trợ đắc lực

Ngoài những phép tính cơ bản, máy tính bỏ túi còn cung cấp nhiều chức năng khác phục vụ chương trình toán lớp 12 như đạo hàm; tích phân; giải phương trình bậc 2, 3, 4... Do đó, máy tính bỏ túi có vai trò không thể thiếu trong việc giải toán, giúp tiết kiệm thời gian và cho kết quả chính xác hơn tính tay.

Ôn thi tốt nghiệp THPT 2023: Sử dụng máy tính bỏ túi sao cho đúng? - Ảnh 1.

Học sinh cần sử dụng máy tính bỏ túi hợp lý

SHUTTERSTOCK

Chính vì những điều trên, Nguyễn Vũ Nhật Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chọn chiến thuật bấm máy ở những câu thông hiểu, kết hợp tự luận ở những câu vận dụng cao. "Việc kết hợp giữa máy tính bỏ túi và lý thuyết vừa giúp em làm bài một cách nhanh chóng vừa đảm bảo hiểu và vận dụng tốt kiến thức", Nhật Anh bày tỏ.

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cải tiến cách ra đề, chống bấm máy tính với những câu khó

Thầy Đinh Xuân Nhân, giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM)

Tương tự, Võ Minh Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng không phủ nhận lợi ích của máy tính bỏ túi, nhưng chỉ sử dụng ở mức độ hợp lý. "Em thấy máy tính bỏ túi góp phần đạt hiệu quả cao trong quá trình ôn tập. Em cũng thường rèn kỹ năng bấm máy nhanh để không bỡ ngỡ cũng như phân bổ thời gian để vận dụng lý thuyết vào những bài toán khó", Ngọc chia sẻ.

Trong nhiều năm dạy học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT, thầy Đinh Xuân Nhân, giáo viên bộ môn toán Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) thường hướng dẫn học sinh sử dụng một số chức năng của máy tính bỏ túi để hỗ trợ giải toán. "Tôi cũng lưu ý với các em rằng máy tính bỏ túi chỉ là công cụ hỗ trợ, điều quan trọng nhất là phải học từ kiến thức căn bản, nắm bản chất vấn đề, rèn luyện kỹ năng giải toán và khả năng tư duy lập luận", thầy Nhân chia sẻ thêm.

Ôn thi tốt nghiệp THPT 2023: Sử dụng máy tính bỏ túi sao cho đúng? - Ảnh 3.

Tài liệu thủ thuật máy tính bỏ túi trên mạng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Bấm máy là giải được câu khó?

Dẫu vậy, không ít học sinh xem máy tính bỏ túi là "chìa khóa vạn năng" rồi "học vẹt" các mẹo có sẵn để chọn đáp án mà không cần hiểu bản chất vấn đề.

Nhìn nhận thực tế qua nhiều năm học sinh thi trắc nghiệm, thầy Nhân cho biết 3 nguyên nhân khiến học sinh chọn cách học này. Đó là là do học sinh bị mất căn bản nên khó tiếp nhận kiến thức mới, tâm lý muốn "đi tắt, làm tắt" và tin vào những lời quảng cáo "có cánh" về các bộ tài liệu thủ thuật máy tính bỏ túi.

Hiện nay, những tài liệu được gọi là "thủ thuật casio" xuất hiện nhiều trên mạng, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh lớp 12. Ưu điểm của những tài liệu này là cung cấp kỹ năng bấm máy tính cần thiết để giải toán nhanh hơn. Nhược điểm là phần lớn tài liệu được quảng cáo quá mức như "chỉ cần bấm máy là giải nhanh được các câu khó trong đề thi chính thức".

"Điều này làm cho nhiều học sinh ngộ nhận rằng mình không cần học kiến thức căn bản, không giải toán theo lối tư duy tự luận vẫn có thể đạt điểm cao. Thực tế là những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cải tiến cách ra đề, chống bấm máy tính với những câu khó", thầy Nhân nhận định.

Ưu tiên hiểu kiến thức hơn giải nhanh

Từ đây, học sinh lớp 12 cần luyện tập sử dụng máy tính bỏ túi một cách hợp lý, hiệu quả để tránh phụ thuộc.

Dù tận dụng được sự tiện lợi của máy tính, học sinh phải nắm vững kiến thức, các kỹ năng cơ bản, đặc biệt với một số bài toán khó đòi hỏi khả năng tư duy lập luận. Máy tính chỉ giải quyết các bước tính toán trong một bài toán, chứ không thể thay thế cho toàn bộ các yếu tố trên.

Những tài liệu được gọi là "thủ thuật " xuất hiện nhiều trên mạng, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh lớp 12

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đây cũng là ưu tiên của Vương Hoàng Yến Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) khi bước vào giai đoạn luyện đề ở thời điểm này. "Em phải hiểu được phương pháp làm bài, bản chất vấn đề, sau đó mới tìm cách làm nhanh hơn để phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm", nữ sinh chia sẻ.

Khi xem máy tính bỏ túi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tổ hợp xét tuyển B00 (toán , hóa, sinh), Đỗ Đình Thiên Phúc (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thủ khoa tốt nghiệp tỉnh Quảng Ngãi năm 2022) vẫn thường viết cách giải theo lý thuyết đã học bằng vài dòng ngắn gọn, để tránh nhầm lẫn và dễ kiểm tra trong khi làm.

Thông qua hai trường hợp của Yến Trang và Thiên Phúc, thầy Đinh Xuân Nhân đúc kết: "Các em cần ôn tập từ những kiến thức cơ bản trong từng bài, tích cực rèn luyện các bài tập để hình thành kỹ năng giải toán. Mặt khác, các chức năng của máy tính bỏ túi nên được khai thác đúng cách để tăng tốc độ tính toán, nhưng cũng hạn chế sử dụng nó cho các phép tính đơn giản. Theo cách học này, các em vừa giải được những câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT, vừa nắm vững kiến thức và hình thành khả năng tự học, giúp học tốt hơn ở đại học".

Các biện pháp của giáo viên

Bên cạnh ý thức và sự lựa chọn cách học của học sinh, thầy cô có thể trở thành người đồng hành của các em bằng một số biện pháp như sau:

- Giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ, các kiến thức cần thiết cho kỳ thi.

- Làm công tác tư tưởng để các em thấy được việc học toán không chỉ là giải quyết đề thi trước mắt. Học toán còn giúp mỗi người hình thành tư duy logic và một số phẩm chất như kiên trì, cẩn thận, chính xác... để giải quyết tốt nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.

- Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần thiết kế, chọn lọc các câu hỏi trắc nghiệm hạn chế sử dụng máy tính bỏ túi.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.