Nước Mỹ sôi sục sau phán quyết về quyền phá thai

Khánh An
Khánh An
27/06/2022 07:48 GMT+7

Biểu tình, bạo lực và tranh cãi bùng nổ sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ hủy lệnh cho phép phá thai và để các bang tự quy định.

Đài CNN ngày 26.6 đưa tin biểu tình tiếp tục diễn ra tại hàng loạt tiểu bang Mỹ và dự kiến kéo dài qua kỳ nghỉ cuối tuần, nhằm phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao ngày 24.6 bác bỏ vụ kiện năm 1973 vốn dẫn đến việc bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Nhiều người xuống đường tại nhiều thành phố ở các bang New Jersey, New York, Pennsylvania, Wisconsin, Illinois, Texas, New Mexico, California...

Biểu tình trước trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ vào ngày 25.6

AFP

Biểu tình, tranh cãi

Theo Đài NBC, từ Washington D.C. cho đến Bờ Tây, người biểu tình giận dữ phản đối phán quyết dẫn đến việc phá thai trở nên phi pháp tại khoảng phân nửa các tiểu bang trên cả nước. Bên ngoài trụ sở Tòa án Tối cao, một nhóm người hô vang “nữ quyền là nhân quyền” và đối đầu với một tu sĩ dường như cố gắng át tiếng họ. “Hãy nghe tôi, tín ngưỡng tôn giáo cho chúng ta biết nên làm gì”, tu sĩ Jonathan Tremaine Thomas kêu gọi, giữa tiếng phản đối của nhiều người. “Tại sao ông cố gắng áp đặt chúng tôi? Nếu ông có tử cung, ông có thể lên tiếng”, cô Juliette Dueffert (18 tuổi) hét lớn. Một số người biểu tình chống phá thai thì hô vang “phá thai là kỳ thị”, “phá thai là đàn áp” giữa tiếng của phe ủng hộ quyền phá thai, trong khi nhiều cảnh sát đứng gần đề phòng 2 phe đụng độ. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ 2 người bị cáo buộc tạt sơn qua hàng rào trụ sở Tòa án Tối cao.

Tại bang Colorado, Life Choices - trung tâm của Công giáo nhằm hỗ trợ các thai phụ - đã bị đốt phá vào sáng 25.6 (giờ địa phương), theo tờ New York Post. Tòa nhà còn bị sơn các thông điệp như “nếu phá thai không an toàn thì các người cũng không”. Trung tâm này hỗ trợ các biện pháp thay thế phá thai, cũng như tham vấn về hậu phá thai dựa trên tín ngưỡng. Cảnh sát hiện đang truy tìm thủ phạm. Tại Mississippi, những người biểu tình chống phá thai tập trung tại Trung tâm y tế phụ nữ Jackson tranh cãi với những thành viên nhóm Pink House Defenders. Nhóm này gồm các tình nguyện viên trong nhiều năm qua đã đưa những phụ nữ cần phá thai vượt qua những nhóm người phản đối phá thai thường xuyên tập trung bên ngoài trung tâm để ngăn chặn. Chính Mississippi đã khởi nguồn các bước pháp lý dẫn đến phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao. Theo luật thông qua năm 2007 tại tiểu bang, trung tâm trên còn chưa đầy 10 ngày để đóng cửa, do quy định tự động áp dụng sau phán quyết trên.

Hai xu hướng

Theo AFP, Missouri là tiểu bang đầu tiên cấm phá thai từ ngày 24.6 ngay sau phán quyết, và không có ngoại lệ cho các trường hợp cưỡng hiếp hay loạn luân. Một ngày sau đó, ít nhất 7 tiểu bang khác cũng áp dụng lệnh cấm, gồm Alabama, Arkansas, Kentucky, Louisiana, Oklahoma, Nam Dakota và Utah. Viện Guttmacher cho biết 22 tiểu bang ở Mỹ có luật hiện hành giới hạn phá thai, trong đó có những tiểu bang quy định mặc nhiên cấm phá thai sau phán quyết trên của Tòa án Tối cao. Một số bang khác cũng cấm theo, nhưng cần cơ chế áp dụng sau một thời gian hoặc các bước tiếp theo của chính quyền bang.

Pháp ủng hộ đưa quyền phá thai vào hiến pháp

AFP ngày 26.6 đưa tin các chính trị gia chiếm đa số tại Quốc hội Pháp lên tiếng ủng hộ dự luật đưa quyền phá thai vào hiến pháp, sau những diễn biến liên quan tại Mỹ. Lãnh đạo đảng Cộng hòa Tiến lên (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron tại Hạ viện Pháp Aurore Berge cho hay bà đã đưa ra dự luật đề xuất quy định quyền phá thai trong hiến pháp, giữa sự vươn lên của đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu mà bà cho rằng luôn phản đối phá thai. “Những quyền của phụ nữ luôn là những quyền mong manh và thường xuyên bị đe dọa”, bà nhận định. Thủ tướng Elisabeth Borne cho hay chính phủ sẽ “tận tâm” ủng hộ dự luật, trong khi nhiều bộ trưởng cũng bày tỏ sự ủng hộ.

Trong khi đó, vẫn còn 16 tiểu bang bảo vệ quyền phá thai theo luật riêng. Một số bang đảm bảo quyền phá thai trong một thời gian giới hạn của thai kỳ, trong khi 4 tiểu bang và Washington D.C. bảo vệ quyền phá thai ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Giới chức một số bang nhắc lại cam kết của họ về việc sẽ là nơi đến của những người muốn phá thai. Trước những diễn biến trên, chính quyền Mỹ tỏ ý sẽ tìm cách ngăn các tiểu bang cấm thuốc dùng để phá thai y khoa.

Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo giới chức y tế đảm bảo phụ nữ Mỹ có thể tiếp cận các loại thuốc tránh thai và “sẽ làm mọi thứ trong thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền phụ nữ tại các bang mà họ sẽ bị ảnh hưởng bởi phán quyết”. Tờ The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết các bang sẽ không được cấm thuốc phá thai đã được cơ quan chức năng liên bang chứng nhận. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc sử dụng thuốc phá thai tại các bang cấm phá thai là một vùng xám và có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.