Nuôi hươu, nai thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm

25/09/2022 07:15 GMT+7

Anh Nguyễn Văn Thuận (ở làng Xom Pốt, xã Ia Pia, H.Chư Prông) là một trong số thanh niên tiêu biểu của tỉnh Gia Lai khi khởi nghiệp thành công từ việc nuôi hươu, nai lấy nhung, cho thu nhập cao mỗi năm.

Khởi nghiệp từ… sạt nghiệp

Sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Văn Thuận từ xã Ia Phìn, H.Chư Prông vào xã Ia Pia cùng huyện để lập nghiệp. Lúc này, vợ Thuận đang là nhân viên y tế của xã Ia Pia, còn anh làm nghề sửa xe máy, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Nghĩ phải làm thêm gì đó để cải thiện thu nhập gia đình, vợ chồng Thuận mua hơn 2.000 m2 đất trồng tiêu.

“Lúc đó, phong trào trồng tiêu lên mạnh quá vì giá cao ngất ngưởng. Đi đâu cũng nghe tiền lời từ cây tiêu lên đến tiền tỉ mỗi héc ta. Vậy là vợ chồng tôi bàn nhau lấy hết tiền dành dụm, vay mượn thêm để trồng tiêu từ năm 2010. Vườn tiêu được tôi chăm sóc đúng theo quy trình đã học hỏi trước đó nên tốt lắm. Hai năm sau đã phủ trụ, xanh mướt. Ai đi ngang qua cũng trầm trồ. Vợ chồng tôi chắc mẩm sẽ thắng lớn từ vườn tiêu này”, Thuận kể.

Năm 2012, cả vườn tiêu xanh mướt bỗng nhiễm bệnh rồi chết. Bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu khiến vườn tiêu của vợ chồng Thuận chỉ còn trơ mỗi trụ. Nhìn những cây tiêu chết khô héo, hai vợ chồng chỉ biết nuốt nước mắt. Thời gian đó, giá hồ tiêu lập đỉnh 220.000 đồng/kg trước khi tụt dốc xuống còn 60.000 đồng/kg. Giấc mơ khởi nghiệp của họ từ cây tiêu tan tành. Đồng lương của vợ và nghề sửa xe máy nơi làng xa với thu nhập ít ỏi khiến cuộc sống của họ khó lại càng khó.

Đàn hươu sao của Thuận cho thu nhập cao từ bán nhung và con giống

TRẦN HIẾU

Qua tìm hiểu, Thuận thấy ở H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) có phong trào nuôi hươu sao lấy nhung hiệu quả. Anh nghĩ với đồng đất, khí hậu nơi đây có khi lại nuôi hươu tốt. Sau thời gian tìm tài liệu tham khảo, anh gom tiền rồi vay mượn thêm, sau đó ra tận H.Hương Sơn mua 3 con nai con và 11 con hươu sao với giá hơn 250 triệu đồng về nuôi. Rất may mắn, đàn hươu, nai được vợ chồng Thuận chăm tốt nên khỏe mạnh, phát triển nhanh.

Đến sản phẩm nhung đạt tiêu chuẩn OCOP

Lúc chúng tôi đến, Thuận vừa đưa đàn hươu, nai vào khu vực nuôi nhốt mới với diện tích rộng gần 5.000 m2. Anh cho biết: “Hiện tổng đàn hươu, nai của gia đình tôi có hơn 30 con, phần lớn đã thu hoạch nhung. Tôi làm chuồng với đầy đủ công năng như khu vui chơi cho chúng, khi nuôi nhốt, lấy nhung… diện tích còn lại là trồng các loại cây lấy lá cho hươu, nai ăn. Thức ăn của chúng cũng dễ, đó là cỏ, lá sung, lá xoan, lá mít, ngô hạt… Loài này cũng rất ít khi bị bệnh. Nói chung là rất dễ nuôi”.

Theo Thuận, đối với nai thì mỗi năm thu khoảng 2 đợt nhung với hơn 1 kg/con. Giá nhung hiện là 15 triệu đồng/kg. Còn hươu thì thu được 4 - 5 lạng/con, giá 15 - 16 triệu đồng/kg. Năm vừa rồi, gia đình Thuận thu hơn 15 kg nhung. Số thì bán thô, ngoài ra chế biến chuyên sâu thành các sản phẩm như nhung tán bột viên mật ong, nhung thái lát ngâm mật ong, nhung thái lát khô.

Từ thành công của Thuận, có 4 hộ nông dân trong xã tới tìm hiểu và mua hươu về nuôi. Thuận cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho họ. “Thị trường tiêu thụ mới chỉ trong nước đã luôn cháy hàng. Nói chung, mô hình này không mới nhưng đầy triển vọng, khả quan. Quy mô trang trại của tôi có thể nuôi được từ 100 - 150 con hươu, nai”, anh nói.

Ngoài nuôi hươu, nai lấy nhung, Thuận còn bán con giống. Trong 2 năm vừa qua, anh đã xuất bán ra thị trường hơn 100 con giống với giá 26 triệu đồng/cặp hươu đực. Anh còn mua thêm hươu tầm 7 - 8 tháng tuổi từ Hà Tĩnh, Nghệ An về chăm sóc rồi bán cho các hộ có nhu cầu với cam kết con giống đạt chất lượng. Sau 18 - 20 tháng kể từ khi sinh ra là hươu đã cho khai thác nhung.

Từ mô hình này, mỗi năm vợ chồng Thuận có thu nhập hơn 500 triệu đồng. Khởi nghiệp khi tuổi chưa đến 30 (năm 2013), giờ đây, vợ chồng anh đã xây dựng cho mình cơ nghiệp mà nhiều người mơ ước.

Hầu như tháng nào trang trại của Thuận cũng có khách tìm tới mua hươu, nai giống. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một thanh niên ở Đắk Nông, tìm đến trang trại của Thuận, nói: “Em mới hơn 30 tuổi, muốn khởi nghiệp bằng nghề nuôi hươu lấy nhung nên đến đây tìm hiểu. Chắc em sẽ mua vài con nuôi thử nghiệm trước rồi nhân đàn sau”.

Bà Hoàng Thị Ngát, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Chư Prông, cho biết: “Huyện chúng tôi hiện có 18 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm - NV). Mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung và chế biến thành sản phẩm chuyên sâu cũng nằm trong số này, giúp thúc đẩy, quảng bá sản phẩm địa phương và phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu, góp phần vào xây dựng thành công nông thôn mới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.