Sau chiến tranh, những người lính ấy không trở về quê hương mà ở lại với chiến trường, xây dựng cuộc sống mới. Và là ở lại với núi rừng, với tình yêu mà họ đã bén duyên với những sơn nữ vùng biên giới Kon Tum.

>> PHẠM ANH

Ông Phạm Công Lực (71 tuổi) ở thôn Đại Đoàn Kết (thôn 4), xã Đăk Ui, H.Đăk Hà (Kon Tum) rất vui tính. Ông nói mình ra quân từ 1975, nhưng mãi đến nay vẫn là cán bộ: Hết tham gia các hội đoàn thể, về làng lại bị "bắt" làm thôn trưởng mấy nhiệm kỳ.

Quê ông ở tận thành Nam (Nam Định), nhưng vào Tây nguyên cầm súng kháng chiến từ những ngày trai trẻ. Duyên phận với vùng đất này, vậy là ông ở lại. “Hết chiến tranh, biết rồi cũng sẽ ra quân nên vợ chồng tôi hẹn nhau: nơi nào thấy đất oằn lên do con giun đào là về đó lập nghiệp. Tôi về đất này trước vợ một năm”, ông Lực tâm sự.

Một năm sau, bà Y Đức, vợ ông Lực ra quân, cũng là lúc cây mì ông trồng củ đã to bằng bắp chân. Ông Lực kể: "Mân mê củ mì trên tay, tôi bảo vợ vậy là sống được". Lúc này có khoảng một tiểu đội bộ đội quê ở Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… cũng xuất ngũ, dắt díu gia đình cùng về đây cư ngụ. Gia tài của mỗi nhà chỉ có một ba lô toòng teng trên vai và đứa con nhỏ. Họ đều có điểm chung: Chồng là người Bắc, lấy vợ là người Xê Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng...

Chân dung vợ chồng ông Lực và Y Đức ngày trong kháng chiến

Vài năm sau, 18 hộ gia đình bộ đội xuất ngũ về đây, cùng thành lập thôn 4, lấy tên thôn là Đại Đoàn Kết. Còn dân trong vùng thì vẫn quen gọi là xóm bộ đội.

Mưu sinh những năm đầu đầy gian nan, khó khăn. Muốn có gạo ăn họ phải xuống tận TX.Kon Tum. Sáng đi, may mắn thì chiều về nhà. Mua không được gạo thì ngủ vật vờ đâu đấy để sáng hôm sau xếp hàng mua cho bằng được. Không có thực phẩm và đồ ăn, các ông chồng cõng gạo bán ra "chợ đen", lấy tiền mua sữa, vải… cõng về. Những năm đói kém, thiếu ăn, 18 hộ ở thôn 4 lại được đồng bào Xê Đăng bản địa cưu mang bằng củ mì, hạt lúa rẫy. Đồng bào xứ này thương bộ đội, họ cho ăn thoải mái, không cần phải xin. Cái tình nghĩa ấy đã giữ chân những chàng lính ở lại với vùng đất mới, khi gương mặt vừa nhòe xong khói đạn chiến tranh, đối mặt với cuộc sống đời thường. 

Xóm bộ đội bây giờ

Hôm ngồi với chúng tôi, các cựu binh xóm bộ đội hay nhắc đến chuyện tình của trung úy Phan Văn Nhung, một lính đặc công, với bao điều thương cảm. Khi vào hoạt động trên chiến trường bắc Tây nguyên, Đăk Tô - Tân Cảnh ác liệt, chàng đặc công quê Nghệ An hòa nhập nhanh với phong tục đồng bào sở tại và nhất là "cái bụng thật lòng" nên rất được đồng bào thiểu số thương, trong đó có cô văn công xinh đẹp Y Nhàn, người dân tộc Triêng. Năm 1971, nhờ vun đắp của đồng đội hai bên, hai người thành vợ chồng, rồi trở thành cư dân của xóm bộ đội sau ngày thống nhất.

Rồi ông Nhung dẫn vợ về Vinh (Nghệ An) thăm gia đình. Nghe đồn thằng Nhung lấy gái "rừng", người Tây nguyên, cả dòng tộc kéo nhau vòng trong vòng ngoài chỉ cốt để xem cho được cô Nhàn là người thế nào. Khi thấy Nhàn rồi, họ hàng ai nấy đều ngạc nhiên bởi “vợ thằng Nhung còn đẹp hơn vợ mình, đẹp hơn gái làng mình”.

Rẫy cà phê trĩu quả của những gia đình lính ở xóm bộ đội

Sau chuyến về thăm quê, họ hàng, người thân ai cũng muốn vợ chồng ông Nhung ở lại quê sinh cơ lập nghiệp, nhưng đã hứa với nhau một lời, ông Nhung đưa vợ về vùng đất họ gặp nhau, cùng nhau sống đến cuối đời. Thế nhưng hạnh phúc chưa tròn thì ngày vượt cạn sinh đứa con thứ 4, bà Y Nhàn mất. Từ ngày vợ mất, ông Nhung buồn, hay uống rượu. Mặc dù theo phong tục Triêng, vợ mất thì gia đình bên vợ sẽ làm tục "nối dây" cho ông Nhung lấy em vợ là Y Geo, nhưng ông vẫn buồn. 

Một bận chèo ghe đi chặt lá khoai môn về nuôi heo, ông Nhung gặp bạn mời rượu. Khi đã uống ngà ngà, người ta khuyên không nên đi ghe nữa nhưng ông vẫn đi. Sáng hôm đó ông Nhung đã rơi xuống hồ theo cơn say, bỏ lại 5 đứa con và người vợ "nối dây" tội nghiệp. Bây giờ, cả 5 người con ấy đã trưởng thành, tham gia công tác địa phương, lập gia đình. Còn ông Nhung và mối tình của chàng trai lính chiến, yêu và cưới cô gái Triêng miền thượng mãi là mối tình đẹp.

Những người lính năm xưa quây quần kể chuyện cũ

Ở xóm bộ đội còn nhiều mối tình đẹp khác. Lúc ấy, tình yêu nam nữ trong bộ đội chiến đấu không cấm đoán, nhưng hạn chế tối đa. Ai phạm vào sẽ bị kỷ luật. Ấy thế cũng có chàng lính tình nguyện… bị kỷ luật để cưới người mình yêu: đó là trường hợp người lính Nguyễn Xuân Nhàn. Ông quê Hà Tây, đi bộ đội vào Tây nguyên và yêu cô gái người Triêng tên Y Canh ở làng Đăk Ba, xã Đăk Nông, H.Ngọc Hồi (Kon Tum). Ông Nhàn cứ "gạo nấu thành cơm" trước, sau đó được đơn vị cho cưới vợ.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Nhàn cũng không về quê mà đưa vợ con về sinh sống ở xóm bộ đội. Trong khi đó, người nhà ở quê ông Nhàn nhận được báo tử, rằng ông đã hy sinh nên lập bàn thờ hương khói. Ngày ông Nhàn đưa vợ về thăm quê ở Hà Tây, bà con làng xóm ai cũng mừng rơi nước mắt. Lúc ấy, gia đình khuyên vợ chồng ông nên ở lại quê sinh sống nhưng ở thăm quê một thời gian, ông Nhàn lại đưa vợ về xóm bộ đội. Nhiều người ngạc nhiên hỏi sao không ở lại quê, thì ông Nhàn nói chắc nịch: "Tôi yêu vợ mình nên mới đưa cô ấy trở lại Tây nguyên".

Trong 18 mối tình giữa bộ đội và sơn nữ Tây nguyên ở xóm này, cuộc tình của ông Trần Xuân Lành (79 tuổi) và bà Y Xả là viên mãn nhất. Ông Lành là lính hỏa lực pháo, còn bà Xả ở làng Nú Vai, xã Đăk Kroong, H.Đăk Glei (Kon Tum), cán bộ Trường quân chính khu vực bắc Tây nguyên.

Đại gia đình ông Lành

Ông Lành kể, ngày cưới của ông được người làng đứng ra tổ chức, còn đơn vị chỉ đưa người đến dự. Làng Nú Vai "bắt" chồng cho gái làng đều làm theo phong tục người Giẻ. Trước khi cưới nhau, phải làm phong tục "uống nước nóng" trước. Nghĩa là buộc ông Lành và bà Y Xả ở cùng phòng ngủ nhưng cấm “táy máy”, bị làng phát hiện xem như cuộc hôn nhân không thành. Sáng hôm sau, cả hai phải báo cáo với già làng giấc mơ của mình. Nếu giấc mơ hợp điềm lành, già làng thông báo cho cưới. Tiếp theo là phong tục "ngủ thử", cả đêm chung phòng trên nhà sàn ngoài rẫy nhưng cấm không được "ăn cơm trước kẻng", nếu không sẽ bị ma rừng trừng phạt, cả làng phạt vạ...

Hạnh phúc của ông Lành và bà Y Xả là... 10 đứa con khỏe mạnh chào đời. "Con tui đều thành đạt cả, trong đó có 2 bác sĩ đa khoa, 1 sĩ quan biên phòng, 1 cán bộ huyện, còn lại là giáo viên các cấp", ông Lành cười mãn nguyện.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Phạm Anh

Báo Thanh Niên
23.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.