Nữ thí sinh bị cưa chân muốn trở thành luật sư

Thanh Nam
Thanh Nam
26/06/2018 15:37 GMT+7

Từng mơ ước làm công an, được Bộ trưởng Bộ Y tế hứa nếu sau này học ngành y thì khi ra trường, ngành sẽ có trách nhiệm bố trí việc làm, thế nhưng Lê Thị Hà Vi lại quyết tâm trở thành luật sư.

Cách đây hơn 2 năm, khi Vi đang học lớp 10 ở Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) thì gặp tai nạn trên đường đi học về. Vụ tai nạn bình thường nhưng do chẩn đoán sai lầm, chủ quan, tắc trách của kíp trực Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), Vi đã bị cắt gần hết chân phải.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm gia đình Hà Vi. Tại đây, Bộ trưởng đã nói lời xin lỗi và hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ Hà Vi sau này.
Với những thiệt thòi mà Vi đã chịu đựng, lãnh đạo Trường THCS-THPT Đông Du (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã đón Vi về học nội trú và miễn toàn bộ chi phí để em có điều kiện được tiếp tục học tập.

Và sau hơn 2 năm, nữ sinh bị cưa chân này đã trở thành thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Vi kể quãng thời gian từ sau khi bị tai nạn, đến lúc bắt buộc phải cưa chân, hay chuỗi ngày tiếp tục sự sống và đi lại bằng đôi nạng, rồi tập đi bằng chân giả... là quãng thời gian kinh khủng nhất cuộc đời mình.
"Mọi ước mơ bỗng tan biến hết. Từ những ước mơ giản đơn như xúng xính trong những bộ đồ đẹp đi chơi đây đó với bạn bè. Hay ước mơ trở thành công an mà em theo đuổi từ nhỏ cũng không còn vì chỉ còn một chân. Em đã rơi vào tuyệt vọng", Vi nhớ lại.
Thế rồi bên cạnh sự an ủi, động viên của những người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ, cùng với nghị lực sống của mình, Vi từng bước vượt qua những ngày dài khủng khiếp ấy.
"Hơn 2 năm trôi qua, đôi khi ở một mình, nhìn xuống chân mình thiếu vắng một chân thật, em cũng cảm thấy buồn và chạnh lòng lắm. Nhưng cuộc sống mà, không cho phép mình buồn mãi được. Phải bước qua, phải vượt lên, không được chùn lòng, không được lùi bước, không thể tự gặm nhấm mãi nỗi buồn", Vi tâm sự.
Nhờ vậy, Vi cố gắng học tập thật tốt với suy nghĩ không thể trở thành công an, thì vẫn có thể tìm đến một ngành nghề khác để giúp cho bản thân, cho gia đình và cuộc sống. "Em chọn ngành luật, vì muốn trở thành một luật sư. Để có thể tìm ra công lý cho những vụ việc oan ức", Vi nói.
Lê Thị Hà Vi quyết tâm trở thành luật sư để bào chữa, tìm ra công bằng trong những vụ án oan ức XUÂN PHƯƠNG
Khi được hỏi nếu học ngành y thì khi ra trường, Bộ trưởng Bộ Y tế đã hứa ngành sẽ có trách nhiệm bố trí việc làm, tại sao không chọn? Vi cười: "Theo học ngành mình thích vẫn hay hơn, ý nghĩa hơn so với học một ngành mà mình không thích".
Trong kỳ thi THPT quốc gia lần này, Vi kể mọi người trong gia đình năn nỉ để đưa Vi đi thi, nhưng nữ sinh này kiên quyết từ chối với lý do: "Bố mẹ đừng lo, con tự lập được, con sẽ tự đi thi một mình được".
Vi bảo phải tự lập để thích nghi với cuộc sống sau này. Vì bố mẹ không thể ở cả đời bên Vi. Rồi sẽ có những năm tháng sau này Vi trở thành sinh viên, cũng phải sống xa nhà, cũng phải đối diện với vô số khó khăn, trắc trở bủa vây mà không có sự bảo bọc của bố mẹ bên cạnh. Nên phải mạnh mẽ và tập tự lập dần.
Vi tỏ ra khá lạc quan với hai môn thi đầu tiên là văn và toán. "Em sẽ cố gắng thi thật tốt các môn sau để đạt điểm thật cao".
Trong số những môn thi còn lại, Vi hy vọng sẽ đạt điểm cao nhất ở môn địa. Bởi đó là môn Vi thích nhất. Năm học lớp 11, Vi từng là học sinh đạt huy chương bạc cuộc thi Olympic 10.3 do Sở GD-ĐT Đắk Lắk tổ chức.
Hỏi Vy rằng đến thời điểm này, Vi có còn buồn hay trách những vị y, bác sĩ tắc trách, kém chuyên môn... nên khiến cuộc sống của Vi thay đổi hay không? Vi cười: "Không ạ. Em đã bỏ qua tất cả. Không trách móc, không ghét gì các y, bác sĩ cả. Vì trong cuộc sống, ai cũng có những phút giây sai lầm mà. Tha thứ cho người khác cũng là cách để tự tạo niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình, và giúp cuộc đời này tốt đẹp hơn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.