Nữ sinh viên báo chí Sài Gòn bỏ việc đi... nuôi cọp

12/03/2016 09:00 GMT+7

‘Chưa bao giờ tôi đoán được cô ấy sẽ làm gì vào ngày mai. Cô ấy giàu ý tưởng và rất nghị lực’, đó là lời nhận xét của một người bạn về Trần Bửu Quỳnh Anh.

‘Chưa bao giờ tôi đoán được cô ấy sẽ làm gì vào ngày mai. Cô ấy giàu ý tưởng và rất nghị lực’, đó là lời nhận xét của một người bạn về Trần Bửu Quỳnh Anh.
 

Quỳnh Anh đang ôm những "bé" cọp trong Tiger Temple (Kanchanaburi, Thái Lan)Quỳnh Anh đang ôm những "bé" cọp trong Tiger Temple (Kanchanaburi, Thái Lan)
Sẽ không quá lời khi nói rằng Trần Bửu Quỳnh Anh (sinh viên năm cuối khoa Báo chí, Trường đại học Xã hội Nhân văn TP.HCM) là hình mẫu cho thế hệ các cô gái trẻ 9X năng động. Ở Quỳnh Anh toát lên sức sống mạnh mẽ, thông minh và ý thức rất cao về việc tự chủ cuộc đời mình.
Trước khi gặp Quỳnh Anh, tôi được biết dù chưa ra trường nhưng cô sinh viên báo chí này đã có thời gian dài làm việc với nhiều kênh truyền hình. Quỳnh Anh còn giữ vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng viên trẻ của khoa Báo chí. Bấy nhiêu đó thôi đã đủ để hình dung về cô gái trẻ này năng động như thế nào.
Rồi ngay lần đầu tiên nhìn thấy Quỳnh Anh, người viết đã ấn tượng ngay trước vẻ cá tính toát ra từ cái dáng cao, gầy, nụ cười duyên với hai má lúm đồng tiền của em. Và điều thú vị nhất là khi trò chuyện với Quỳnh Anh, người đối diện đan xen hai cảm xúc: vừa khâm phục, vừa tự đem mình so sánh với em mà chợt thấy tuổi trẻ của mình sao ủ dột quá.
Vẻ cá tính của cô gái 21 tuổi
Năng lượng đâu nhiều thế?
Năm thứ hai đại học, gia đình Quỳnh Anh chuyển về Hóc Môn, TP.HCM. Nhà quá xa trường nên cô gái trẻ quyết định dọn ra ở trọ. “Lúc đó, em đã đi làm MC cho kênh HTV4 và đi dạy thêm, được khoảng 4 triệu/tháng, nên em tuyên bố con sẽ sống tự lập mạnh miệng lắm. Nhưng thật là cũng hơi chật vật…”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Quỳnh Anh bắt đầu kể về chuỗi công việc làm thêm của cô mà khiến tai người nghe... theo không kịp. Từ năm thứ nhất đại học, em vừa làm MC cho HTV4, vừa làm phục vụ bàn ở quận 2, rồi đi dạy thêm ở nhiều nơi. Tới năm thứ ba đại học, Quỳnh Anh làm bartender (nhân viên pha chế đồ uống ở các quán bar), rồi chuyển qua kênh Yeah1 làm phóng viên, cùng bạn mở cửa hàng quần áo, và cô gái nhỏ vẫn đi dạy thêm.
Có những ngày sau buổi học, Quỳnh Anh đạp xe từ quận 3 sang quận 2 để làm phục vụ bàn, rồi lại đạp từ quận 2 qua quận Tân Bình làm gia sư. Đi làm, đi dạy, đi học, Quỳnh Anh đều dùng chiếc xe màu trắng, cũ mèm, lại bị bó thắng, đạp rất nặng. Quỳnh Anh hồn nhiên nói, may lúc đó không đi xe máy nên đỡ được tiền xăng, tiền gửi xe: “Nói chung em keo lắm chị. Keo là thương hiệu của em luôn. Nên em vẫn sống sót được nguyên thời gian khó khăn đó”.
Điều lạ là vừa học, vừa tất bật làm thêm nhưng Quỳnh Anh vẫn có thời gian để tham gia rất nhiệt tình CLB Phóng viên trẻ. Trước vẻ ngạc nhiên việc Quỳnh Anh "lấy đâu ra" nhiều năng lượng thế? Quỳnh Anh vô tư trả lời: “Em vẫn đi học, nên không thể tìm một việc 'fulltime'. Mà em phải kiếm ra một số tiền khoảng 8 triệu mỗi tháng để lo ăn ở, học phí, rồi trả góp tiền mua xe đạp, máy tính, điện thoại, nên em phải kiếm mỗi việc một ít”.
Cô gái này hay cười và cười rất tươi
Làm nhiều việc như vậy có khi nào thấy đuối sức không? Quỳnh Anh trả lời câu hỏi vẫn bằng nụ cười rất tươi: “Dạ có! Nhưng mà khi trong tình huống phải làm, em lại thấy mọi thứ ổn, cứ làm từng cái, từng cái rồi nó qua hết”.
Phương châm sống của Quỳnh Anh rất đơn giản: mọi thứ đều sẽ tốt! “Trước đây, em từng làm MC, trang điểm lộng lẫy xuất hiện trên TV. Đùng một phát em xuống làm bồi bàn. Cũng tủi thân! Nhưng sau đó em nghĩ là làm bồi bàn cũng là một trải nghiệm nên biết. Em lại thấy vui trở lại. Đúng nghĩa tận hưởng công việc đó. Nhiều người bảo em lừa dối bản thân, kiểu cố gắng dùng một cách diễn đạt tốt hơn để miêu tả tình trạng của mình cho đỡ buồn. Em thì nghĩ một chuyện có nhiều cách nhìn, nhìn cách nào bản thân cảm thấy thoải mái nhất”.
Quỳnh Anh thông minh và ý thức rất cao về việc tự chủ cuộc đời mình
“Ba mẹ sợ em bị cọp ăn thịt”
Tháng 4.2015, Quỳnh Anh biết thông tin về chương trình tuyển cộng tác viên cho công viên Tiger Temple (huyện Sai Yok, tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan) qua bạn bè. Cô được cảnh báo rằng thời tiết bên đó rất nóng, và rất dễ bị các “bé cưng” là động vật hoang dã cào, cắn… Nhưng nhìn những tấm ảnh các bạn chụp cùng cọp, hươu, nai… Quỳnh Anh không thể “kìm hãm” sự phấn khích và quyết định đăng ký tham gia chương trình, bất chấp cả chuyện phải xin nghỉ việc.
Ba mẹ Quỳnh Anh nghe con gái muốn qua Thái Lan… nuôi cọp, lập tức tỏ vẻ rất ớn. “Em là con út, nên ba mẹ khá cưng không muốn em đi đâu. Nhưng mà ba mẹ em không cấm cản, luôn để em có cơ hội chọn những thứ em thích làm, chỉ bảo là cẩn thận, về nhà nguyên vẹn giùm”, Quỳnh Anh kể.
Cuối tháng 1.2016, Quỳnh Anh sang Nhật tham gia chương trình giao lưu văn hóa JENESYS. Cô về Việt Nam đúng vào ngày 29 Tết và chỉ ở nhà duy nhất một ngày. Mùng 1 Tết, Quỳnh Anh lại lên đường đi Myanmar, Campuchia, rồi tới Tiger Temple (Thái Lan) nhận việc.
Hiện tại, Quỳnh Anh đã làm việc được ở Tiger Temple hơn 10 ngày. Cô gái 21 tuổi này cực kỳ hào hứng khi kể về công việc nuôi cọp trên đất Thái.
“Một ngày của em bắt đầu từ 7 giờ sáng. Em và mọi người sẽ đi làm công việc nông trại tức là cho bò, trâu, ngựa ăn. Khúc này mệt tại vì trâu bò nhìn vậy mà dữ lắm, có mấy lần em bị con trâu lắc cái sừng vô người, mém té. Rồi phải rải thức ăn ra nhiều chỗ nếu không tụi nó sẽ đâm đầu, đánh nhau giành ăn. Nói chung công việc buổi sáng khá đáng sợ”, Quỳnh Anh hài hước.
Sau khi ăn sáng, Quỳnh Anh sẽ bắt đầu công việc ở Tiger Island là nhà của 137 “bé” cọp: “Tụi em có 4 công việc chính. Một là làm chương trình cho khách du lịch. Họ sẽ được chơi với cọp, tắm cọp,... tụi em đứng vòng ngoài đảm bảo an toàn. Hai là xé gà luộc, lóc xương, bỏ thêm bột dinh dưỡng, vitamin cho cọp ăn. Ba là đi chà chuồng cọp, chà lối đi, hốt phân, hốt xương gà cho sạch sẽ. Bốn là làm đồ chơi cho cọp. Để cọp thân thiện với người thì tụi em phải dành nhiều thời gian chơi với cọp con, dắt đi dạo…”.
Quỳnh Anh rất thích thú mỗi khi được dắt cọp đi dạo
Buổi chiều, Quỳnh Anh sẽ lại làm công việc hỗ trợ khách du lịch. 4 giờ chiều lại ra nông trại cho trâu bò ăn, cho hươu con bú sữa… Tới 6 giờ chiều sẽ đi thiền. Vì ở trong chùa nên thiền là hoạt động bắt buộc.
Quỳnh Anh nói rằng cô vui nhất là vào buổi sáng vì được tiếp xúc nhiều với cọp con. “Ác mộng” nhất là khi dọn chuồng cọp, mùi phân thì khỏi nói, mà mùi thịt gà cọp không ăn hết để qua đêm còn “thúi” hơn cả phân. Buổi chiều, trời nắng nóng tới 40 độ cộng với áp lực khi phải hỗ trợ khách du lịch cũng kiến Quỳnh Anh đuối sức. “Nhưng buổi chiều em lại có cơ hội rèn luyện tiếng Anh, được giao tiếp rất nhiều với khách du lịch”, những suy nghĩ tích cực không bao giờ rời bỏ cô gái này.
Cái cách Quỳnh Anh nói về nguy hiểm khi chăm cọp theo kiểu lạc quan nhất, khiến người nghe cảm thấy rất thú vị: “Thật ra cũng không tới nỗi bị ăn thịt đâu. Chỉ là cọp hay cào hay giỡn, kiểu chụp tay, cào chân hoặc chạy tới vồ, không tấn công ăn thịt. Nhưng vì tụi nó nặng 200kg không hà, nên đè mình cũng bẹp dí. Hôm bữa chơi với mấy bé cọp cỡ 90kg mà tụi nó chạy tới chụp chân em cắn nhẹ, em cũng sợ hết hồn. Cắn kiểu mèo hay chó nhà mình hay cắn á, nhưng răng tụi này sắc lắm nên cũng hơi đau đau”.
Được “tận hưởng” cuộc sống mới lạ, công việc độc đáo trên đất Thái lại càng khiến Quỳnh Anh khát khao được đi nhiều hơn để học về thế giới. Quỳnh Anh chia sẻ sau khi kết thúc công việc “nuôi cọp”, cô sẽ đến Chiang Mai (Thái Lan), vì ở đó có một nông trại cho mọi người tới cùng tình nguyện trồng trọt. Sau đó Quỳnh Anh sẽ vừa làm vừa để dành tiền, kiếm chuyến đi tiếp.
Và sau này về Việt Nam, cô phóng viên tương lai dự định sẽ làm công việc yêu thích ở mảng truyền thông hoặc truyền hình. Cô cũng muốn có một thứ của riêng mình nên đang cùng bạn bè tập tành thiết kế quần áo, may rồi bán online, hội chợ, hi vọng sẽ xây dựng được một thương hiệu riêng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.