Ở đâu có đấu thầu, ở đó có giang hồ ?

Hữu Trà
Hữu Trà
01/11/2019 16:19 GMT+7

Tại thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vừa xảy ra 2 vụ giang hồ bảo kê , đánh người tại cơ quan công quyền để buộc một số đơn vị từ bỏ ý định mua hồ sơ mời thầu.

Từ hăm dọa, đánh người đến khủng bố

Theo đơn trình báo của ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Saiko (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) gửi HĐND, UBND và Công an thị xã Điện Bàn, ngày 15.10.2019, công ty cử bà L.T.N.M là nhân viên đến mua hồ sơ mời thầu dự án mở rộng đường 773 (tổng vốn đầu tư 56,41 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 40 tỉ đồng).
Tuy nhiên, bà L.T.N.M đã bị một nhóm giang hồ bao vây, ngăn cản không cho làm các thủ tục mua hồ sơ dự thầu. Thậm chí, bà còn bị đe dọa chặt chân... Trong lúc đó, tại nơi mở bán hồ sơ, hai nhóm giang hồ tụ tập gây gổ, đánh nhau làm náo loạn cả UBND thị xã Điện Bàn.

Cảnh lộn xộn trong buổi bán hồ sơ ở thị xã Điện Bàn, trong khi trụ sở Công an thị xã kế bên

Ảnh cắt từ clip

Những vụ giang hồ lộng hành, gây áp lực với các đơn vị đến mua hồ sơ dự thầu liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đỉnh điểm theo đơn trình báo của ông Phan Thế Tài, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Phước (trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) phản ánh với các cơ quan báo chí rằng ông “luôn bị các đối tượng giang hồ, bảo kê đòi nợ thuê kéo đến nhà đập phá đồ đạc, tạt sơn, đập kính, ném mắm tôm… làm cho cuộc sống gia đình hoang mang”.
Cũng theo ông Phan Thế Tài, hầu hết các gói thầu tại thành phố Hội An, huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên mà công ty tham gia dự thầu đều bị nhóm giang hồ ở thành phố Tam Kỳ đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần. “Có lần nhóm này kéo đến nhà cả trăm người đe dọa vợ con, đập phá đồ đạc, buộc công ty phải hủy, tự rút khi đã trúng thầu”, ông Phan Thế Tài cho biết.

Theo ông Tài, nhóm giang hồ ở thành phố Tam Kỳ bao vây nhà ông

Ông Tài cung cấp

“Ngày 21.3.2019, công ty chúng tôi mua 4 bộ hồ sơ dự thầu tại 4 gói thầu xây dựng ở thành phố Hội An để về làm hồ sơ thì bị một đối tượng ở Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Đất Quảng kéo đàn em đến đập phá đồ đạc, uy hiếp cả gia đình”, ông Phan Thế Tài kể thêm.
Đầu tháng 10.2019, trong khi mua hồ sơ dự thầu tại Ban quản lý dự án và trật tự xây dựng huyện Đại Lộc cho một số hạng mục thuộc dự án xây dựng cầu Xuân Nam, ông Phan Thế Tài, lúc này làm đại diện cho Công ty cổ phần xây dựng công trình 875 (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã bị nhóm giang hồ tấn công gây thương tích. Nguyên nhân xảy ra vụ ẩu đả tại cơ quan công quyền huyện Đại Lộc này bước đầu được xác định do mâu thuẫn trong việc mua bán hồ sơ dự thầu giữa Công ty cổ phần xây dựng công trình 875 và Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Đất Quảng (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam).
Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Đất Quảng bị ông Tài tố cáo đứng đằng sau hàng loạt vụ giang hồ khủng bố ông và gia đình liên quan đến đấu thầu tại Quảng Nam!?

Mua hồ sơ dự thầu để “kiếm ăn”?

Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, chuyện “trục trặc” trong việc mở bán hồ sơ dự thầu trước đây vẫn có diễn ra. “Có một số doanh nghiệp thuê một số cá nhân đến mua hồ sơ theo hình thức là nhằm mục đích gây áp lực cho các nhà thầu chính thống”, ông Trần Úc, chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ lãnh đạo của UBND huyện Đại Lộc (xin được giấu tên) cho hay khi mở bán hồ sơ dự thầu có rất nhiều công ty cho người đến mua hồ sơ với mục đích gây áp lực để “những nhà thầu chính thống lo lót, chung chi để mà kiếm ăn, chứ thực tế họ không đủ năng lực thi công”.

Nhà riêng ông Tài bị giang hồ khủng bố, tạt sơn, đập kính cửa

 Ông Tài cung cấp

Vị này còn kể rằng, có những gói thầu dù vốn đầu tư không lớn, nhưng có cả chục công ty khắp trong nam ngoài bắc đến thuê khách sạn ở Đại Lộc để ăn ở, nghỉ ngơi trước ngày mở bán hồ sơ dự thầu. “Nếu nhà thầu chính thống không nhỏ to tâm sự, bì bọt, nhậu nhẹt thì nhóm này quậy tưng bừng rồi lu loa đổ lỗi cho chính quyền không bán hồ sơ. Trong khi hồ sơ mời thầu được thông báo rộng rãi, thậm chí có nơi đăng tải đầy đủ, chỉ cần doanh nghiệp in ra và đến ngày vào làm thủ tục nộp phí dự thầu”, vị lãnh đạo của UBND huyện Đại Lộc lắc đầu ngao ngán.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, để có được chủ trương đầu tư, hầu hết các “nhà thầu chính thống” đã phải bỏ ra không ít kinh phí để bôi trơn cho các dự án. Vì thế, họ tìm mọi cách để loại bỏ những “nhà thầu phá đám”.

Mở thầu công khai, nhưng đằng sau vẫn còn nhiều khuất tất

H.T

Nếu thương lượng, chung chi bất thành, một trong những phương cách hiệu quả đó là nhờ vả đến giang hồ để bảo kê, đẩy đuổi, thậm chí tấn công “những kẻ phá đám” để bảo vệ thành quả.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của giang hồ tại nhiều điểm mở bán hồ sơ mời thầu, gây mất an ninh trật tự tại Quảng Nam?

Quá nhiều khoản phải chi!

Một giám đốc doanh nghiệp xây dựng ở Quảng Nam cho biết, hiện có quá nhiều chi phí mà doanh nghiệp phải chi, kể cả tham gia đấu thầu để có được công trình, dự án. Trước đây một dự án tính tổng phải chi 30% thì nay phải chi tới 40%. Vì vậy, chất lượng công trình không nói ra thì ai cũng biết…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.