Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?

11/04/2006 00:39 GMT+7

Lại nói chuyện "hiền tài” Tôi rất ngại khi nhắc lại hai chữ "hiền tài" trong bài viết của mình vì sợ gây ra cái cảm giác nhàm chán cho người đọc, bởi mấy năm gần đây, từ "thứ dân" cho đến lãnh đạo các cấp đều nhắc đi nhắc lại cái câu của ông Thân Nhân Trung thời xưa nói rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí nhiều thì quốc gia thịnh, nguyên khí ít thì quốc gia suy. Vì vậy, khi luận về "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?", tôi buộc phải xem lại cái "nguyên khí" của quốc gia ta hiện nay ra sao.

Trước hết, có lẽ phải bàn xem "hiền tài" là ai? Tưởng rằng chuyện này đã quá rõ, trên truyền hình đã có nhiều chương trình rầm rộ quảng bá về "Trí tuệ Việt Nam", "Nhân tài đất Việt"... Ở đây, chúng ta bắt gặp những khuôn mặt tài năng trong các lĩnh vực phần mềm máy tính, toán, lý, các nhà kinh doanh thành đạt, các kỳ thủ tài danh...

Thế nhưng tôi vẫn băn khoăn "nguyên khí quốc gia" chỉ có vậy thôi sao! Tôi chưa nói đến số lượng nhiều hay ít, chỉ muốn nói đến diện mạo, chủng loại của cái kho "nguyên khí" ấy. Có một lần, cũng trên truyền hình, một nhà báo lão thành có uy tín, cũng từng là người giữ trọng trách trong lĩnh vực báo chí, văn hóa tư tưởng nói đại ý rằng: "Hiền tài" phải là những người có kế sách làm cho quốc thái dân an, những người có đầu óc chiến lược có khả năng tham gia vào đường lối chính sách lớn chứ không phải là những mẹo vặt... Tất nhiên "hiền tài" và "tài năng" không phải là đồng nhất hoàn toàn. Tôi muốn nói về "hiền tài" như nhà báo lão thành đã nói.

Vậy những "hiền tài" ấy tàng ẩn ở đâu? Phải có cơ chế gì để họ xuất hiện? Theo lý thuyết mà nói thì tất cả các bậc "hiền tài" ấy đều đã được thu nạp vào các cương vị lãnh đạo các cấp ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội rồi. Chẳng cần đi tìm đâu xa cả... vì mỗi lần đại hội, mỗi lần đề bạt cán bộ... đều thăm dò "ý kiến nhân dân", đều "sáng suốt lựa chọn" những người có đức, có tài, được nhân dân yêu mến tín nhiệm dựa trên những yêu cầu, tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, rõ ràng... Ấy vậy mà đội ngũ cán bộ ngày càng ruỗng nát, tham nhũng, hối lộ tràn lan, ăn chơi sa đọa!...

Khi đánh giá kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhiều người ít chú ý so sánh ta với bên ngoài, mà thường có khuynh hướng tự so sánh "ta hôm nay" với "ta hôm qua", để rồi tự hào (thậm chí tự mãn) cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn vượt bậc, có ý nghĩa lịch sử… Sự tụt hậu về kinh tế của nước ta hiện nay là một thách thức lớn, một điều đáng buồn đánh vào lòng tự trong của mỗi người Việt Nam biết tự trọng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo tôi, là do nhiều cấp lãnh đạo chưa ngang tầm (hoặc yếu kém), chưa biết trọng dụng đúng mức nhân tài trên các lĩnh vực. Bọn bất tài, cơ hội còn có đất "dụng võ" (PMU 18 là một điển hình). Nhưng tôi không bi quan mà luôn tin tưởng mọi sự vật, hiện tượng trên đời vẫn sẽ phát triển theo đúng quy luật của nó: cái nào hợp quy luật thì tồn tại và phát triển (dẫu có lúc khó khăn); ngược lại, cái nào trái quy luật sẽ bị diệt vong, tất nhiên có sự trả giá nhiều hay ít!

Phan Trọng Hiền (Ban Tuyên giáo Quận ủy Q.7, TP.HCM)

Điều ấy do đâu? Do ta chọn không đúng, do cơ chế lựa chọn sai? "Cơ chế, tiêu chuẩn" đề ra chỉ là một bức hàng rào thưa để ngăn những người tài năng, trung thực, tự trọng; tạo khe hở cho những kẻ cơ hội luồn lách lọt vào, cho những kẻ có quyền, có chức thực hiện việc "mua quan bán tước"... Điều này không khó thấy. Nếu cơ chế này kéo dài thì "Nước Việt Nam ta nhỏ" còn là may, chỉ sợ không còn để mà "nhỏ" nữa thôi!

Cơ chế nào cho người tài xuất hiện? Lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân phát hiện giới thiệu ư? Đúng rồi, ta đã làm, đang làm và sẽ làm nhiều hơn nữa, không riêng gì trong lĩnh vực phát hiện người "hiền tài" mà trên mọi lĩnh vực! Một vấn đề đang rất thời sự là lấy ý kiến về tăng giá điện hiện nay. Người dân đang được "tự do lựa chọn, phát biểu ý kiến" về các phương án nâng giá do cơ quan quản lý điện nêu ra, rồi cơ quan này tổng hợp "ý kiến nhân dân" trình lên trên quyết định! Chẳng biết "nhân dân” nào được hỏi ý kiến, chẳng biết ý kiến nào được "tổng hợp", chẳng biết các thư ký chuyên nghiệp ăn lương ngành điện ấy "tổng hợp" ra sao, ai kiểm tra, ai xem xét! Quy trình này thật "dân chủ", không kém gì các bạo chúa xưa ban cho các bề tôi được "dân chủ" tự chọn hình thức xử tử mình (trao cho họ chén thuốc độc, giải lụa và thanh kiếm!)

Trong việc lấy ý kiến của dân, thăm dò dư luận, hay bầu, cử chúng ta quen với cách suy nghĩ người được 100% tốt hơn người được 90%, và buồn phiền nếu có một vị đạo cao đức trọng nào đó mà số phiếu dưới 90%. Điều này đúng hay sai? Tôi xin nhờ Khổng Tử trả lời. Có lần thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Ở trong làng nếu có người được 100% dân chúng ca tụng tín nhiệm thì người đó là thế nào?”. Khổng Tử đáp: “Đó không phải là người hiền”. Tử Lộ lại hỏi: “Nếu có người bị 100% dân chúng không tín nhiệm thì đó là người thế nào?”. Khổng Tử đáp: “Đó không phải là người hiền. Người được người thiện ưa, người bất thiện ghét thì mới thật là người hiền”.

Ở bất cứ xã hội nào cũng không có 100% người thiện hay bất thiện cả cho nên con số đó là không đáng tin. Thế mới biết ở các nước "không nhỏ" người ta chỉ cần trên 50% số phiếu của dân chúng trực tiếp bầu là trúng cử tổng thống, thậm chí có nước chỉ cần đa số tương đối là được. Họ có cái lý của họ và vẫn đang đi trên con đường phát triển và tiến bộ.

Người hiền tài không thể xách túi quà, mang đơn đi xin việc hay ve vãn thư ký các cụ để được gặp, để được trình bày các "kế sách an dân trị quốc" của mình được! Vậy họ phải nói điều đó ở đâu? Tất nhiên nếu họ "tuyệt đối tin tưởng, nhất trí 100%..." rồi thì cứ "gối cao đầu mà ngủ", mà thăng tiến chứ trăn trở làm chi cho nhọc cái thân! Viết bài gửi cho các báo trong nước thì chẳng mấy báo dám đăng vì sợ "chệch hướng", "sai quan điểm". Gửi đến các cơ quan thì như ném đá xuống biển; gửi ra nước ngoài thì "vi phạm nguyên tắc". Vậy nên mới có tình trạng có người bị phê phán, bị kỷ luật do nói sai, làm sai đường lối, sai quan điểm rồi đến mấy chục năm sau mới nhận ra họ nói đúng, làm đúng, rồi phục hồi, rồi ca ngợi...

Đối với một cá nhân, nếu phải hy sinh cho một sự nghiệp thì dù sự tổn thất ấy có to lớn đến đâu vẫn là nhỏ. Nhưng đối với một dân tộc, một đất nước mà làm vậy mãi thì ôi thôi, "Gỡ cho ra nữa còn gì là xuân"! Làm sao mà nước Việt Nam ta không nhỏ cho được! Cần có một diễn đàn công khai thật sự dân chủ chí ít là cho các sinh hoạt học thuật, tạo cơ hội cho những kẻ "thất phu hữu trách" có cơ hội đóng góp phần mình vào công việc chung. Không sợ thiếu tri thức, trí thức, không thiếu kẻ hiền tài, chỉ sợ thiếu lỗ tai nghe, thiếu đôi mắt tinh tường và nhất là thiếu cái tâm trong sáng để đánh giá, nhìn nhận con người.

Võ Xuân Tường (nguyên Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.