Nước mắm, muối tôm, mắm ruốc… nhộp nhịp đi Nhật, EU

Chí Nhân
Chí Nhân
22/04/2022 18:04 GMT+7

Muối tôm, nước mắm, mắm ruốc… và nhiều gia vị truyền thống đặc trưng tưởng chỉ có người Việt Nam mới yêu thích thì nay đã xâm nhập vào hệ thống siêu thị của các thị trường cao cấp hàng đầu thế giới.

Sáng 22.4, tại buổi họp báo “Lễ hội tinh hoa gia vị Việt” 2022, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dh Foods chia sẻ: Ngày trước tôi khởi nghiệp với sản phẩm muối tôm Tây Ninh. Không ngờ chinh phục được thị trường trong nước mà xuất khẩu cũng rất tốt đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Hiện tại mỗi tháng chúng tôi xuất một container sang thị trường này. Tháng tới sẽ mở rộng thêm các sản phẩm muối ớt, muối tiêu và đặc biệt là mắm ruốc Phú Quốc… “Tuy số lượng còn ít nhưng khi hàng mình nằm trên kệ siêu thị của Nhật Bản thì tôi rất tự hào. Hy vọng Việt Nam sẽ bắt kịp ngành gia vị của Thái Lan”, ông Dũng nói. Ngoài Nhật Bản, sản phẩm của doanh nghiệp này còn xuất sang Hà Lan, Đức, Mỹ…

Theo các doanh nghiệp, tiềm năng phát triển của ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn

Chí Nhân

Cũng là nhà cung cấp gia vị cho thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Trí Việt Phát, cho biết: Trước đây chủ yếu gia công mặt hàng gia vị cho các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam và hệ thống nhà hàng, khách sạn. Gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng chúng tôi sản xuất gói gia vị phở ăn liền của Việt Nam cho họ bán sản phẩm đó ở Nhật Bản. Đó là món ăn của Việt Nam mà người Nhật rất thích. Sau gói gia vị phở chúng tôi đang chuẩn bị cung cấp cho họ các gói gia vị cho sản phẩm bún bò, hủ tiếu ăn liền…

Các doanh nghiệp đều có chung nhận xét, thị trường gia vị là một mảnh đất nhiều tiềm năng để khai phá ở cả góc độ thị trường tiêu thụ và tiềm năng thế mạnh của Việt Nam. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, nói: Khi nói đến gia vị Việt Nam thì thường người ta nghĩ đến sản phẩm tiêu. Nhưng trước đây hạt tiêu của Việt Nam không được đánh giá cao như tiêu của Ấn Độ, Brazil, Indonesia… vì chủ yếu xuất khẩu tiêu thô rất nhiều. Đến năm 2009 Phúc Sinh xây nhà máy tiệt trùng, sản xuất tiêu tiệt trùng xuất sang châu Âu. Đến nay thì Phúc Sinh đã có nhà máy tiêu sấy lạnh, có lẽ là một trong những nhà máy tiêu sấy lạnh đầu tiên trên thế giới. Giá tiêu sấy lạnh bây giờ 24 USD/kg, trong khi giá tiêu trắng chỉ có 5 - 6 USD/kg.

Sản phẩm gia vị Việt trong siêu thị Nhật Bản

DHfoods

Mặt hàng gia vị trứ danh mà nhiều người trên thế giới biết đến là nước mắm Phú Quốc. Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó tổng giám đốc Công ty Thanh Hà (Phú Quốc) cho biết: Từ năm 1993, công ty xuất khẩu đi Hàn Quốc. Đến năm 1998, bắt đầu xuất vào thị trường Nhật Bản, Mỹ và Úc. Doanh số xuất khẩu luôn tăng trưởng ổn định nhờ thị trường đánh giá cao. Xuất khẩu nước mắm nhờ khách du lịch đến với Phú Quốc nhiều, họ dùng thử sản phẩm rồi yêu thích nhờ vậy mà xuất khẩu sản phẩm này gặp nhiều thuận lợi.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, gia vị là một thị trường vô cùng thú vị và hấp dẫn với giá trị thương mại toàn cầu lên đến 19 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng mỗi năm 15 - 20%. Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều loại gia vị có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng do khâu chế biến còn hạn chế. Chính vì vậy, hội chợ là dịp vừa để quảng bá các loại gia vị Việt từ đồng bằng sông Cửu Long đến vùng núi Tây Bắc với người Việt Nam và là cơ hội hợp tác giao lưu giữa các doanh nghiệp trong ngành để cùng nhau hợp tác phát triển. Lễ hội sẽ diễn ra từ 28.4 - 1.5 tại Khu hoạt động cộng đồng của Tòa nhà LandMark 81 (TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.