Ơi quê ngoại!

07/11/2020 07:10 GMT+7

Tôi rất thích bài thơ Đường Hồi hương ngẫu thư (ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê) của Hạ Tri Chương, do Phạm Sĩ Vỹ dịch:

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi tóc đà khác bao

Trẻ con nhìn lạ không chào,
Hỏi rằng: khách ở chỗ nào lại chơi.
Không hiểu sao, trong tôi cứ bâng khuâng, tiêng tiếc vu vơ hoài, rằng ước gì lũ trẻ trong làng quê ấy biết được cái người khách kia chính là một người làng ra đi từ trẻ, nay trở về thăm quê lúc tóc đã bạc phơ. Nếu biết thế, chắc chúng sẽ chạy đến vui mừng, xúc động thay vì lạnh nhạt, thờ ơ như với một người khách lạ qua đường, chợt đến!
Tôi cũng có một quê hương. Là nơi mẹ tôi sinh ra và bà cũng rời quê từ lúc còn thơ trẻ, tôi chỉ biết vậy. Đó là làng biển Tam Thanh thuộc thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) bây giờ. Qua năm tháng, đi suốt một đời người, lúc nào tôi cũng chỉ đau đáu về cái làng quê cát nghèo khó lúc bấy giờ. Có gì như xốn xang, cờn cợn hoài trong tôi mỗi khi nghĩ về nơi làng quê đầy nắng, gió và cát ấy, nhất là những buổi trưa hè. Nơi mẹ tôi sinh ra, và chắc chắn tuổi thơ đầu tiên của bà sẽ là những đôi chân trần lội cát, tôi mường tượng thế.
Trong tiềm thức mơ hồ, có lẽ “quê ngoại” thường hơi xa xăm, cách trở hơn mỗi khi người ta nghĩ về chăng? Bởi nơi mình sống và lớn lên, trưởng thành (hoặc đi xa) thương không phải là... quê ngoại! Kể cả mẹ mình cũng chỉ được sinh ra ở đó chứ chưa hẳn gắn bó suốt tuổi thơ (vì hoàn cảnh riêng mỗi gia đình).
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nhiều lần tôi đã lạch bạch theo sau lưng ông cậu già từ khi xuống ghe để bắt đầu đi bộ về xóm biển ấy. Đường bộ lúc đó chủ yếu là đất đỏ, sỏi đá và bốc bụi nắng cháy. Tôi nhớ, khoảng gần một tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc ghe máy tròng trành chen chúc người đi chợ về, dọc theo sông Trường Giang. Tiếng ghe máy nổ bành bạch, tôi nghe rất vui tai, háo hức và thích thú nhìn ngắm hai bên bờ sông toàn cỏ ống mọc dài, xa xa. Với tuổi thơ, tưởng chừng như đó là một chuyến đi dài, hấp dẫn. Sau đó, cũng chẳng nhớ xuống bến nào nữa. Chỉ biết ông cậu đi trước, tay kẹp nách cái dù đen cũ kỹ, tôi lọ dọ theo sau, cúi mặt cắm đầu xuống nhìn hai bàn chân, cố bám trên cát rít nóng bỏng để theo kịp ông. Sau những đổng cát trắng phau, xóm làng bắt đầu dần hiện ra, đường trong xóm quanh queo và cũng toàn là... cát. Sao nhiều cát thế, tôi đi mỏi cả chân. Sâu vào trong xóm, “mùi biển” bắt đầu lồng vào mũi tôi hăng hắc nồng nồng, nhưng trong sâu thẳm tôi lại thấy thích, bởi ở phố xá có bao giờ tôi nghe mùi ấy!
Theo ký ức tôi, quê biển lúc đó nghèo khó lắm, những nóc nhà lưa thưa vừa đủ che nắng che mưa, trong một khuôn viên mà xung quanh cũng chỉ cát là cát. Một số nhà cũng có bóng cây nho nhỏ trong sân. Dưới bóng cây thường có chiếc lu đựng nước dùng sinh hoạt, bên cạnh có giàn tre sơ sài đựng chén bát xoong nồi linh tinh. Sướng nhất là khi tắm, dội nước đến đâu cát rút đến đó khô ngay, nên dội thoải mái mà vẫn... sạch sẽ vì không thấy nước!
Đẹp nhất làng biển có lẽ là mùa hè. Những rặng thông xanh như rì rào hơn, vươn xa hơn theo gió. Đặc biệt cái nắng miền biển như gắt gao hơn nhưng lại được những cơn gió ngoài khơi đưa vào hòa lẫn, cô đặc thành một thứ không khí đặc trưng mà không phải vùng quê nào cũng có.
Mấy chục năm sau này làng biển tôi đẹp và trù phú hơn nhiều, đường trong ngõ xóm đã không còn cát như ngày xưa. Bến sông nhỏ bé nay cũng biến mất từ khi nào chẳng biết, dù con sông vẫn còn đó, nước chảy mềm mại, hiền hòa như nhẫn nhịn với thời gian.
Giờ đây, tìm lại “dấu xưa” cái xóm biển quê nghèo của ngoại tôi ngày ấy rất khó, bởi dấu vết đã mất đi rất nhiều theo thời gian. Có lẽ gió biển đã cuốn đi từng đợt, từng đợt. Mỗi lần có dịp về thăm quê cát, tôi cứ băn khoăn và mường tượng đi tìm: không biết nơi đâu là những dấu chân của mẹ tôi lội cát ngày thơ ấu. Và sau này là dấu chân tôi lúc nhỏ, hì hục bám chặt trên cát mỗi khi theo người cậu già về quê ngoại! Những người họ ngoại tôi gặp lúc nhỏ, đã theo về tổ tiên từ lâu. Những người bà con gọi tôi bằng “chú” giờ tóc cũng đã hoa râm.
Quê nội tôi ngay phố thị. Muôn đời tôi ở phố. Nhưng mãi mãi tâm hồn, tình cảm tôi lại muốn ở quê: Ơi quê ngoại của tôi, của... riêng tôi!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.