Nước ta, làm sao mua được không khí sạch?

Mỗi người VN đều có thể góp phần để giữ gìn môi trường sạch đẹp và không khí trong lành. Ta có thể chỉ tốn 1 giây để bỏ một chiếc bao nilon vào thùng rác nhưng phải tốn ít nhất 500 năm chiếc bao ấy mới phân hủy. Vậy tốt hơn hết, mỗi chúng ta hãy không dùng bao ni lông mà dùng bao giấy, bao vải.

Mỗi người VN đều có thể góp phần để giữ gìn môi trường sạch đẹp và không khí trong lành. Ta có thể chỉ tốn 1 giây để bỏ một chiếc bao nilon vào thùng rác nhưng phải tốn ít nhất 500 năm chiếc bao ấy mới phân hủy. Vậy tốt hơn hết, mỗi chúng ta hãy không dùng bao ni lông mà dùng bao giấy, bao vải.

Có một thông tin quốc tế khiến người ta buồn cười. Vào một buổi bình minh, hai mẹ con bà Melaine và Francesca de Watts, người Anh, lên đồi. Trong màn sương sớm chưa tan, họ đưa hai chiếc vợt lên cao, chạy một vòng vớt… không khí sạch, y chang kiểu ta vớt châu chấu cho chim ăn. Khi cảm thấy vợt đã đầy, họ đổ không khí sạch này vào các chiếc lọ thủy tinh nhỏ, dung tích cỡ 1 lít rồi đóng nắp lại. Họ giải thích đó là hàng hóa sẽ được bán đi, điểm đến được chỉ đích danh là thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Giá bán mỗi lọ là 115 đô la Mỹ.
Tiếp thị mặt hàng của mình, hai mẹ con cho biết không khí của họ có mùi hương của đồng cỏ, một mùi hương vi tế và rất thơ mộng. “Bạn hít loại không khí này vào, sẽ nghe có mùi thơm của đồng cỏ hoặc vị muối nếu chúng tôi thu hoạch ở vùng bờ biển. Chúng tôi không lấy không khí ở gần các garage hay nhà bếp. Một vài người ngửi được không khí này sẽ khỏe lại và có thể mường tượng ra khung cảnh thơ mộng của đất nước chúng tôi” - bà Melaine nói. Hai mẹ con cùng khẳng định đây không phải là trò lừa đảo mà chất lượng không khí của họ thật sự tinh khiết.
Xin đừng cho chuyện này là đùa. Trước hai mẹ con người Anh này, Công ty Vitality Air ở Canada đã thu hoạch không khí sạch trong vùng rừng núi Rocky ở Canada, đóng lọ và bán sang Trung Quốc với giá tương đương khoảng 350.000 đồng mỗi lọ. Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên 500 lọ được bán hết trong vòng 4 ngày tại các siêu thị Trung Quốc. Được trớn, Công ty Vitality Air đang làm tới. Có một điều ngặt nghèo là khách hàng nào muốn thở được không khí sạch này hằng ngày sẽ phải dùng trung bình mỗi ngày 20.000 lọ, tính ra phải chi tới...7 tỉ đồng VN! Thì thôi, của quý hiếm nên xài chút chút cho biết, sáng hít một lọ, chiều hít một lọ cũng đứt đuôi 700.000 đồng rồi!
Trung Quốc đang phải trả giá cho sự phát triển quá nóng, thiếu quy hoạch đồng bộ của họ. Với ống khói của hàng triệu nhà máy trên cả nước chủ yếu dùng công nghệ hóa dầu, mỗi ngày người dân Trung Quốc phải hít thở một loại không khí đầy lượng carbonic và các kim loại nặng. Ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, không khí như đặc quánh lại. Không gian của các thành phố tràn ngập một màn sương khói, không phải là sương khói Đường thi cỡ “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” (Trăng tà, quạ kêu, sương đầy trời) mà là một thứ “sương mù” của các kim loại nặng lẫn trong khói bụi.
Mỗi năm, Trung Quốc có thêm 800.000 xe hơi được đăng ký mới là một “đóng góp” lớn cho chất lượng không khí ô nhiễm ở đây. Dù họ áp dụng chế độ giới hạn xe ra đường theo các ngày chẵn lẻ thì khói xe vẫn là đà vương vất trên đường, trên các tàn cây. Đi giữa ngày nắng rực rỡ, xe hơi luôn luôn phải dùng chế độ đèn sương mù và chạy rất chậm. Họ đang nghiên cứu chương trình… cắt bớt những nhà cao tầng cho gió có thể thổi vào thành phố, xua bớt món “sương mãn thiên” độc hại kia đi. Còn những người đi xe đạp, đi bộ hay sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt thì phải luôn luôn bịt khẩu trang y tế. Nhan sắc vì vậy mà bị che mờ, các nhà may khẩu trang được dịp phát tài!
Ngay ở nông thôn, chất lượng không khí của nước này cũng rất tệ. Ở miền đông bắc cỡ như Cáp Nhĩ Tân hay Cát Lâm cận sa mạc Siberia nước Nga, tuyết có nhiều tháng quanh năm, rừng rậm cũng nhiều, đáng lẽ chất lượng không khí rất tốt. Thế nhưng người nông dân ở đây ra đồng cũng phải… bịt khẩu trang. Không hiểu, họ ngủ có bịt khẩu trang hay không, chứ ra đồng mà bịt khẩu trang thì còn thưởng thức hương đồng cỏ nội làm sao được nữa! Nhiều nông dân về nhà bị chính con chó của mình sủa vang, bởi nó không nhìn và đánh mùi ra chủ.
Nhu cầu được hít thở không khí sạch đối với người dân Trung Quốc ngày nay là nhu cầu thiết thân, có lẽ vượt lên trên cả cái mặc và thức ăn. Chuyện giản dị là ai cũng cần phải thở, thở thường xuyên thì mới sống được. Việc mua các lọ không khí sạch nhập khẩu để ngửi và thở trở thành mốt chơi của những người nhiều tiền. Tất nhiên, không ai chịu chơi mỗi ngày mua đủ 20.000 lọ, nhưng vài lọ tượng trưng để hít thở và tưởng tượng ra rừng núi, đồng cỏ, bờ biển, đồi hoa mơ màng tinh khiết ở trời Tây đất Mỹ thì cũng nên ráng mà chơi. Kệ, chơi cho biết!
Nước đứng hạng nhì về môi trường và không khí ô nhiễm là Ấn Độ. Ấn Độ dân đông trên 1,21 tỉ người, công nghiệp chủ yếu là hóa dầu, nhiều đường xe lửa, xe hơi và xe gắn máy đông. Người dân Ấn Độ có tập quán dùng phân bò và than đá làm chất đốt vì hai loại này rẻ và dễ kiếm nên cũng “cống hiến” thêm nhiều chất độc hại cho không khí của họ. Đặc biệt, người dân nước này ít xây dựng cầu xí nên tình trạng phóng uế bạt mạng ra môi trường trở thành một vấn nạn lớn trong ô nhiễm môi trường. Hãy xem cái cách người ta ngồi hai bên đường xe lửa thoải mái làm chuyện bài tiết, không ngại ngùng, không mắc cỡ thì biết cái khoản môi trường của họ ra sao.
Nước ta, ở những thành phố lớn, tình hình ô nhiễm hóa đã xảy ra cục bộ. Các nhà máy xả nước thải đầu độc những dòng sông và kinh rạch, những vùng canh tác nông nghiệp bừa bãi chai lọ hay bao bì các loại thuốc trừ sâu rầy, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm xả thải trực tiếp xuống cống rãnh đang là vấn nạn ô nhiễm hóa tại các thành phố. Ngành cảnh sát môi trường và thanh tra môi trường đã xử phạt nhiều đơn vị, nhiều nơi nhưng vẫn chưa kiểm soát được tất cả những người có hành vi lén lút làm hại môi trường vì lợi nhuận cá nhân.
Nông thôn ở các tỉnh thì tốt hơn, thậm chí có thể nói là môi trường sạch sẽ, không khí tinh khiết. Những vườn cây ăn trái, những đồng lúa, những vùng quê hiền hòa, những khu du lịch sinh thái trên cả nước và những xã huyện nông thôn mới vẫn giữ được không khí trong lành, môi trường sạch đẹp. Điều đáng lo là nước ta đang bị sự biến đổi khí hậu và tình trạng El Nino tác động, có thể gây ra sự xâm hại môi trường sống tự nhiên. Tình hình hạn hán và nạn xâm thực mặn do nước biển dâng đang làm cho nhiều khoảng xanh trên cả nước tàn tạ. Tình trạng hạn hán kéo dài khiến cho rừng dễ bị cháy. Sức người đang đổ ra để giữ lấy màu xanh và tái hiện màu xanh ấy là khá lớn nhưng chiến thắng được thiên nhiên hay không thì cần có một thời gian lâu dài.
Mỗi người VN đều có thể góp phần để giữ gìn môi trường sạch đẹp và không khí trong lành. Ta có thể chỉ tốn 1 giây để bỏ một chiếc bao nilon vào thùng rác nhưng phải tốn ít nhất 500 năm chiếc bao ấy mới phân hủy. Vậy tốt hơn hết, mỗi chúng ta hãy không dùng bao ni lông mà dùng bao giấy, bao vải. Xã đảo Tam Hiệp (Hội An, Quảng Nam) đi tiên phong trong phong trào không dùng bao ni lông - một sản phẩm rất hại cho môi trường.
Ai cũng có thể góp phần giữ môi trường sạch đẹp. Không vứt xác động vật chết xuống kinh rạch, dùng thuốc bảo vệ thực vật có giới hạn hoặc không dùng nó mà chuyển qua áp dụng các biện pháp sinh học khác là góp phần giữ gìn môi trường. Không phóng uế bừa bãi. Trồng thêm cây xanh, rau xanh, thậm chí trồng cỏ là giữ gìn môi trường. Hãy bớt dùng điện, hãy tiết kiệm nước, đừng xả rác xuống sông rạch ao hồ là những việc mà tất cả chúng ta đều làm được.
Còn với bạn, lâu lâu cũng nên tìm về một miền quê yên tĩnh, có gió, có nắng, có cây xanh, có sông dài biển rộng để được hít thở không khí trong lành. Không khí này là miễn phí nhưng chất lượng tuyệt hảo. Sau tất cả những gì đã phải đưa vào phổi khi hít thở khói bụi, mùi hôi cống rãnh của thành phố thì việc tận hưởng không khí trong lành là cần thiết.
Tất cả chúng ta cần phấn đấu, tiết kiệm và đồng tâm bảo vệ môi trường tốt đẹp, như vậy thì không bao giờ cần phải đi mua không khí sạch xuất khẩu của ai cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.