Nữ sinh tự tử: Dùng tài năng sư phạm để giáo dục sẽ hiệu quả hơn

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/12/2020 08:44 GMT+7

Người thầy và nhà trường cần phải giáo dục học trò bằng 'ân và uy', đừng lạm dụng chữ 'uy' mà quên mất chữ 'ân', dùng tài năng sư phạm để giáo dục sẽ có hiệu quả hơn là dùng kỷ luật.

Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Lê Minh Công, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nêu quan điểm, các quy định trong học đường phải xây dựng dựa trên đặc trưng tâm lý của lứa tuổi học sinh (HS). Mỗi lứa tuổi cần phải có các quy định riêng và phù hợp. Hơn thế, trong bối cảnh xã hội thay đổi, nội quy cũng cần phải thích hợp hơn, không thể lấy các quy chuẩn trước đây đem áp dụng tại thời điểm hiện tại.
“Các nội quy, quy định phải hướng đến mục đích tích cực, nhân văn. Vì thế, hãy cân nhắc triết lý xây dựng nội quy để áp dụng một cách phù hợp, hạn chế kỷ luật hành chính mà nên hướng đến các hình thức khen thưởng, khích lệ. Việc một HS bị nêu tên trước cờ có thể dẫn đến sự khủng hoảng, sang chấn trầm trọng đối với một HS có tâm lý yếu đuối. Điều này có thể lý giải bởi trong lứa tuổi học trò, các em phát triển mạnh về ý thức bản thân, vì vậy, khi bị bêu xấu thường rất uất ức, khó chấp nhận. Hơn thế, trong tuổi này, các em chưa đủ trải nghiệm để có thể suy nghĩ thấu đáo và thường hành động theo cảm xúc nhất thời”, tiến sĩ Công phân tích.
Ông Hoàng Anh Tú, phụ huynh có con học tại một trường trung học ở Hà Nội, cho rằng nội quy khi ban hành cần sự đồng thuận và ghi nhớ của HS chứ không thể chỉ như một văn bản cứng nhắc.
“Tôi nghĩ nhà trường và gia đình cần kết nối với nhau chặt chẽ hơn chứ không phải chia thành 2 chiến tuyến hoặc là đứng về phía nhau và coi HS như phía đối địch. Phải là tương tác 3 bên với cùng một mong muốn tốt lên cho cả 3 bên. Như trong chuyện vừa xảy ra, em HS sẽ không tự tử nếu như cha mẹ và thầy cô cùng lắng nghe lâu hơn, đối thoại với em nhiều hơn”, ông Tú nhận định.
Tại Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng, nhìn nhận nội quy trường học bắt buộc phải dựa trên điều lệ trường phổ thông, nếu tự thêm vào những điều cấm hay hình thức xử lý thì cũng phải căn cứ và đặc thù từng địa phương, nhà trường, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn từ quy định “cho phép HS sử dụng điện thoại di động nếu được sự đồng ý của giáo viên”, có trường đưa vào nội quy thành “cấm sử dụng điện thoại di động”, là chưa đúng.
Kinh nghiệm ông Hải đưa ra là trước một vi phạm của học trò, cần tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết linh hoạt, vì vi phạm do bất khả kháng khác với vi phạm do coi thường hoặc thói quen. Bởi vậy, giáo viên xử lý phải rất linh hoạt chứ không cứng nhắc theo văn bản. Nếu dùng biện pháp kỷ luật theo kiểu trừng phạt có thể khiến các em bên ngoài thì chấp nhận nhưng bên trong lại phản kháng, gây hậu quả khôn lường như có hành vi tiêu cực, cũng tuyệt đối không nên nêu vi phạm của các em trước tập thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.