Nữ quyền Việt trên bàn tiệc kiểu Mỹ

08/03/2024 14:35 GMT+7

Cô gái cầm đũa ngồi bên chiếc bàn bày đồ ăn kiểu Mỹ - một sắp đặt ẩn dụ cho sự va quệt văn hóa Đông Tây là cách mà Juliet - ca sĩ, nhạc sĩ trẻ người Việt (hiện sống tại New York, Mỹ) đưa ra danh tính đậm đặc sắc thái nữ quyền của mình, ở nơi cô đang tích cực hội nhập nhưng vẫn nhất quyết bảo toàn bản sắc Việt.

Juliet (tên thật là Diễm Quỳnh) bắt đầu viết bài hát đầu tiên của mình năm 14 tuổi (2014). Năm 15 tuổi, cô gái sinh năm 2000 này rời Hà Nội đến Mỹ, nơi cô tận mắt chứng kiến hấp lực của văn hóa phương Tây và cái gọi là "giấc mơ Mỹ" trong tâm trí những người trẻ lãng mạn.

Nữ quyền Việt trên bàn tiệc kiểu Mỹ- Ảnh 1.

Cô gái Việt bên bàn ăn kiểu Mỹ

ĐỨC VIỆT

Vừa theo học ngành thiết kế đồ họa tại Savannah College of Art and Design, cô vừa say mê sáng tác nhạc và nhanh chóng điểm mặt tại các tụ điểm biểu diễn nhỏ của New York cùng cộng đồng Indie của mình và trên kênh nghe nhạc trực tuyến Spotify với hơn 30.000 người nghe hàng tháng cho các bản phát hành trong năm 2023.

Cùng năm, đĩa đơn Good Luck in Chicago đã đưa cô lên trang bìa danh sách phát Fresh Finds Vietnam của Spotify và một vị trí trong Equal Global cùng cơ hội hợp tác với thương hiệu thời trang nổi tiếng Brandy Melville...

Là một "con mọt sách", Juliet thường lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học hay hội họa nổi tiếng, từ đó rút ra những tứ truyện đan xen với trải nghiệm của chính cô, làm mờ đi ranh giới giữa hiện thực và hư cấu. American Child, chẳng hạn, chính là được gợi hứng từ cuốn The Great Gatsby của F Scott Fitzgerald, nói về sự vỡ mộng với giấc mơ Mỹ thể hiện trong văn hóa hẹn hò hiện đại: nó quá nhanh, quá nhiều và vô nghĩa.

Nữ quyền Việt trên bàn tiệc kiểu Mỹ- Ảnh 2.

Được ảnh hưởng từ các nhạc sĩ tự sự như Billy Joel và Taylor Swift, Juliet tìm cách trình bày quan điểm của mình về thế giới thông qua những chi tiết nhỏ trong cuộc sống

HÀ TRẦN

Để nhấn mạnh thông điệp, Juliet sử dụng một chiếc gối ôm được hóa trang thành người bạn đời vô cảm. Một bàn ăn bày đầy đồ ăn Mỹ như một phép ẩn dụ cho xã hội Mỹ, và cô gái cầm đũa để biểu thị bản sắc châu Á của cô ấy, sự khác biệt và vị trí khó xử của cô ấy trong xã hội này.

Cô gái Việt “đòi lại” những căn phòng thuộc địa

Được ảnh hưởng từ các nhạc sĩ tự sự như Billy Joel và Taylor Swift, cô tìm cách trình bày quan điểm của mình về thế giới thông qua những chi tiết nhỏ trong cuộc sống: cách chúng ta đi bộ về nhà, những lời nói dối chúng ta nói, những thói quen chúng ta bám vào, sự nhầm lẫn mà chúng ta có thể mắc phải...

Là một nhà thiết kế hình ảnh, Juliet thường đồng thời là giám đốc sáng tạo trong các video âm nhạc của mình. Tác phẩm mới nhất của cô, I know it all là một video hoạt hình bằng tay bao gồm hơn 200 khuôn hình Juliet tự vẽ trong vòng 2 tuần.

I know it all mô tả sự kết thúc của một mối quan hệ tồi tệ, nơi nhiều phụ nữ bị mắc kẹt và không dễ gì rời bỏ vì bị đè nặng bởi những tư tưởng gia trưởng về vai trò người phụ nữ, nghĩa vụ và sự hy sinh, cũng như mặc cảm của một người phụ nữ bị bỏ rơi. Juliet viết với niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, các nhân vật trong câu chuyện của cô sẽ có đủ can đảm và cơ hội để ra đi.

Nữ quyền Việt trên bàn tiệc kiểu Mỹ- Ảnh 3.

Cách cô gái Việt “đòi lại” những căn phòng thuộc địa

TRƯƠNG THANH TRÀ MY

Last Time in New York được gợi hứng từ những bức tranh nổi tiếng của Henri Matisse, mô tả những người phụ nữ xinh đẹp bên trong những căn phòng đẹp, thực chất là những gái mại dâm đến từ các thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Là một nghệ sĩ đến từ một đất nước cũng từng là thuộc địa của Pháp, Juliet bắt đầu hành trình "đòi lại" những căn phòng này.

Video tập trung vào thiết kế nội thất của Matisse, nhưng được Juliet lấp đầy bằng những vật dụng vốn từng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt: bức tường vẽ bậy, cuốn lịch, Tạp chí Văn Nghệ, chiếc ti vi những năm 1980...

Mới nhất, vào ngày 14.3 tới, Juliet sẽ cho ra mắt đĩa đơn Any other way. Video sẽ đưa ra một cảnh tượng vừa thân quen vừa xa lạ: một cô gái bày hàng ăn Việt - ghế nhựa, mâm nhôm - để ăn cơm Tây giữa ga tàu điện ngầm ở New York. Một ẩn dụ nhằm giúp khán giả thấu hiểu cảm giác lạc lõng của nhiều người Việt xa xứ, muốn hòa nhập với xã hội Mỹ nhưng luôn tìm kiếm những thứ chỉ có ở quê nhà.

Nữ quyền Việt trên bàn tiệc kiểu Mỹ- Ảnh 4.

Tạo hình của Juliet trong “Any other way”, dự kiến ra mắt ngày 14.3

HÀ TRẦN

"Tôi thích lồng ghép các cốt truyện vào các bài hát của mình: mỗi bài hát tự nó là một cuốn tiểu thuyết nhỏ, với các nhân vật, bối cảnh, cao trào, và những bài học kinh nghiệm. Nhưng sách vở chỉ là một phần nhỏ tạo nên cảm hứng âm nhạc của tôi ngày nay. Gần đây, tôi hay viết về nước Mỹ và về bản thân mình.

Tôi đến Mỹ năm 15 tuổi. Không có cú sốc văn hóa nào nhưng có rất nhiều điều phải học. Năm đó là năm 2016, các bạn cùng trường của tôi đang thảo luận về cuộc bầu cử tổng thống. Đây là bài học đầu tiên của tôi về cách đọc suy nghĩ của người Mỹ. Người Mỹ nhìn nhận phái nữ thế nào? Người Mỹ nhìn nhận phụ nữ châu Á ra sao?

Họ nghĩ tôi có vai trò gì trong xã hội của họ?... Trong âm nhạc của mình, tôi nói về việc coi sự vô cảm là lẽ thường tình (Nice kiss), đầu tư tình cảm vào một ai đó rất hời hợt với mình (American child), vỡ mộng khi nhận ra mình không hề quan trọng trong mắt người khác (Last time in New York). Trong khi những điều này được viết từ quan điểm lãng mạn, nó là phép ẩn dụ về những người phụ nữ châu Á đầu tư phần đời còn lại của mình vào một thế giới phương Tây ít nhiều coi nhẹ sức lao động của người phụ nữ châu Á.

Tôi tin rằng bản sắc phụ nữ Việt Nam không nên bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào, nhất là giới hạn trong nhận thức văn hóa của phương Tây. Định nghĩa về nữ tính là do mỗi người phụ nữ tự quyết định. Tôi tin rằng sự đa dạng và tự do biểu đạt là cách chúng ta sẽ thoát khỏi định kiến giới".

"Tôi tin rằng bản sắc phụ nữ Việt Nam không nên bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào, nhất là giới hạn trong nhận thức văn hóa của phương Tây".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.