Ở một nơi, giáo viên phải 'giành' học trò với… cây đót

Phạm Anh
Phạm Anh
30/01/2024 08:07 GMT+7

Dưới chân núi Cà Đam (xã Trà Bùi, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) có một điểm trường học còn rất nhiều khó khăn.

Đó là điểm trường thôn Quế, cách Trường tiểu học và THCS xã Trà Bùi khoảng 50 km. Điểm trường này nằm dưới chân dãy núi Cà Đam (cao so với mặt nước biển 1.400 m).

Điểm trường thôn Quế có 3 cô và 1 thầy giáo cắm bản, dạy 47 học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 4. Đi vào một lớp học của cô giáo Võ Thị Nhi, chúng tôi chứng kiến các em HS co ro trong cái lạnh mùa đông.

Ở một nơi, giáo viên phải 'giành' học trò với… cây đót- Ảnh 1.

Đường đến lớp của học sinh thôn Quế

PHẠM ANH

Cô Nhi cho biết, do đời sống khó khăn, cha mẹ HS lo đi rẫy đi rừng nên ít quan tâm việc học của con em mình. Con cái đến trường là giao hết cho cô giáo. Tổ 8 của thôn Quế là nơi xa nhất, HS cứ đến mùa mưa lạnh là nghỉ học mà không có cách nào gọi cho phụ huynh, vì sóng điện thoại lúc có lúc không.

Người Kor ở thôn Quế nghèo, có mấy ai xuống núi làm thuê kiếm được tiền. Vì vậy, đầu năm học, giáo viên ở đây tự bỏ tiền ra mua sách vở, dụng cụ học tập, HS chỉ việc đến lớp. Nhiều hôm trên lớp, nghe các em mếu máo: "Cô ơi hết vở học, cô ơi viết hết mực…", các cô chỉ biết ứa nước mắt.

Dạy ở thôn Quế, một thời giáo viên sợ nhất là sau Tết Nguyên đán và mùa đót vì HS thường nghỉ học. Giáo viên phải phân công nhau vào tận từng nóc nhà gặp phụ huynh, mà ban ngày người Kor đi rẫy đi rừng, nên cực nhất là phải đi vào ban đêm, "giành" học trò với cây đót, bởi chặt cây đót có tiền, chứ học chữ không có tiền.

Ở một nơi, giáo viên phải 'giành' học trò với… cây đót- Ảnh 2.

Trời lạnh nhưng các em ăn mặc mong manh

PHẠM ANH

Vài năm nay, người dân đã có ý thức hơn việc học của con em. Thêm vào đó, HS đi học được nhà nước hỗ trợ tiền nên phần nào đã khuyến khích các em đến trường. Tuy nhiên, tình trạng nghỉ học theo từng thời điểm vẫn diễn ra.

Vùng núi cao, trời càng về tối càng lạnh. Vào mùa này tầm 15 giờ là phải ngưng việc dạy, vì sương mù che phủ khắp nơi. Khi HS cuối cùng đi về thì cô giáo Nhi cũng lần theo màn sương về với đứa con 4 tuổi ở TT.Di Lăng, H.Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Cô Nhi cho biết, chồng cô ở xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), còn hai mẹ con cô phải thuê nhà trọ tại TT.Di Lăng ở tạm. Năm ngoái, con chưa gửi trẻ được, cô Nhi phải đưa con lên tận điểm trường thôn Quế. "Ở đây lạnh lắm, mình còn chịu không thấu, huống chi trẻ con", cô Nhi nói.

Còn năm nay gửi trẻ được rồi, nhưng do phải đi sớm, khi đưa con đến lớp thì cổng trường mầm non vẫn chưa mở, cô Nhi đành gửi con cho người bán nước gần trường rồi quày quả chạy xe máy lên điểm trường thôn Quế để kịp giờ dạy.

Mùa lạnh, nhìn ánh mắt con trông theo, lòng cô se sắt nhưng đành phải quay xe rong ruổi. Chồng cô làm công nhân ở Khu kinh tế Dung Quất (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi); vì vậy cả năm chỉ có mùa hè và tết đến, cả nhà mới đoàn tụ được lâu ngày.

Chúng tôi vào chỗ ở tạm của giáo viên ở đây. Căn nhà rất cũ, vật dụng rất đơn sơ. Hai cô kê giường sát nhau. Hết giờ lên lớp, các giáo viên luân phiên nấu ăn, dọn dẹp.

Ở một nơi, giáo viên phải 'giành' học trò với… cây đót- Ảnh 3.

Điểm trường thôn Quế dưới chân núi Cà Đam

PHẠM ANH

Ông Hồ Ngọc Ninh, Phó chủ tịch UBND xã Trà Bùi, cho biết thôn Quế có 84 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Kor, chủ yếu sống bằng trồng lúa rẫy, khoai mì, không có thu nhập ổn định nên gần 100% là hộ nghèo.

Theo ông Ninh, vùng này trời lạnh nên việc sản xuất, nuôi gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn. Cây cối ở đây, ngay cả cây keo cũng chậm lớn hơn những vùng khác. Do khó khăn nên phụ huynh ít chăm lo việc học con em mình. "Mấy năm nay, ý thức việc học của dân đã khá dần lên, tất cả là nhờ các thầy cô giáo cắm bản nơi này", ông Ninh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.