Ô nhiễm không khí, nhiều người ngại ra đường chơi Giáng sinh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/12/2019 10:32 GMT+7

Nhiều người trẻ cho biết họ chấp nhận đón Giáng sinh ở nhà thay vì ra đường vì lo ngại ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe . Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ.

Cảm nhận ô nhiễm không khí từ... tóc

Chị Nguyễn Thị Ánh, 31 tuổi, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM ngày nào cũng đi đi về về đoạn đường từ chợ Xóm Củi, qua cầu Chánh Hưng, Phạm Hùng (Q.8) tới Nguyễn Văn Linh (Q.7) tới chỗ làm. Tháo mũ bảo hiểm, chị chìa ra mái tóc chưa khô, thở dài: “Cô xem, vừa gội đầu xong, mở nón (mũ) ra thì tóc rít rịt. Toàn bụi không”. Con trai chị Ánh 3 tuổi, ngày nào cũng hỏi mẹ ông già Noel sắp tới tặng quà chưa, thấy phố phường TP.HCM những ngày gần Giáng sinh cũng vui, nhưng nghĩ tới cảnh ô nhiễm không khí nặng nề, mang khẩu trang áo khoác chống bụi đi chơi Noel thì nản.

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân

CHANGE

Khói bụi, ô nhiễm không khí cũng là điều khiến gia đình anh Phạm Đình Quyền, 30 tuổi, chung cư B1, đường Bông Sao, Q.8, TP.HCM “lười” ra đường dịp Giáng sinh này.
 “Chúng tôi cho con đi khu vui chơi thiếu nhi gần nhà, rồi nhờ dịch vụ ông già Noel tặng quà cho con”, anh Quyền nói.
“Trước Giáng sinh thì chúng tôi cũng muốn ra đường để chụp ảnh, mua sắm nhưng mấy ngày nay thấy khói bụi ô nhiễm quá cũng ngại. Từ 4 giờ chiều, cầu Chánh Hưng (Q.8) đã tắc nghẽn, xe gắn máy phả khói, bụi trên đường mù mịt, thoát ra được cũng mất nửa tiếng, oải hết người rồi còn chơi gì nữa”, ông bố trẻ giải thích.

Tăng nguy cơ trầm cảm, tự tử; ảnh hưởng hô hấp, tim, não

Ô nhiễm không khí những ngày qua liên tục đe doạ cư dân tại Hà Nội, TP.HCM. Sau một thời gian là thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu, tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội đảo chiều. Trong mùa Giáng sinh này, đến sáng 22.12, chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM đứng thứ 11 trên thế giới, tiệm cận top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới.
Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân. Mới đây, nghiên cứu khuyến nghị nâng cao chất lượng không khí góp phần ngăn chặn khoảng 15% (hàng triệu người) trầm cảm, tự tử đã được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives. Chất lượng không khí, tình hình bụi mịn thật sự có liên quan đến vấn đề trầm cảm, tự tử ở con người.

Nhịp sống bị ảnh hưởng không nhỏ vì ô nhiễm không khí

CHANGE

Tại TP.HCM, hồi 14.10, toạ đàm Hiểu về ô nhiễm không khí do doanh nghiệp xã hội CHANGE tổ chức. Tại đây, những tác hại kinh khủng của bụi mịn, đặc biệt PM2.5 (là hạt bụi có đường kính 2.5 micromet) vấn nạn chính trong ô nhiễm không khí hiện nay - đã được các chuyên gia cảnh báo tới người dân.
Tiến sĩ Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn Sức khỏe môi trường, Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết bụi mịn xâm nhập qua đường hô hấp, xâm nhập vào phổi, tới phế nang, tới các mạch máu, do đó gây những tác động như khò khè, khó thở, viêm mũi viêm xoang nhức đầu, đặc biệt với người bị hen suyễn, tắc nghẽn đường hô hấp thì hê luỵ còn nặng hơn. Bụi mịn có thể xâm nhập vào thành mạch máu, do đó có thể gây xơ vữa, tắc nghẽn đường máu, nhồi máu cơ tim, gây đột quỵ; bụi mịn cũng xâm nhập tế bào não, tấn công và gây tổn thương tế bào não. Theo WHO, ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Đặc biệt, ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Đăng cho biết theo một nghiên cứu y học quốc tế, người ta nghiên cứu trên 25 bà mẹ đang mang thai và thấy những hạt bụi mịn trong nhau thai, các nhà khoa học chỉ ra, bụi mịn có thể gây sinh non, sinh trẻ nhẹ cân, gia tăng nguy cơ gây sảy thai.

Người dân có quyền được hưởng không khí sạch

Thúy Hằng

Ô nhiễm không khí, giải pháp chung chung có giải quyết được?

Mới đây, ngày 19.12, Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai trên website của Bộ thông tin báo chí về cuộc họp giữa Bộ này với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Những giải pháp trước mắt được Bộ này đưa ra để cải thiện tình hình đó là lắp đặt bổ sung các hệ thống quan trắc môi trường; duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày; thu gom rác triệt để; ban hành kiểm soát chặt yêu cầu bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng; vận động người dân hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; vận động người dân không đốt rơm rạ; điều tiết phân luồng giao thông hợp lý tránh ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm…
Tuy nhiên, với Hoàng Thị Hương, 20 tuổi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM, những giải pháp nêu trên vẫn quá chung chung và cô có cảm giác “năm nào thì cũng nghe được những giải pháp như vậy. Kể cả khi không khí chưa đến mức tệ hại. Nhưng thật sự tính hiệu quả triệt để xử lý về ô nhiễm không khí sẽ không đi đến đâu”. Theo Hương, vấn đề quan trọng đó là phải đóng cửa các nhà máy điện than, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sản sinh bụi mịn. Tiếp đến, chúng ta cần Luật không khí sạch, để với những điều khoản cụ thể, để dễ dàng xử lý với những đối tượng gây ô nhiễm không khí, đồng thời để người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí có thể khởi kiện…
Luật không khí sạch là vấn đề nhiều lần được những chuyên gia nhắc tới. Mới đây nhất, trong toạ đàm Hiểu về ô nhiễm không khí do doanh nghiệp xã hội CHANGE tổ chức, anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng cũng nhắc tới một giải pháp, đó là bà mong sẽ có luật không khí sạch cho Việt Nam. Không khí sẽ không sạch trở lại, nó sẽ chỉ ngày càng tệ đi nếu không ai làm gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.