Từ vụ tai nạn chết người tại Lạng Sơn:

Ô tô gặp sự cố phải dừng đỗ bên đường, làm gì để đảm bảo an toàn?

Đình Tuyên
Đình Tuyên
03/11/2023 11:34 GMT+7

Chỉ vì thiếu kỹ năng hoặc chủ quan khi dừng đỗ xe trên đường khi gặp sự cố, nhiều tài xế ô tô đã phải trả giá bằng mạng sống của mình; hoặc gây ra tai nạn, liên lụy đến các phương tiện khác cùng lưu thông.

Ô tô đang di chuyển bất ngờ gặp sự cố hỏng hóc, buộc tài xế phải dừng đỗ xe ngay trên đường để sửa chữa hoặc chờ xe cứu hộ là chuyện thường gặp. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người điều khiển ô tô chủ quan, không tuân thủ các quy tắc an toàn dẫn đến va chạm nguy hiểm.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng rạng sáng 31.10.2023, tại Km70+800, QL1A thuộc địa phận xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là một điển hình. Thời điểm xảy ra vụ việc, một xe tải vận chuyển xi măng bị hỏng, không thể di chuyển. Tài xế cho xe dừng lại trên đường, chui xuống gầm để kiểm tra, sửa chữa xe. Lúc này, một xe khách 16 chỗ lưu thông cùng chiều không quan sát thấy nên đã đâm vào đuôi xe tải nói trên.

Ô tô gặp sự cố phải dừng đỗ bên đường, làm gì để đảm bảo an toàn? - Ảnh 1.

Vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại Lạng Sơn xuất phát từ việc dừng đỗ xe trên đường không đảm bảo điều kiện an toàn

T.N

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, khi dừng đỗ xe tải bên đường, tài xế có đặt cảnh báo phía sau xe nhưng chỉ cách xe 16m. Trong khi đó, đoạn đường nơi xảy ra vụ việc lại là đường dốc, cong cua, khuất tầm nhìn.

Từ báo cáo vụ việc có thể thấy, một phần nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người chết nói trên là do tài xế xe tải đã quá chủ quan, thiếu kinh nghiệm và không tuân thủ các quy tắc an toàn khi dừng đỗ xe khi gặp sự cố trên đường.

Bởi lẽ, trong điều kiện trời tối, các xe di chuyển nhanh, nếu chỉ đặt vật cảnh báo cách đuôi xe 16m là quá gần. Khoảng cách này rõ ràng không đủ để các phương tiện khác lưu thông cùng chiều có thể kịp thời xử lý để tránh. Đặc biệt với điều kiện giao thông trên quốc lộ, nơi các phương tiện thường lưu thông với tốc độ trên 50 km/giờ.

Chiếu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ (nay hiện được thay bằng quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT). Trường hợp đặt biển báo hoặc vật dụng cảnh báo nguy hiểm với khoảng cách dưới 50m tính từ đuôi xe chỉ áp dụng tại các tuyến đường các phương tiện lưu thông chậm, vận tốc trung bình dưới 20 km/giờ.

Ô tô gặp sự cố phải dừng đỗ bên đường, làm gì để đảm bảo an toàn? - Ảnh 2.

Khi gặp sự cố buộc phải dừng đỗ xe trên đường, tài xế cần đặt biển cảnh báo, đảm bảo các quy tắc an toàn

Trong khi, với các tuyến đường các phương tiện lưu vận tốc trung bình từ 20 - 35 km/giờ, khoảng cách từ xe tới nơi đặt biển cảnh báo hoặc vật dụng cảnh báo phải từ 50 - 100 m. Tương tự, nếu vận tốc trung bình của các xe từ 35 - 50 km/giờ thì khoảng cách tương ứng là 100 - 150 m. Từ 150 km/giờ trở lên, khoảng cách đảm bảo an toàn phải từ 150 - 200 m.

Bên cạnh việc vấn đề khoảng cách, để đảm bảo hiệu quả và an toàn, cần đặt biển hoặc vật cảnh báo đạt tiêu chuẩn, có phản quang để các phương tiện khác lưu thông trên đường dễ dàng phát hiện từ xa và chủ động xử lý tình huống.

Ngoài ra, tài xế cũng cần thực hiện đầy đủ các quy tắc an toàn khác như bật đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard), kéo phanh tay cho xe. Với các xe nhỏ, nên cố gắng đẩy xe vào sát lề đường hoặc các vị trí an toàn nhất có thể. Hạn chế dừng đỗ tại các khu vực đường cong, khuất tầm nhìn.

Đặc biệt, trong quá trình chờ xe cứu hộ đến, tài xế và người đi cùng trên xe tuyệt đối không đứng ở phía sau xe. Bởi lẽ, vị trí này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu chẳng may có một phương tiện khác phía sau không phát hiện và kịp thời tránh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.