Ô tô nhập khẩu giá rẻ ‘vất vưởng’ tại thị trường Việt Nam

Trần Hoàng
Trần Hoàng
18/08/2020 13:00 GMT+7

Khi thiết kế, tính năng ngày càng được khách hàng đề cao trong tiêu chí lựa chọn xe cỡ nhỏ hạng A... Cái danh “ô tô nhập khẩu giá rẻ” không còn là lợi thế đủ sức hấp dẫn để giúp Suzuki Celerio, Mitsubishi Mirage… trụ vững trên thị trường.

Bên cạnh sự xuất hiện của hàng loạt mẫu mã mới, thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay cũng chứng kiến nhiều mẫu ô tô nhập khẩu giá rẻ lần lượt “bật” khỏi cuộc đua tranh doanh số.
Đầu quý II.2020, nhà phân phối xe Suzuki Việt Nam thông báo tạm dừng phân phối dòng xe cỡ nhỏ - Suzuki Celerio tại Việt Nam. Đến cuối tháng 5.2020 mẫu hatchback hạng B - Honda Jazz bất ngờ biến mất khỏi danh mục sản phẩm trên trang thông tin chính thức của Honda Việt Nam. Một số đại lý cũng đã ngừng phân phối mẫu xe này... làm dấy lên thông tin Jazz đã bị "khai tử" tại thị trường Việt Nam do doanh số bán quá “nghèo nàn”.

Suzuki Việt Nam tạm dừng phân phối mẫu xe cỡ nhỏ Celerio

Mới đây nhất, sau những tháng ngày kinh doanh không mấy khả quan, Mitsubishi Motor Việt Nam cũng đã xác nhận thông tin sẽ chính thức “khai tử” mẫu Mirage sau khi các đại lý Mitsubishi “thanh lý” hết lượng xe Mirage còn tồn kho…
Hầu hết các mẫu xe này đều thuộc phân khúc ô tô nhập khẩu giá rẻ và từng được gửi gắm nhiều kỳ vọng khi gia nhập cuộc đua tranh cùng các mẫu xe lắp ráp, phân phối tại Việt Nam. Suzuki Celerio nhập khẩu từ Thái Lan gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2017 với mức giá từ 329 - 359 triệu đồng, từng được xem là mẫu ô tô nhập khẩu giá rẻ nhất thị trường. Mirage cũng được xem là mẫu xe giá rẻ nhất trong danh mục sản phẩm của Mitsubishi tại Việt Nam. Trong khi, Jazz với màn ra mắt đình đám vào năm 2018 từng được Honda kỳ vọng xe khuấy động phân khúc hatchback hạng B – vốn bị Toyota Yaris thống trị trong nhiều năm qua…

Mitsubishi Việt Nam cũng đã xác nhận thông tin "khai tử" Mirage

Tuy nhiên, sau một thời gian gia nhập thị trường Việt Nam, tất cả đều chung một số phận: Doanh số khởi sắc trong thời gian đầu nhờ sự mới lạ và cái danh xe nhập, sau đó lâm vào cảnh ế ẩm, vất vưởng trên thị rường và đứng trước nguy cơ “khai tử”.
Nhiều người cho rằng với thị trường ô tô đang trong giai đoạn phát triển như ở Việt Nam, ô tô có giá bán hấp dẫn, cạnh tranh sẽ càng bán chạy... Tuy nhiên, trong thời buổi công nghệ, thị hiếu người tiêu dùng không ngừng thay đổi điều đó không phải bao giờ cũng đúng.
Thiết kế có phần cục mịch với những chi tiết thiếu thẩm mĩ trên Suzuki Celerio như tay nắm cửa dạng lật – vốn chỉ thấy trên các dòng xe sản xuất những năm 1990 trở về trước cùng với khoang nội thất thiết hụt trang bị tiện nghi, hệ thống an toàn nghèo nàn… Chính là lý do khiến Celerio không thể cạnh tranh nổi với Honda Brio, Toyota Wigo hay ngay cả VinFast Fadil – vốn có giá cao nhất nhì phân khúc nhưng lại sở hữu nhiều trang bị, công nghệ an toàn.

Doanh số nghèo nàn khiến Honda tạm dừng bán Jazz tại Việt Nam

Trong khi đó, Mitsubishi Mirage có giá bán khá hấp dẫn (từ 370 – 475 triệu đồng), tuy nhiên việc chậm cải tiến về công nghệ, thiết kế, động cơ… khiến mẫu xe này không đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam. Kể từ năm 2013 đến nay, Mitsubishi Mirage không có nhiều thay đổi về thiết kế và chỉ dùng một động cơ 1.2 lít Mivec có công suất 78 mã lực tại vòng tua 6.000 vòng/phút và mô men xoắn 100 Nm tại vòng tua 4.000 vòng/phút.
Doanh số bán Mitsubishi Mirage tại Việt Nam liên tục sụt giảm. Thậm chí dù mang danh xe nhập khẩu nguyên chiếc và liên tục được bán với giá ưu đãi nhưng doanh số bán hàng của Mirage vẫn không được cải thiện. Hai tháng gần nhất, Mitsubishi Việt Nam bán chưa tới 20 xe mỗi tháng và liên tục góp mặt trong Top 10 ô tô bán ít nhất Việt Nam. Kết thúc 7 tháng đầu năm 2020, tổng lượng xe Mirage đã bán tại Việt Nam chỉ đạt 156 xe.

Ô tô nhập khẩu giá rẻ không phải lúc nào cũng đủ sức hút người tiêu dùng

Khi tiêu chí của người tiêu dùng ô tô liên tục thay đổi theo xu hướng thời trang, công nghệ… ô tô nhập khẩu giá rẻ không phải lúc nào cũng đủ sức hút nếu nhà sản xuất, phân phối không đáp ứng kịp nhu cầu thị hiếu người mua. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến người mua thắt chặt chi tiêu, doanh số thị trường ô tô theo đó sụt giảm… Đây cũng là dịp để nhà sản xuất, phân phối “thanh lọc” lại lực lượng, tính toán loại bỏ những mẫu xe không phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người Việt và dồn lực cho các mẫu xe có khả năng cạnh tranh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.