Olympic 2020: Chưa đầu tư tương xứng thì chưa bật lên được

29/07/2021 08:22 GMT+7

Dù còn niềm hy vọng cuối cùng là Quách Thị Lan ở môn điền kinh nhưng đến giờ này có thể khẳng định đoàn Việt Nam không đạt được một thành tích nào giúp thể thao nước nhà bật lên được tại Olympic 2020.

 
Đánh giá về thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic, chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Cách đầu tư của thể thao Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ là manh mún, vẫn chỉ là dừng trong phạm vi khu vực, chạy theo thành tích ao làng ở SEA Games, chứ chưa nghĩ đến chuyện vươn tầm ra thế giới. Vì vậy, mỗi khi dự Olympic chưa đấu, người hâm mộ đã dự cảm ngay thất bại. Bởi vì họ có được chăm sóc một cách kỹ càng để bước ra đấu trường lớn đâu.
Chỉ riêng chế độ ăn tập mà chỉ có 400.000 đồng/ngày thì đừng đòi hỏi phải mang về thành tích cao. Hằng năm ngành TDTT chỉ được cấp vài trăm tỉ đồng thì thực tế chẳng làm được gì. Các địa phương cũng chỉ vài chục tỉ thì sự đầu tư cũng chẳng tới đâu. Ngay tại TP.HCM, chế độ dành cho VĐV cấp đội tuyển cũng chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng, ăn còn chưa no lấy gì tích lũy tốt thể lực để tranh tài. Tôi cho rằng ngành TDTT phải xem lại cách đầu tư và dinh dưỡng một cách khoa học. Không làm tốt khâu này, không đổ tiền một cách đúng thực chất thì chẳng bao giờ bật lên được”.
Bình luận viên Huỳnh Sang cho rằng: “Sự đầu tư cho tài năng thể thao Việt Nam không tương xứng, nếu không muốn nói quá tệ khiến họ khó phát huy được tố chất để duy trì năng lực, vươn đến đỉnh cao. Như tay vợt cầu lông Thùy Linh chuyên môn đâu có tệ nhưng thể lực không mạnh mẽ là do đâu? Ngành TDTT đã đầu tư thế nào cho cô để bước ra đấu trường thế giới? Nếu bây giờ mà Thùy Linh được đầu tư như các quốc gia thể thao hàng đầu thì chắc chắn sẽ khác. Rồi tâm lý, bản lĩnh thi đấu của VĐV cần được hun đúc thông qua cọ xát quốc tế liên tục và trui rèn trong môi trường chuyên nghiệp, nhưng ngành TDTT đã làm gì để giúp họ.

Tiến Minh vẫn tự nỗ lực là chính

AFP

Ánh Viên cả năm trời không có HLV giỏi làm sao bật lên? Đa phần các tài năng thể thao Việt Nam đứng được đến giờ này là do gia đình và cá nhân VĐV đó tự nỗ lực. Họ thường xuyên tự chăm chút để kéo dài sự nghiệp thể thao như trường hợp của Tiến Minh, còn ngành TDTT bao giờ mới xem họ là “tài sản quốc gia” để có sự đầu tư xứng tầm” tại Olympic?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.