70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Ở lại dựng Điện Biên - Kỳ 4: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
07/05/2024 06:26 GMT+7

94 tuổi, nhưng ông Lý Quang Vinh (nguyên chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2) vẫn cười khà khà khi nhắc lại kỷ niệm: "Sau khi anh em Đại đoàn 312 bắt sống tướng De Castries chiều tối 7.5.1954, chúng tôi cũng cơ động tới sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và thu được một ít chiến lợi phẩm".

Cùng lên và ở lại

Đầu năm 1950, chàng trai Lý Quang Vinh (20 tuổi, ở xã Lộc Yên, H.Cao Lộc, Lạng Sơn) nhập ngũ vào Trung đoàn 174, tham gia Chiến dịch Biên giới 1950. Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh tham gia đợt tấn công vây hãm cứ điểm A1 và chiều tối 7.5.1954, ông cũng có mặt tại sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Sau khi bộ đội Trung đoàn 176 khai hoang phục hóa, làm sạch đất đai, nhiều đồng bào Điện Biên đã rời nơi sơ tán trở về quê cũ

Sau khi bộ đội Trung đoàn 176 khai hoang phục hóa, làm sạch đất đai, nhiều đồng bào Điện Biên đã rời nơi sơ tán trở về quê cũ

ảnh: TƯ LIỆU

Đầu năm 1958, đại đội trinh sát của ông Vinh lên lại Điện Biên Phủ trong đội hình 50% quân số Sư đoàn 316 chuyển sang làm kinh tế. Ban đầu, đại đội ông ở cùng sở chỉ huy, trong căn nhà xây bằng gạch ba banh (gạch làm bằng xỉ than) duy nhất trong lòng chảo Điện Biên (nay là khu vực ngân hàng - bưu điện ở trung tâm TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Khi nhiệm vụ xây dựng đặt lên hàng đầu, đại đội trinh sát được chuyển thành đội 7 chuyên trách trồng mía ở xã Thanh Luông (H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên) hiện nay.

"Thời điểm ấy tôi đã trong quân đội 8 năm, đánh nhau khắp các chiến trường, trải qua sống chết, nên đói khổ vật chất cũng coi là bình thường. Thiếu thốn nhất là tình cảm", ông Vinh thực lòng vậy và kể: "Cả Nông trường quân đội Điện Biên duy nhất có nữ quân nhân tên Cừ, bán hàng ở căng tin. Cứ cuối tuần, cả trăm người kéo về căng tin để… ngắm. Ở các bản người Thái, bộ đội cũng rành rẽ về các cô gái chưa chồng, đến mức thành thơ Cô Lành ở bản Nà Tông/Cô Lông Cò Mỵ chưa chồng, đang xoan, nhưng do kỷ luật dân vận hồi ấy rất nghiêm, nên cũng chỉ nhìn trộm từ xa, chứ không ai dám léng phéng".

Cuối năm 1959, cùng với phong trào "Lấy nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương", cấp trên vận động cán bộ, chiến sĩ thuyết phục người thân (nhất là vợ con) lên xây dựng kinh tế Tây Bắc và đặc biệt, Nông trường quân đội Điện Biên được bổ sung 212 nữ thanh niên xung phong (162 nữ của TP.Hà Nội, 50 nữ từ tỉnh Thái Bình). Các nữ thanh niên xung phong được chia đều về các đội, trong đó ít nhất là đội 7 của ông Lý Quang Vinh, chỉ được 12 người. Do là tổ trưởng, lính cựu và mới được kết nạp Đảng, nên hạ sĩ Lý Quang Vinh lọt vào mắt xanh của cô thanh niên xung phong Phạm Thị Hoa (quê Thái Bình) và năm 1960, họ cưới nhau.

Dẫn chúng tôi đi quanh đội C4 (xã Thanh Luông, H.Điện Biên), ông Lý Quang Vinh tỉ mẩn: "Hồi ấy nhiều người không chịu được khổ, rủ về dưới xuôi. Tôi người dân tộc Tày, sống ở rừng đã quen, gia đình ở Lạng Sơn có 8 anh chị em, nên lập gia đình ở quê hương mới Điện Biên, thích lắm!".

Nghe vậy, bà Phạm Thị Hoa cười: "Đội này giờ khang trang trù phú với hơn 120 hộ dân. Hồi chúng tôi cưới nhau, khu này chỉ có 10 hộ công nhân nông trường. Mấy năm trời, cả nhà chặt cây, đào rễ mới có đất canh tác. Đầu năm 1968, gia đình tôi mua trâu đầu tiên và cũng là người đầu tiên đặt luống cày, góp thành ruộng đất trù phú hôm nay"…

Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chồng đi đâu, vợ theo đó

Với ông Trần Quang Hữu (90 tuổi, cựu chiến binh Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316; hiện ở đội 17B, xã Thanh Xương, H.Điện Biên), câu chuyện "dựng xây hạnh phúc mới", tuy vất vả nhưng cái kết rất có hậu. Năm 1963, bố mẹ ông Hữu quá sốt ruột khi thấy cậu con trai 29 tuổi vẫn độc thân, bắt ông về phép cưới cô vợ Trần Thị Nụ (năm nay 85 tuổi). Năm 1964, cậu con trai cả chào đời và phải 4 năm sau, cuối 1968, bà Nụ mới quyết định bế con lên Điện Biên, chính thức đoàn tụ với chồng.

Ở lại dựng Điện Biên - Kỳ 4: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương- Ảnh 2.

Ông Trần Quang Hữu và bà Trần Thị Nụ (hiện ở đội 17B, xã Thanh Xương, H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên)

TUẤN HUY

Bà Nụ nhớ lại: "Ông ấy làm lái xe của nông trường. Ngơi tay lái là vào rừng chặt gỗ, mang về dựng nhà, làm chuồng trâu bò lợn gà" và cười: "Ban đầu lên, tôi nhìn đâu cũng thấy rừng núi, chán lắm, mấy lần định bỏ về. Được vài tháng thì nông trường tuyển làm công nhân đội chế biến, sau đó là đội trồng lúa nước. Lao vào công việc, có chị em, cũng nguôi ngoai và hết muốn về quê".

Bây giờ, ông Trần Quang Hữu và bà Trần Thị Nụ đã là "cây cao bóng cả" của đội 17B. Cậu con trai 4 tuổi mà ông bà bồng bế nửa tháng trời từ Hà Nam lên Điện Biên, đã đeo đến hàm thượng tá, công tác tại Công an H.Tuần Giáo và mới nghỉ hưu. Cậu út làm kỹ sư cầu đường, vẫn đang miệt mài với những công trình ở Tây Bắc và quê cũ Hà Nam…

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Kỷ (cựu chiến binh Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316) kể: Khi lên lại Điện Biên, ông chuyển sang lái xe. Sau vài chuyến đi với lãnh đạo, nghe lỏm được chuyện cấp trên cương quyết giữ Trung đoàn 176 ở lại Điện Biên, ông xin nghỉ phép về quê, lấy vợ là bà Đỗ Thị Sinh. Mưu tính "có vợ ở quê sẽ dễ xin về" của ông bị… phá sản, bởi ngay sau đó bà Sinh lại cơm nắm tay nải tìm lên Điện Biên ở với ông.

Căn nhà mà ông bà ở hiện nay nằm trong mảnh đất hoang hóa trước đây. Khi đó, lãnh đạo nông trường khoát tay chỉ: "Muốn lấy bao nhiêu thì lấy" và ông bà mất vài năm để chặt cây, khai hoang… 

Hai đám cưới đặc biệt ở Điện Biên Phủ 70 năm trước

Đám cưới trước ngày chiến thắng là của chú rể Hoàng Xuân Tùy (khi đó là Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận Điện Biên Phủ, thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cô dâu Song Ninh (nghệ sĩ đoàn văn công Tổng cục Chính trị). Đám cưới được tổ chức tại Sở chỉ huy chiến dịch ở khu rừng Mường Phăng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ hôn.

Ông Tùy sinh năm 1922, quê ở Huế. Năm 1947 ông lên Việt Bắc, làm Chính trị viên Trung đoàn 72. Sau đó là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 308 và về Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐNDVN) phụ trách phòng thông tin, phụ trách Báo Quân đội nhân dân kiêm thư ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1956, ông Tùy được cấp trên điều về phụ trách Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Vợ ông, bà Song Ninh chuyển về Đài tiếng nói VN.

Tháng 10.1965, ông Hoàng Xuân Tùy giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD-ĐT). Nghỉ hưu tại TP.HCM, ông tích cực tham gia hoạt động xã hội và là người sáng lập Hội Khuyến học VN, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM. Ông mất năm 2013, thọ 92 tuổi.

Đám cưới sau ngày chiến thắng là của chú rể Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó 308 (sau là trung tướng - Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, mất năm 1980), và cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản, y tá Cục Quân y (sau là GS-BS công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bà nghỉ hưu năm 1996 với quân hàm đại tá).

Đám cưới được tổ chức ngày 22.5.1954, ngay tại hầm De Castries, với sự tham dự của 50 cán bộ, chiến sĩ đại diện cho hai đơn vị của cô dâu và chú rể.

Trong cuốn sách viết cho thiếu nhi bằng tiếng Pháp, bà Toản kể: "Chúng tôi kết hôn trên trận địa Điện Biên Phủ. Anh Trần Lương đứng ra làm chủ hôn, tuyên bố giản dị: "Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để chứng kiến ngày thành hôn của hai anh chị Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản". Tiếp đó tôi hát bài Em bé Mường La, chồng tôi hát bài Bộ đội về làng và cùng uống rượu vang, ăn kẹo".

Đầu tháng 3.2024, cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản (94 tuổi, đang sống tại TP.HCM) đã bay ra Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Xuống sân bay, bà vào thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ và quay trở lại di tích căn hầm ở trung tâm cứ điểm, thăm lại nơi cách đây 70 năm, vợ chồng bà tổ chức đám cưới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.