Núi chỉ có... 2 người

21/11/2017 10:11 GMT+7

Đi bộ gần nửa ngày từ dưới bờ suối Mường Hoa lên đỉnh núi cao hun hút, cố lắm rồi cũng phải tới nơi. Bản mấy chục nóc nhà, mái thâm đen thời gian, vách liêu xiêu khổ ải và toàn người Mông.

Hai thầy cô giáo người Kinh lên dạy chữ cho bọn trẻ con, khổ quá, nên cũng được dân bản làm lễ nhận là người Mông.
Thầy học
Hoàng Văn Học là thầy giáo dạy 12 đứa học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 trên điểm Trường tiểu học Toòng Mông (xã Bản Phùng, H.Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Năm nay Học 25 tuổi, nhà dưới xã Khánh Yên Thượng, Văn Bàn (Lào Cai). Tôi hì hục gần nửa ngày mới trèo lên tới Toòng Mông, vừa hết con dốc, đến đoạn đường bằng đầu bản, thấy một cậu trẻ trung cao ráo thư sinh mặc áo trắng sơ vin, quần âu, giày Tây đang đứng chờ, bèn hỏi: "Sao trên đây có người sành điệu vậy ta?". Cậu thanh niên mặt đỏ bừng, nói: "Em là giáo viên cắm bản ở đây. Bộ quần áo này mang lên cả năm, hôm nay mới dám mặc để ra đón khách. Ngày bình thường, giáo viên ăn mặc như bà con dân bản, người mới đến chẳng ai biết". Nghe vậy tôi im tịt, cảm thấy ân hận quá.
Học kể: Vợ em là Vương Thị Thường, năm nay 26 tuổi đang dạy mầm non ở điểm Trường Sa Pả. Nói là cùng huyện nhưng cách nhau gần 100 km, từ hồi đi dạy, chưa bao giờ sang trường thăm nhau vì đường rừng xa quá, bỏ lớp thì ai chăm học sinh. Mỗi tháng, vợ chồng gặp nhau 2 - 3 lần khi cả hai cùng ở trường về nhà cuối tuần thăm con. Vợ chồng Học - Thường có một con gái Hoàng Khánh Ngọc, năm nay 3 tuổi. Từ khi mới sinh ra còn đỏ hỏn, mẹ phải đi làm cả tuần biền biệt, bé Ngọc đành ở với ông bà nội. Quen hơi từ giấc ngủ, bữa ăn ông bà dành cho nên chiều chủ nhật, khi bố mẹ mỗi người một xe máy rời nhà lên miền núi, Ngọc ngồi bậc cửa dõi theo 2 cái bóng mang nặng đẻ đau, nhưng không khóc - không đòi - không la hét, mắt vời vợi cam chịu, buồn mênh mông.
Từ nhà Học ở Văn Bàn đến điểm trường gần 150 km, vòng vèo đường núi, ai không đi quen, ngồi xe máy cũng say. Điểm trường Học dạy trên đỉnh núi, là căn nhà cấp 4 lợp ngói xi măng, vách tre nứa, cột chống ngoài hiên bị mối xông mất cả phần chân tiếp đất. Giờ nhìn thấy Học chả ai bảo là thầy giáo người Kinh mà gọi là người Mông, hay thế! Mười hai đứa trẻ lấm lem, lít nhít, thò lò mũi xanh học từ lớp 1 đến lớp 3 ngồi chung một phòng, mỗi "lớp" chỉ 4 đứa và phân biệt lớp trên, lớp dưới bằng hướng ngồi ngang - dọc hoặc phần bảng đã kẻ, học riêng. Dạy xong lớp này, quay sang dạy lớp khác. Tiếng đánh vần ê a dài thườn thượt theo lời đọc mẫu kiên nhẫn của thầy giáo, có khi cả buổi học không được một phép tính cộng trừ.
"Trên này sợ nhất trời mưa, bọn trẻ con không đến lớp. Em lại phải xuống tận nhà uống rượu với bố mẹ chúng, để gạ gẫm cho đến trường", Học thở dài.
Học sinh điểm Trường Toòng Mông tan học

Cô nhẫn
Điểm Trường mầm non Toòng Mông nằm cạnh trường tiểu học, cách mỗi bức rào tre mỏng manh, gió to là nằm rạp xuống tránh trú. Cô giáo Hoàng Thị Nhẫn năm nay 22 tuổi, người bé tẻo teo. Nhẫn nhà ở xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn, Lào Cai) cùng với thầy Học, mới đi dạy một năm. Học sinh của Nhẫn là 24 đứa, bé lít nhít gần bằng cô giáo nhưng nhu cầu ăn học, ngủ nghê chơi bời còn nhiều nên Nhẫn quay cuồng bên học sinh từ sáng đến tối, từ lúc sương sớm còn lạnh tê đón trẻ cho đến khi bố mẹ chúng tỉnh rượu, lất khất lên đón về.
Nhẫn còn trẻ chưa chồng. Học xong phổ thông là vào học Trường CĐ Sư phạm Lào Cai. Hôm được phân công lên Toòng Mông, trèo lên tới đỉnh núi rồi mới nhìn xuống đường xã nằm tít dưới núi bé tí như sợi chỉ, Nhẫn khóc suốt, nghĩ: “Cao thế này, bao giờ mới xuống được với bố mẹ đây?”.
Ấy thế rồi cũng quen. Điểm trường nằm trên cao thiếu nước. Nhẫn cặm cụi xuống nhà dân xách lên. Ban đầu cái xô đồ chơi nhỏ, sau đến cái xô nấu ăn, rồi thì 2 tay 2 xô nước lên dốc, cặm cụi đổ đầy bể mỗi chiều. Mới đầu nhận trẻ, lóng ngóng dỗ dành, bày tanh bành đồ chơi cho bọn nhóc tròn xoe mắt, giờ thì thành thạo chăm bẵm, lo lắng và líu ríu tiếng Mông cùng con trẻ học i tờ. Nhẫn kể: Sợ nhất là dịp lễ tết, thu hoạch. Bố mẹ đi làm nương hoặc ở nhà uống rượu, bọn trẻ phải tự vạch lá leo núi tới lớp, cô giáo vừa ngóng, vừa sốt ruột như lửa đốt trong bụng, chỉ thở phào khi sĩ số đủ và lúc ấy cũng gần… trưa. Ngày mưa đường trơn, cô giáo xuống tận chân dốc chờ học sinh, kẹp mỗi bên hông một đứa, bấm chân lên lớp, nhìn xa giống nhái bén tha nhau, thương vô cùng.


Ngày 20.11 buồn của thạc sĩ sư phạm đi bán cá
Hôm nay, 20.11, cũng như Ngày Nhà giáo Việt Nam của nhiều năm trước, Nguyễn Thị Thu, 26 tuổi, thạc sĩ sư phạm văn, đang sống ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè.
Vĩ thanh
Ở gian bếp cạnh lớp mầm non Toòng Mông, luôn có một cái giỏ tre, trong đựng một gói bột canh. Cô giáo Nhẫn bảo: “Để phòng khi sạt lở, lũ lụt nhiều ngày bị cô lập không xuống được xa mua đồ, còn có cái mà ăn”. Rồi cô kể: Mỗi chiều cuối tuần, cả hai tập trung ở điểm trường chính, để thầy Học chở cô lên gần điểm trường, rồi mới đi bộ. Đồ theo người chỉ rau gạo, thực phẩm và dầu nến dùng trong tuần. Cả bản có 2 anh em “độc thân” nên góp tiền cùng nấu ăn. 2 - 3 ngày đầu thì ăn thịt, mỗi nồi thịt kho đi, kho lại để không thiu. Hết thịt thì ăn cơm với cá khô, lạc rang, hết đồ ăn thì ớt dầm mắm, nhếu nháo cũng xong bữa. “Ở gần nhưng mỗi ngày chỉ gặp nhau 3 bữa ăn. Bữa ăn tối, em rửa bát để cô Nhẫn còn tắm giặt, soạn bài”, thầy Học bảo vậy và cười: “7 giờ tối trên này đi ngủ hết. Hai anh em, hai cây nến, hai trường cách bờ rào buồn quá nói chuyện sang nhau, vọng cả vào vách núi, vang khắp cánh rừng mà chẳng ai nói gì”.
Lúc về, tôi hỏi: “Ước mơ gì nhất?”, cả 2 thầy cô bảo: “Giá ngày nào cũng có ít mì tôm để nấu canh cho bọn trẻ ăn buổi trưa. Tụi em tuần nào cũng vác lên một thùng, mà không đủ”. Điều ước này khiến dự định xin mấy thứ to lớn cho cô trò, rơi tõm xuống thung sâu.
Giờ, ai lên Tây Bắc, ghé Sa Pa qua Lai Châu ngắm hoa tam giác mạch, chụp hình với hoa đào… dừng ở Suối Thầu ven suối Mường Hoa nhìn lên đỉnh Toòng Mông của dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp mây trắng vờn quanh năm. Nếu cố lắng tai, biết đâu sẽ thấy tiếng nhạc Bài ca trên núi ri rỉ như tiếng dế kêu từ điện thoại của thầy Học, mỗi đêm khuya vắng Đầu trời có sao trời sao sớm, đầu núi kia có ở hai người. Ở Tây Bắc bao năm rồi, có những người thầy yêu núi, yêu đồi mà vững vàng con chữ, không cần yêu nhau...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.