Nữ trưởng phòng dùng bằng giả: 20 năm 'voi chui lọt lỗ kim'

Kim Lan
Kim Lan
06/10/2019 07:00 GMT+7

Thông tin một nữ trưởng phòng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng giả để 'thăng tiến' suốt 20 năm mới bị phát hiện khiến bạn đọc Báo Thanh Niên choáng váng.

Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cơ quan chức năng đang tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, do có hành vi sử dụng bằng cấp không trung thực.
Cũng theo xác minh từ cơ quan chức năng, năm 1999, bà Sa, tên thật là Trần Thị Ngọc Ái Thảo, đã dùng bằng tốt nghiệp THPT của chị gái có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để bước vào… quan lộ. Bà Sa từng được bổ nhiệm làm kế toán trưởng tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2016, bà Sa được bổ nhiệm chức Trưởng phòng Hành chính - Quản trị cho đến nay.

"Con voi chui lọt lỗ kim"… nhiều lần

Nhiều bạn đọc (BĐ) băn khoăn với câu hỏi vì sao qua nhiều lần bổ nhiệm, công tác thẩm tra vẫn không phát hiện được sai phạm của bà Sa? Có BĐ ví von câu chuyện này giống như con voi “chui lọt lỗ kim”, không chỉ chui một lần, mà còn “chui qua rồi chui lại”…
BĐ Poet Hansy (Đồng Nai) thốt lên: “20 năm! Thật khủng khiếp! Thế mà cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, rồi Tỉnh ủy Đắk Lắk chẳng hay biết gì cho đến khi có tố cáo nặc danh?”. Đồng tình, BĐ Hùng Dũng (Hà Nội) cho rằng: “Ngoài đương sự thì tổ chức cán bộ và người giới thiệu, điều tra lý lịch phải chịu trách nhiệm về hành vi gian dối này”. BĐ Lyly (Đà Nẵng) nhận xét rằng nếu trách bà Sa một, thì phải trách các cơ quan thực hiện công tác thẩm tra mười, vì “20 năm dùng bằng giả, trải qua nhiều đợt xác minh, kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện ra sự dối trá về bằng cấp, nhân thân để rồi thăng tiến liên tục thì đó là sự quan liêu vô trách nhiệm, hay có thế lực nào nâng đỡ?”.

Nội dung “tờ trình” bà Sa thừa nhận dùng bằng giả, đồng thời xin nghỉ việc

Ảnh: Trung Chuyên

Có lẽ vì quá choáng váng, vài BĐ đã đi tìm các lý do hài hước để khiến câu chuyện trở nên… có thể hiểu được. BĐ Hoan (Bình Thuận) cho biết mình chưa nhìn thấy ảnh của hai chị em nhưng “tin chắc một điều là 2 người này phải giống nhau như 2 giọt nước mới có thể vượt qua những lần kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng…”.

Lại nâng đỡ “không trong sáng”?

Nhiều BĐ ngay lập tức nhắc đến câu chuyện quan lộ thần tốc của “hot girl Thanh Hóa” và đặt câu hỏi liệu rằng lại có thêm một trường hợp được “nâng đỡ không trong sáng”? Như cách nói của BĐ Dương Văn Tuấn (Khánh Hòa) là chuyện này… cứ thấy là lạ. BĐ Dương Văn Tuấn lo lắng “không khéo hồ sơ lưu trữ của bà Sa lại bốc hơi như trường hợp ở Thanh Hóa”.

Bà Thảo sai một nhưng người xác minh lý lịch của bà sai mười.

Chiều (Vĩnh Long)
BĐ Thủy (Nam Định) cho rằng một kế toán được đào tạo bài bản, học 3 - 4 năm mới ra trường, cũng phải mất 7 - 10 năm mới có đủ kinh nghiệm quản lý, am hiểu về luật pháp để làm kế toán trưởng, thế mà bà Sa “chỉ mất 2 năm đã ngồi được ghế kế toán trưởng nhà khách tỉnh ủy” thì đúng là “quan lộ cực kỳ thần tốc”. BĐ Công Nga (Lai Châu) tán thành: “Không khéo có ai đó nâng đỡ không sáng nữa rồi”. BĐ Huỳnh Thúy An (TP.HCM) bức xúc: “Bằng đại học chính quy đi xin việc mòn dép còn chưa được nhận, sao bà này chỉ có bằng cấp 2, còn bằng cấp 3 là giả, mà vào làm cơ quan thuộc tỉnh ủy, rồi học tại chức, lên chức dễ dàng quá vậy?”.

Nếu dễ làm trưởng phòng của một cơ quan thuộc tỉnh ủy vậy thì hơi ái ngại...

Bin (TP.HCM)

Cũng có BĐ cho rằng nếu vị nữ trưởng phòng này “thạo việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì cũng có gì đáng trách?”. Tuy nhiên, nhận xét này nhanh chóng bị nhiều BĐ khác phản đối. BĐ Khoa (Hưng Yên) nhấn mạnh “dùng bằng giả mà vào cơ quan nhà nước làm việc, lên đến chức trưởng phòng thuộc văn phòng tỉnh ủy mà không bị phát hiện thì hơi nguy hiểm đấy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.