Nước lũ tràn vào, người dân 'rốn lũ' tất tả chạy đua với thời gian

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
15/10/2022 14:01 GMT+7

Trận mưa lớn đến trưa ngày 15.10 vẫn chưa có dấu hiệu ngớt, dòng nước lũ đã tràn vào nhiều thôn làng ở huyện vùng trũng Hải Lăng ( Quảng Trị ). Người dân địa phương cũng đang bắt đầu sẵn sàng tâm thế để “đón” lụt…

Từ ngày 14.10 đến trưa 15.10, Quảng Trị đón lượng mưa rất lớn, nhiều nơi ghi nhận lên tới gần 400mm. Hiện nay, nước lũ trên sông Ô Lâu, Thạch Hãn đang lên ở mức báo động 2 đến trên báo động 3.

Nước lụt tràn vào thôn làng ở vùng trũng Hải Lăng (Quảng Trị)

Thanh Lộc

Cất vó đánh cá trong sân nhà ngay vùng "rốn lũ" Quảng Trị

Ghi nhận của PV Thanh Niên tại huyện vùng trũng Hải Lăng (nơi được xem là "rốn lũ" của Quảng Trị), nhiều tuyến đường liên xã, thôn xóm của các xã Hải Phong, Hải Sơn, Hải Lâm đã bị ngập. Thống kê của UBND H.Hải Lăng cho biết hiện tại toàn huyện đã có 684 nhà ngập từ 0,5 m. Huyện này cũng đã di dời 246 hộ/353 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Không thể phân biệt được đâu là đường đâu là đồng lúa ở thôn Hưng Nhơn (xã Hải Phong, H.Hải Lăng, Quảng Trị).

Thanh Lộc

Thôn Hưng Nhơn (xã Hải Phong, H.Hải Lăng) như “thường lệ” vẫn là một trong những địa phương bị nước lũ “tấn công” đầu tiên mỗi khi mưa lớn xảy ra. Trao đổi với Thanh Niên trưa 15.10, ông Nguyễn Như Khoa (trưởng thôn Hưng Nhơn) cho biết từ cuối giờ sáng, toàn bộ đường làng ngõ xóm của thôn đã bị nước xâm nhập từ 0,4 - 0,7 m.

Từ đường lớn đến mọi ngõ ngách trong thôn Hưng Nhơn đã bị nước lũ tấn công.

Thanh Lộc

Theo ông Khoa, may mắn là toàn bộ lúa và hoa màu đã được thu hoạch từ lâu, nhưng chính vì thế, để tránh nước lụt vào “ngâm” số sản phẩm khi đã thu hoạch này, bà con đã chủ động đưa lúa lên cao. “Ở thôn có 275 hộ, hiện nước lụt cũng vào nhà khoảng 10 đến 15% trên tổng số. Tuy nhiên, do sống ở vùng trũng, hầu như năm nào cũng… đón lũ, nên bà con không hề chủ quan, mà rất chủ động trong việc đón lũ”, ông Khoa nói.

Người dân lên bè tự chế để "ship" bình gas

Thanh Lộc

Chợ Hưng Nhơn vẫn mở cửa để người dân mua đồ về tích trữ.

Thanh Lộc

Theo vị trưởng thôn này, từ sáng đến giờ, bà con trong thôn đã “chạy đua với thời gian” để thực hiện rất nhiều công việc, gồm: kê đồ đạc lên cao; đắp bao cát ngăn nước vào nhà; chạy ra chợ mua lương thực thực phẩm tích trữ; di chuyển xe cộ lên nơi cao; lấy ghe xuồng ra để di chuyển…

Người dân tự lội nước đi mua thực phẩm

Thanh Lộc

Hoặc được các "shipper" đưa hàng về nhà bằng thuyền

Thanh Lộc

“Có thể nói, trên trưa nay thì hầu hết các hộ đã hòm hòm rồi. Riêng những nhà neo đơn, yếu thế thì cán bộ thôn cũng đã đến nơi hỗ trợ. Hiện nay, chúng tôi đang duy trì 1 đội túc trực ở Nhà văn hóa thôn để nếu có vấn đề thì tham gia ứng cứu, giải quyết ngay”, ông Khoa cho biết.

Xe tải, xe máy được đưa lên nơi cao

Thanh Lộc

Trong khi đò, ghe đã được đưa ra làm phương tiện di chuyển.

Thanh Lộc

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong cho biết, xã cũng đã lập nhiều tổ công tác về các vùng xung yếu, tuyên truyền, vận động bà con không nên chủ quan trước lũ lụt, yêu cầu bà con chủ động trong công tác phòng chống để giảm thiểu thiệt hại người và của. “Năm 2020, xã Hải Phong thiệt hại rất nặng do nước lũ. Chính vì thế, chúng tôi ý thức được rằng, càng chuẩn bị tốt thì những tổn thất nếu có cũng sẽ được giảm lại”, ông Giang cho biết.

Quảng Trị sơ tán dân khẩn cấp vì thủy điện vượt tràn, ngập lụt miền núi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.