Nữ tiến sĩ Việt làm điều bất ngờ trong ngày sinh nhật...

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
17/12/2021 09:30 GMT+7

Mất người thân vì dịch Covid-19 , nữ tiến sĩ Phan Hồng Đức hiểu được nỗi đau này nên đã làm một điều bất ngờ và ý nghĩa ngay trong ngày sinh nhật của mình. Cô còn hướng về quê hương bằng nhiều hoạt động khác.

Chia sẻ nỗi đau với trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19

Ngày 9.12 mới đây là sinh nhật của nữ tiến sĩ Phan Hồng Đức (44 tuổi), giảng viên Trường ĐH RMIT (TP.Melbourne, Úc). Đây là một sinh nhật vô cùng đặc biệt đối với tiến sĩ Đức, vì cô đã quyết định thành lập quỹ học bổng hỗ trợ trẻ em nghèo Việt Nam có cha mẹ mất trong đại dịch Covid-19.

Tiến sĩ Phan Hồng Đức luôn mong muốn được đóng góp cho quê hương

NVCC

Tiến sĩ Đức kể: "Mẹ chồng của tôi cũng vừa qua đời vì Covid-19. Tôi và gia đình thấu hiểu nỗi đau này, nên càng thương xót cho những em bé mồ côi vì đại dịch. Sinh nhật năm nay tôi không mong hoa, mong quà, chỉ mong lời chúc sức khỏe, bình yên đến tất cả người thân yêu, bạn bè. Do đó, tôi thành lập quỹ cho trẻ mồ côi nghèo có ba, mẹ qua đời vì Covid-19 ở Việt Nam. Tôi tặng 100 AUD cho mỗi tuổi của mình vào quỹ. Như vậy, quỹ sẽ bắt đầu với 4.400 AUD (gần 73 triệu đồng)".

Ngoài ra, tiến sĩ Đức đã thảo luận và thống nhất với gia đình là không nhận vòng hoa, phúng điếu trong đám tang của mẹ chồng. "Nếu có thể, mong các cô chú, anh chị, gia đình, người thân, bạn bè gần xa... dùng số tiền dự kiến mua hoa viếng để góp quỹ, chung tay cùng gia đình mình giúp các em thơ mồ côi vì đại dịch Covid-19 được tiếp tục đến trường", tiến sĩ Đức nhắn nhủ trên Facebook cá nhân.

Chỉ sau vài ngày, quỹ này đã nhận được khoản đóng góp của nhiều người với số tiền hiện tại là hơn 110 triệu đồng. "Quỹ sẽ tiếp tục tiếp nhận sự đóng góp của những nhà hảo tâm khắp nơi để có thêm thật nhiều kinh phí giúp đỡ thật nhiều em. Hiện mình đang liên lạc với các cộng tác viên tại Việt Nam để kết nối với học sinh mồ côi vì dịch Covid-19. Mình và những người ủng hộ quỹ mong các em được tới trường mà không cần phải lo lắng về chi phí học tập", tiến sĩ Phan Hồng Đức chia sẻ.

Hỗ trợ nhà khoa học trẻ trong nước

Tiến sĩ Đức tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 1999. Sau khi là 1 trong 9 học viên tốt nghiệp thạc sĩ kế toán quốc tế khóa 1 tại TP.HCM của ĐH Swinburne (Úc), cô trở thành giảng viên kế toán kiểm toán tại Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM (nay là Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM). Năm 2005, cô sang Úc và thời gian đầu làm việc tại Ngân hàng quốc gia Úc. Đến năm 2010, cô làm tiến sĩ tại ĐH Swinburne, cũng là khoảng thời gian sinh 2 con nhỏ.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2014, cô trở về giảng dạy tại ĐH RMIT Việt Nam 2 năm với ước mong hai con được học tiếng Việt và văn hóa Việt ngay tại quê hương.

Tiến sĩ Đức (thứ 4 từ trái qua) với đồng nghiệp RMIT (TP.Melbourne, Úc)

NVCC

Mặc dù chuyên môn là kế toán kiểm toán nhưng tiến sĩ Đức rất tâm huyết với giáo dục. "Vừa sang Úc năm 2005, tôi đã gia nhập dự án Góp một bàn tay của nhóm bạn trẻ Việt tại Melbourne, với vai trò giám đốc dự án, duyệt hồ sơ cấp học bổng cho hàng ngàn em nhỏ tại Việt Nam", tiến sĩ Đức kể.

Năm 2016, tiến sĩ Đức từ Việt Nam trở về Úc và công tác tại ĐH RMIT, TP.Melbourne. Tuy nhiên, cô vẫn duy trì việc hướng dẫn một số nghiên cứu sinh tiến sĩ của ĐH RMIT Việt Nam. Trong quá trình này, cô nhận thấy bạn trẻ Việt còn nhiều hạn chế trong khả năng nghiên cứu.

Nữ tiến sĩ nhìn nhận: “Đa số các em còn yếu về tiếng Anh học thuật, hiểu không đúng về nghiên cứu chuẩn quốc tế và thiếu người dẫn đường, hướng dẫn có tâm nên thường loay hoay không biết bắt đầu như thế nào. Nhưng các em lại có ưu điểm là có ước mơ lớn, chịu khó, chịu được áp lực cao, sẵn sàng học hỏi và tiếp thu nhanh, đặc biệt là rất giỏi về phương pháp định lượng”.

Một buổi hội thảo trực tuyến về nghiên cứu khoa học của "Nhịp cầu tri thức"

HỒNG ĐỨC

Thế là, sau nhiều năm nung nấu ý tưởng, vào ngày 7.8.2021, tiến sĩ Đức quyết định ra mắt nhóm "Nhịp cầu tri thức" nhằm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng hỗ trợ bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Hiện nay, "Nhịp cầu tri thức" có hơn 150 tình nguyện viên, 9.400 thành viên và 5.400 người theo dõi kênh YouTube.

Ngoài ra, tiến sức Đức đang là đại diện Việt Nam cho cuộc thi hùng biện Nghiên cứu khoa học toàn cầu IGPRC với sự tham gia của các nhà khoa học của hơn 20 quốc gia. Trong tháng 1.2022, "Nhịp cầu tri thức" sẽ đăng cai tổ chức cuộc thi này để tuyển chọn ứng viên đại diện Việt Nam tham dự IGPRC.

Một chương trình ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu trẻ

Là một diễn giả được mời tham gia chương trình "Nhịp cầu tri thức", tiến sĩ Trần Nguyễn Hải (nhà khoa học đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2019, công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng tại TP.HCM của Trường ĐH Duy Tân), chia sẻ: “Nhịp cầu tri thức là nơi kết nối cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước và khơi nguồn đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ. Các diễn giả được mời tham gia chia sẻ là những người uy tín trong lĩnh vực, có kinh nghiệm quý báu và lòng nhiệt huyết. Sự chia sẻ đầy kinh nghiệm của các nhà khoa học đi trước giúp bạn trẻ có thêm động lực để chắp cánh ước mơ, tự tin hơn khi nộp hồ sơ xin học bổng du học, có thêm nhiệt huyết theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.