Nuôi giấc mơ bên Nhà thờ Đức Bà: Người hát rong và “siêu bán dạo” rau câu

28/09/2022 08:33 GMT+7

Ngay trung tâm quận 1 hào nhoáng, cạnh Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) có những phận người cật lực mưu sinh , kiếm từng đồng bạc lẻ để nuôi dưỡng ước mơ đời mình...

Sáng cuối tuần, khu vực Nhà thờ Đức BàBưu điện TP.HCM đông người nhưng khá yên tĩnh. Âm thanh guitar cùng giọng hát nam khỏe khoắn bỗng vang lên đã thu hút sự chú ý của đám đông. Nhiều người thích thú quay phim, chụp ảnh…

Giấc mơ hát trên đất Mỹ

Một phụ nữ chừng hơn 70 tuổi tiến lại, cầm tờ 100.000 đồng tặng chàng nghệ sĩ đường phố, miệng tươi cười: “Ca hay quá. Cho tui ca chung mấy bản nhé”. Thế là màn trình diễn ngẫu hứng những bản tình ca tiếng Pháp được khách qua đường ủng hộ nhiệt tình. Những tờ giấy bạc 5.000 đồng, 10.000 đồng liên tục được bỏ vào lon.

Tờ vé số ủng hộ nghệ sĩ đường phố của bà Hai Trọc bán vé số

LAM NGỌC

Bà Hai Trọc (71 tuổi, không chồng con, quê ở Nha Trang) đi bán vé số dạo thấy chơi nhạc hay, thích quá nên ngồi lại nghe. “Mỗi ngày đi bán tôi kiếm được 100.000 đồng, vừa đủ xài chứ không có dư. Nhưng tôi mê nhạc lắm, thấy nó chơi vui, không có tiền thì ủng hộ tờ vé số, biết đâu nó trúng thì có tiền thành lập ban nhạc”, bà Hai Trọc vừa nhét tờ vé số vào lon vừa tươi cười nói.

Nghệ sĩ đường phố đó là ông Trí Nguyễn (58 tuổi, ngụ đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức). Ông Trí cho biết hồi trẻ ông học tiếng Nga tại Đại học Sư phạm TP.HCM, sau đó học tại chức lấy bằng tiếng Anh và đi dạy các lớp luyện thi chứng chỉ. Ông Trí mê nhạc từ nhỏ nên hay lên mạng mày mò tập đàn hát rồi cuối tuần ra gần Đường sách, công viên bên hông Nhà thờ Đức Bà đàn hát với sinh viên cho vui.

“Lúc đó mình hát chơi thôi, không mục đích xin tiền, ai dè được nhiều người thích và cho tiền quá chừng. Thấy cũng hay nên sáng thứ bảy, chủ nhật mình mang guitar, loa kéo ra trước bưu điện, tối thì ra phố đi bộ Nguyễn Huệ chơi tới giờ. Khách cho tiền thường là giới trí thức, người nước ngoài, một ngày cũng được 400.000 - 500.000 đồng”, ông Trí cho hay.

Khác với những người hát rong xin tiền đàn hát những bài bolero Việt Nam buồn bã dễ làm mủi lòng người nghe, ông Trí Nguyễn lại chơi nhạc kiểu khác. Cũng đàn guitar, cũng loa kéo nhưng ông Trí hát nhạc tiếng Anh và chỉ hát khi có đủ cảm xúc, không vui ông sẽ không hát. Đặc biệt, ông hát không chỉ để kiếm tiền mà còn ấp ủ giấc mơ từ hơn 20 năm trước: được hát trên đất Mỹ.

Ông Trí kể, năm 2001 ông đã sáng tác nhạc bằng tiếng Anh và thâu đĩa 3 bản, mỗi bản 6 triệu đồng. Đó là số tiền rất to thời điểm đó nhưng vì đam mê nên ông chấp nhận. Thâu đĩa xong, ông gửi cho một người bạn làm nhạc công sang Mỹ định cư và hy vọng bạn qua đó thành lập ban nhạc, chơi khá rồi bảo lãnh ông qua.

“Tiếc là bạn bỏ qua đề xuất của tôi. Dù vậy, tôi vẫn âm ỉ hy vọng một ngày nào đó được sang Mỹ chơi nhạc, dù biết nó hơi viển vông, xa vời”, ông Trí nói.

Nghệ sĩ đường phố Trí Nguyễn mong một ngày được hát trên đất Mỹ

Khát khao trở thành phụ nữ

Dù đã 40 tuổi nhưng Trì Quang Duy Thanh vẫn thích được gọi là… cô bé. Đằng sau vẻ tươi cười nhún nhảy tưởng vô lo vô sầu của một “con bê đê” đi bán dạo rau câu là không ít lần khóc âm thầm, ôm khát khao cháy bỏng được là chính mình...

Những người kiếm sống quanh Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) ai cũng quen mặt Thanh. Họ bị ấn tượng bởi hình ảnh một người có hình hài đàn ông, hai tay xách hai túi rau câu ướp lạnh đi ẹo qua ẹo lại, lúc cười chúm chím, lúc lại cười ha ha, miệng liên hồi: “Mua ủng hộ em đi chị đẹp, mua giùm hũ rau câu đi bồ…, trời ơi anh đẹp trai quá à, trời ơi chị đẹp gái quá chừng luôn, ăn thêm hũ rau câu của em còn đẹp trai, đẹp gái hơn nữa…”.

Khách hàng thường xuyên của Thanh là anh Nguyễn Văn Hải (33 tuổi, quê Gia Lai, chuyên kinh doanh chăn ga, gối nệm) tặng cho cô biệt danh “cô bé bán rau câu giỏi nhất Sài Gòn” bởi 10 lần chẵn chục Thanh mời rau câu, anh Hải đều “phải mua” vì sự vui vẻ, duyên dáng của cô.

Ước mơ của “siêu bán dạo” rau câu Duy Thanh sắp thành hiện thực

Thanh kể, trước đây, mỗi ngày cô chỉ bán được vài chục hũ bởi nhút nhát, ngại mời chào. Có khi mời mà khách không mua, vẫy tay xua đuổi. Có người nhìn xéo khinh cô là bê đê rồi bĩu môi. “Những lần đó em tủi thân, thường ra công viên 23 Tháng 9 ngồi khóc một mình”, cô nói.

Những năm gần đây đi bán rau câu, Thanh không còn giấu giới tính của mình nữa. Chính sự chân thật khiến nhiều người thương cô hơn. Có người mua vì sự vui vẻ của cô nhưng không ít “khách mối” mua rau câu vì muốn góp một chút tiền để Thanh hoàn thành ước mơ trở thành con gái….

Thanh từng lăn lộn làm đủ nghề từ đi vẽ áo dài ở trung tâm áo dài quận 5, bán cơm từ thiện... nhưng lại gắn bó lâu nhất với nghề bán rau câu ở Nhà thờ Đức Bà. Bán rau câu kiếm tiền làm phẫu thuật chuyển giới, Thanh cũng “tùy mặt, đặt giá”. Khách bình thường cô bán 2 hũ rau câu flan giá 50.000 đồng, nhưng với học sinh, sinh viên Thanh chỉ bán 10.000 - 20.000 đồng. Người già neo đơn hoặc bán vé số chỉ lấy 3.000 - 5.000 đồng.

Phụ chăm sóc bệnh nhân tai biến, bấm huyệt từ thiện

Ông Lê Đình Phước (nguyên Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi Q.6) là cha nuôi và cũng là thầy dạy võ, bấm huyệt cho “cô bé” Trì Quang Duy Thanh. Ông cho biết: “Thanh rất thương người, thấy ai bệnh tật là lo lắng, chăm sóc hết mình. Mỗi tuần hai ngày, Thanh đều đặn qua phòng khám Đông y (20 Lý Chiêu Hoàng, P.10, Q.6) của tôi để phụ săn sóc bấm huyệt cho bệnh nhân nghèo bị tai biến. Thanh nấu cơm chay ngon nên đảm đương nhiệm vụ đầu bếp cho bệnh nhân và phòng khám. Tất cả hoàn toàn miễn phí”.

Có ngày đắt, ngày ế nhưng mỗi ngày trung bình Thanh cũng kiếm được tiền triệu. Kiếm tiền giỏi nên Thanh đã 3 lần đủ tiền để phẫu thuật, nhưng cả 3 lần chuẩn bị lên bàn mổ, sắp chạm vào mơ ước được là chính mình thì gia đình Thanh lại có chuyện. Cô đành nhường số tiền đó, gác lại ước mơ riêng.

Thanh tâm sự: “Nhà mẹ em ở Hóc Môn có xưởng bán đồ chay cho xí nghiệp. Dịch tới, xí nghiệp nghỉ nên không có tiền thanh toán. Dụng cụ và nguyên liệu mẹ em mua thiếu, đến hạn không trả sẽ bị xiết nợ nên em phải cứu mẹ. Chưa kể, em đang nuôi thêm đứa cháu con chị hai chuẩn bị lên lớp 10. Chị đi Singapore làm giúp việc, tháng gửi về 2 triệu, còn lại em lo. Đời em đã không trọn vẹn thì ráng giúp được ai cái gì thì giúp, hy vọng kiếp sau không còn khổ nữa”.

Nhờ bán rau câu giỏi, tới nay Thanh đã lại tích góp gần đủ tiền. Thanh lạc quan nói về ước mơ sắp thành hiện thực, mắt lấp lánh niềm vui: “Do tuổi cũng lớn nên em chỉ làm ngực để hóa thân thành cô gái thôi. Bây giờ em đang tiêm hoóc môn nữ, mỗi tuần tiêm 1 lần liên tiếp trong 6 tháng là có thể đi phẫu thuật ngực được. Em làm ở Việt Nam thôi cho rẻ, chứ qua Thái Lan mắc lắm, em không đủ tiền. Phẫu thuật xong là em đi dự thi “Sắc đẹp hoàn mỹ” đó. Họ đang tuyển chọn rồi”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.