Nước cờ cao tay của Nhật để đối phó Trung Quốc

01/04/2021 09:18 GMT+7

Việc ký thỏa thuận chuyển giao vũ khí cho Indonesia là một bước đi giúp Nhật tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để đối phó Trung Quốc , đồng thời mở rộng ngành công nghiệp vũ khí.

Kết thúc hội đàm “2+2” diễn ra ngày 30.3 ở Nhật Bản giữa Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto của Indonesia với 2 bộ trưởng đồng cấp chủ nhà là ông Toshimitsu Motegi và Kishi Nobuo, hai bên đã đạt được thỏa thuận cho phép Tokyo chuyển giao khí tài, công nghệ quân sự cho Jakarta. Bên cạnh đó, hai bên cũng bày tỏ quan ngại về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Mở rộng khách hàng

Trả lời Thanh Niên ngày 31.3, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích: “Indonesia là quốc gia đầu tiên được Nhật Bản chuyển giao tàu chiến đã qua sử dụng từ cách đây 15 năm, tức vào năm 2006. Nhờ vào việc nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản giờ đây có thể xuất khẩu khí tài quân sự và Indonesia là một khách hàng tiềm năng để mua tàu chiến, máy bay trinh sát biển cả cũ lẫn mới do Tokyo cung cấp”.
“Thời gian qua, Nhật Bản đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp Indonesia phát triển năng lực an ninh hàng hải. Liệu thỏa thuận trên có giúp doanh số xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản tăng nhanh hay không thì chưa thể chắc chắn. Tuy nhiên, Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ Indonesia nâng cao năng lực hàng hải”, GS Sato đánh giá.
Hồi cuối năm 2020, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này sắp xuất khẩu một số tàu chiến cho Indonesia. Một số nguồn tin quân sự khẳng định Tokyo đạt thỏa thuận cung cấp 8 tàu hộ tống lớp Mogami cho Jakarta. Trong đó, Nhật Bản sẽ xuất khẩu 4 chiếc và chuyển giao công nghệ để Indonesia tự đóng 4 chiếc còn lại. Đây là lớp chiến hạm tối tân mà Nhật Bản cũng chỉ mới đóng xong 4 chiếc và chưa biên chế chiếc nào.

Đạt nhiều mục tiêu

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Nhiều năm trước, Nhật Bản bắt đầu viện trợ tàu tuần tra cho Indonesia để đảm bảo an ninh tại eo biển Malacca. Khi đó, chống cướp biển là chủ điểm quan tâm của Tokyo khi hỗ trợ an ninh hàng hải cho Jakarta. Tuy nhiên, tình hình giờ đây đã đổi khác. Kể từ cuối thập niên 2000, Trung Quốc liên tục có nhiều hành vi gây quan ngại ở các vùng biển trong khu vực và không ngừng chạy đua vũ trang, đóng mới nhiều chiến hạm, tăng cường ngân sách quân sự. Trong bối cảnh như vậy, các nước ở khu vực phải tăng cường sức mạnh quân sự để phối hợp tạo thế cân bằng với Trung Quốc”.
“Trong khi đó, ngành sản xuất khí tài quân sự của Nhật Bản lại không được mở rộng vì những hạn chế xuất khẩu vũ khí kéo dài trong nhiều năm. Chính vì thế, Nhật Bản đã chọn cách mở rộng xuất khẩu và tài trợ vũ khí sang các nước Đông Nam Á. Cách thức này giúp ngành quốc phòng Nhật có thể phát triển, đồng thời giúp hình thành mạng lưới cân bằng quân sự với Trung Quốc”, TS Nagao phân tích.

Chiến hạm lớp Mogami do Nhật phát triển

Hunini

Bên cạnh đó, cũng theo TS Nagao, tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm “2+2” Nhật - Indonesia cũng đề cập “mối quan tâm chung về tình trạng leo thang nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” ở các vùng biển trong khu vực, hướng đến đảm bảo an ninh hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, cùng nhau phát triển các hạ tầng trên Biển Đông. Điều đó cho thấy Nhật và Indonesia muốn phối hợp đối phó các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thực tế, Indonesia cũng đã nhiều lần phản ứng các hành vi của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông. Đầu tháng 10.2020, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và hải quân Indonesia cũng đã tổ chức cuộc tập trận chung ở phía nam Biển Đông. Dự kiến sắp tới, hai nước sẽ sớm tập trận chung ở Biển Đông, thậm chí có thể có sự hiện diện của hải quân nước khác. Cũng liên quan tình hình Biển Đông, hôm qua 31.3, Nhật Bản công bố hình ảnh tập trận chung cùng hải quân Úc ở Biển Đông.
Thêm thông tin ngoại trưởng các nước ASEAN thăm Trung Quốc
Hãng Bernama hôm qua 31.3 đưa tin Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ thăm chính thức Trung Quốc trong 2 ngày kể từ ngày 1.4, theo lời mời của ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Malaysia ra thông cáo cho hay hai bên sẽ thảo luận về việc phát triển hợp tác vì lợi ích song phương, tập trung vào những vấn đề sau đại dịch Covid-19. Trước đó, Tân Hoa xã ngày 30.3 đưa tin 4 ngoại trưởng của Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 31.3 - 2.4, nhưng không công bố lịch trình cụ thể.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.