Nước Anh hậu Brexit có thể nhờ cậy gì vào Ấn Độ?

05/11/2016 18:08 GMT+7

Thủ tướng Anh Theresa May đang đi đến Ấn Độ với hy vọng thu hút được nhiều doanh nghiệp mới cho một nước Anh hậu Brexit, hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo CNN, bà Theresa May sẽ đến New Delhi vào ngày mai 6.11. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên bên ngoài châu Âu của bà. Ấn Độ là sự lựa chọn hợp lý trước tiên cho giới chức Anh, những người nôn nóng tìm kiếm thị trường mới sau khi nước này rời khỏi EU.
Thương mại giữa Anh và Ấn Độ hồi năm ngoái là hơn 16 tỉ USD. Anh chiếm 9% tổng đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ trong 15 năm qua. Tương lai có thể hứa hẹn nhiều hơn nữa, đặc biệt là khi quốc gia Nam Á cởi mở hơn, củng cố hơn vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
“Anh sẽ cần mối quan hệ kinh doanh rất mạnh mẽ với một số thị trường lớn, và tôi tin rằng Ấn Độ, cùng với Trung Quốc có lẽ là hai thị trường đáng mong đợi nhất”, CEO Mihir Kapadia của hãng Sun Global Investments nói.
Tài chính và công nghệ là lĩnh vực mà hai nước có thể tìm cách hợp tác sâu rộng hơn, ông Kapadia nhận định. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cần nhiều nhà đầu tư để thúc đẩy sản xuất trong nước. “Ấn Độ đang tìm kiếm số lượng lớn các khoản đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng”, CEO Kapadia cho hay.
Ấn Độ cũng có ảnh hưởng. 1,5 triệu người Ấn Độ sống ở Anh và nhiều doanh nghiệp nước này, chẳng hạn như Tata Group - công ty sở hữu thương hiệu Jaguar Land Rover và Tetley Tea, tuyển dụng hơn 100.000 lao động tại Anh.
Giữ mối liên hệ trên đang là yếu tố ở hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Ấn Độ trong cuộc đàm phán với bà May, vì hiện tại, thay đổi trong luật thị thực khiến sinh viên nước ngoài khó làm việc tại Anh sau khi tốt nghiệp. Điều này làm số đơn nhập học của sinh viên Ấn Độ nộp vào các trường đại học Anh giảm 50% vào năm ngoái.
Chính phủ của bà May vừa ban hành thêm hạn chế visa mới, làm khó thêm quá trình chuyển dời lao động ngoại quốc đến Anh của các doanh nghiệp. “Sinh viên Ấn Độ và mối quan hệ người với người là trụ cột quan trọng trong quan hệ Anh - Ấn. Chúng tôi kỳ vọng những vấn đề di chuyển sẽ được đề cập đến trong chuyến thăm của bà May”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nói.
Tuy nhiên, động lực chính của chuyến thăm này là thiết lập khuôn khổ cho thương mại song phương trong thời gian tới. Bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào giữa hai nước cũng cần phải đợi cho đến khi Anh rời hẳn EU. Quá trình này sẽ mất ít nhất hai năm nữa. Ông Kapadia nói: “Sẽ có rất nhiều lĩnh vực cần có đối tác mới một khi Brexit xảy ra. Tất nhiên, Ấn Độ sẽ đứng ngay hàng đầu trong danh sách ưu tiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.