img

Chạy xe đạp hay lái xe máy, ô tô; ít nhiều bạn có thể biết sửa chữa chút ít cho con "ngựa chiến" của mình. Ít ra cũng biết chùi bugi, thay lốp. Với máy bay thì... không! Phương tiện vận chuyển vào hàng đặc biệt này cần một đội ngũ kỹ sư (nôm na là "bác sĩ") "bắt bệnh" chuyên nghiệp. Và ở sân bay Tân Sơn Nhất, những người làm việc đó thuộc đội bảo dưỡng máy bay (ở nội trường/ngoại trường). Trong một đội toàn nam ấy có một.... "bóng hồng" duy nhất Lê Thu Vân. 

Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) nằm trên đường Hồng Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) chính là đại bản doanh đến với các hangar (nhà chứa máy bay hay trại máy bay - PV) sửa máy bay.

Hangar có kết cấu dạng vòm được trang bị hệ thống kỹ thuật đồng bộ nằm gọn một góc thuộc khu vực sân bay, các máy bay cần sửa chữa được xe kéo vào hangar hoặc nằm ngoài sân đỗ phía trước mái vòm. 

22 giờ, trời mưa rả rích, nhưng dưới các mái vòm, ánh đèn sáng trưng như ban ngày. Đúng 22 giờ 30 phút, chiếc Airbus A321 được kéo về, nữ kỹ sư Lê Thu Vân cùng đồng nghiệp nhanh chóng vào vị trí, bắt đầu ca bảo dưỡng máy bay.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 2.

Là "bóng hồng" hiếm hoi trực tiếp làm kỹ sư bảo dưỡng máy bay, chị Vân không quá ngạc nhiên với môi trường làm việc toàn đàn ông xung quanh. Bởi khi còn là sinh viên ngành Hàng không của ĐH Bách Khoa, lớp của chị cũng chỉ có 1/10 là nữ.

"Tò mò về việc một khối máy to như vậy làm sao bay được trên bầu trời, tôi quyết định tự tìm lời giải bằng cách theo chuyên ngành này", nữ kỹ sư nhún nhẹ vai, mỉm cười khi nhắc lại cơ duyên đến với nghề đặc biệt. 16 năm trước, chị bước vào nghề và được phân công làm Ngoại trường – bảo dưỡng máy bay ở ngoài sân đỗ. Ngày đầu nhận việc, cô gái quê Thừa Thiên - Huế choáng ngợp trước không gian rộng lớn của sân bay Tân Sơn Nhất.

Mỗi chuyến máy bay đến sẽ có khoảng thời gian nghỉ để chuyển khách. Đây cũng là thời gian những thợ máy, kỹ sư thực hiện công việc của mình. 

Trong giới hạn thời gian, chị Vân kiểm tra lốp xem độ mòn, vết cắt; kiểm tra 2 cánh, mũi, đầu đuôi máy bay, động cơ xem có dấu hiệu chim đập, nghe xem động cơ điện có gì bất thường hay không… Hàng tá công đoạn nghe thì có thể ù tai nhưng với người kỹ sư máy bay khi độ an toàn được đặt cao nhất thì phải thuần thục và chính xác. 

Chị giới thiệu: "Mỗi chuyến bay đến trước khi bay tiếp đều có quãng thời gian kiểm tra như vậy. Chúng tôi sẽ kiểm tra toàn bộ máy bay từ ngoài vào trong, từ trước ra đằng sau, từ cái càng chính, càng mũi, cánh, động cơ… Tùy máy bay lớn, nhỏ mà có thời gian kiểm tra khác nhau, như Airbus tối thiểu là 45 phút".

Clip: Nữ kỹ sửa máy bay là làm gì?

Để được sửa máy bay, sau khi qua vòng phỏng vấn của công ty, các kỹ sư ở đây phải thi chứng chỉ của Cục Hàng không Việt Nam gồm: luật, thực hành, lý thuyết và kỹ thuật. Cùng với đó, mỗi người phải thi chứng chỉ ủy quyền của tổ chức bảo dưỡng thì mới được cấp "chứng chỉ hành nghề". 

Mỗi năm kỹ sư phải thi lại một lần và 5 năm thi tiếng Anh chuyên ngành một lần.

"Nghề này không dễ nhìn thấy ở ngoài nên con tôi khá tự hào với bạn bè vì nghề này "nghe rất là kêu". Còn bạn tôi hỏi sửa máy bay thế nào, tôi trả lời giống như sửa xe đạp, xe máy thôi, mà nó sâu hơn một chút, to hơn một chút. Nhưng tôi biết thay lốp máy bay, còn lốp xe máy thì tôi không biết làm", chị dí dỏm so sánh rồi cười lớn.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 3.

CLIP: Nữ kỹ sư bảo dưỡng máy bay ở Tân Sơn Nhất

Chị vẫn còn nhớ như in lần đầu có chứng chỉ và phải ký chịu trách nhiệm với chuyến bay sau bảo dưỡng. Khi đó, tàu bay chị phụ trách phải thay cả cặp lốp mũi. Cũng vẫn là bảo dưỡng như trước, nhưng lần này nhìn theo bóng máy bay mờ dần trên bầu trời, tiếng thình thịch trong lồng ngực của nữ kỹ sư trẻ vẫn nghe rõ vì lo lắng.

Trên đường từ Ngoại trường về bên trong, chị nghe báo lệnh tàu bay quay lại. "Rớt tim ra ngoài, sau đó được thông báo tàu quay lại vì lý do khác chứ không phải lốp mũi hay hạng mục tôi làm thì tôi mới lấy lại bình tĩnh", chị kể.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 5.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 6.

Một năm làm Ngoại trường, ngoài choáng ngợp vì thấy mình nhỏ bé giữa phi trường mênh mông, lớn nhất cả nước, với những "con chim sắt" to bự xếp chằng chịt, chị Vân còn choáng váng - theo đúng nghĩa đen - vì nắng. Có những ngày trời nắng như đổ lửa, đứng giữa sân đỗ, hơi nóng từ mặt xi măng, từ động cơ, phanh lốp mới hoạt động xong quyện cùng dầu phả vào mặt nóng bừng bừng.

"Quãng thời gian làm Ngoại trường, da mặt tôi vừa đen vừa rát, tóc thì cháy, nhiều người khác nhìn thấy tôi làm việc cả giờ ngoài sân đỗ như vậy thì hỏi sao chọn nghề vất vả vậy em? Ra đây mà làm gì cho khổ thế? Lúc nghe thì đang cuốn theo công việc hối hả, nên không nghĩ gì, nhưng nhiều lúc về nhà mệt quá, cũng có lúc nản lòng lắm, tủi thân, có lúc tự trách bản thân sao lại đâm đầu vô nghề này làm gì chứ?", chị nhớ lại.

Nhưng bù lại, khi tiễn một chiếc máy bay vào khai thác, chạy đà rồi vút bay trên bầu trời, chị lại thấy lâng lâng ở trong người, vui vẻ, sảng khoái, thấy những đóng góp nhỏ nhoi của mình có ý nghĩa. Đó là lúc chị hiểu con đường mình lựa chọn mang lại những điều hạnh phúc thật đơn giản.

Là phụ nữ, làm việc trong điều kiện thời thời tiết khắc nghiệt, chị Vân tự động viên mình phải vượt qua, phần việc nào cũng phải biết làm để nâng cao kiến thức. Nhưng sau sinh, cảm nhận rõ cơ thể xuống sức, chị xin chuyển vào Nội trường. Vừa phụ việc người có kinh nghiệm, vừa đọc tài liệu, chị đặt mục tiêu cho chính mình để nỗ lực.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 8.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, chị thẳng thắn cho rằng, thời gian mọi người nghỉ lễ tết thì chính là mùa cao điểm của công việc. Do đó, chị cân đối thời gian giữa việc nhà – việc công ty, lễ tết, làm đêm là vì chồng con thông cảm, đồng nghiệp hỗ trợ chia sẻ công việc.

Khác với ngoài Ngoại trường, trong Nội trường công việc của các kỹ sư là bảo dưỡng máy bay định kỳ theo thời gian, có thể là 6 tháng, 12 tháng hay 6 năm, 12 năm… Thời gian càng dài, các kỹ sư sẽ càng tốn nhiều thời gian để kiểm tra. Do vậy, có những máy bay phải mất tới 2 tháng mới hoàn thành bảo dưỡng.

"Nơi đây như một bệnh viện và máy bay giống như một bệnh nhân vậy. Khi một bệnh nhân vào thì sẽ được khám tổng quát, sau đó khám chuyên khoa thì ở đây mình sẽ kiểm tra tổng quan bên ngoài máy bay, rồi kiểm tra từng bộ phận. Mình cảm nhận sự bình thường của máy bay bằng màu sắc, nhận diện bằng âm thanh, tiêu chuẩn,… biết bình thường rồi thì nếu kiểm tra có bất thường sẽ nhận diện được ngay", nữ kỹ sư chia sẻ.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 10.

Còn 30 phút là kết thúc ngày, từ hangar nhìn ra đường hạ cánh bóng tối bao trùm đen kịt. Mưa vẫn rơi rả rích. Những chiếc thang màu vàng và các bộ giàn giáo dựng khắp nơi. Hai chiếc máy bay màu xanh da trời đậu trong hangar bảo dưỡng, các kỹ sư nhận thông báo có 1 đêm để làm tàu.

Tiếp nhận tàu bay, chị Vân kiểm tra hồ sơ, lịch sử sửa chữa để xem tình trạng máy bay, có phát sinh gì chưa giải quyết hay không, hỏng hóc nào đang tồn tại. 20 phút sau, chị cầm đèn pin đi vòng quanh tàu bay kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết một. Tiếng động cơ máy vẫn rào rào ở bên tai.

Khác hẳn với chất giọng nhẹ nhàng của người con gái gốc Huế khi nói chuyện với chúng tôi, bước vào công việc, chị trở thành một con người khác - "men" hơn, nghiêm khắc hơn. Nhíu đôi chân mày, chị tập trung cao độ nhìn theo ánh sáng của đèn pin lia chậm trên thân máy bay, kỹ vào từng con ốc một…

Sau 20 phút kiểm tra ngoại quan, chị cúi thấp người xuống dưới động cơ, tiếp tục hướng dẫn phần việc của những anh thợ máy, rồi lên buồng lái kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết… Xuyên đêm, chị vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn trong chiếc áo đồng phục phối cùng quần jean và đôi giày thể thao…

Lần thứ hai chúng tôi quay lại hangar là một buổi chiều trời nắng oi ả. Đứng trong hangar có mái che, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ sức nóng hầm hập đang bốc lên từ lớp xi măng ở sân đỗ.

Chị nói: "Nhìn nắng vậy mà trước đây cả năm trời tôi làm Ngoại trường, tôi cũng không biết sao lúc đó có thể làm được như vậy. Nghề này tôi không cần phải lựa trang phục vì có áo đồng phục rồi. Tôi mặc quần jean để dễ làm việc. Khi nào không phải làm máy bay tôi mới tranh thủ điệu đà, mặc váy, phá cách một chút xíu".

Nghề sửa máy bay này phải học liên tục để cập nhật thay đổi về mặt kỹ thuật, quy trình sửa chữa với từng dòng, áp dụng phù hợp quy trình của Cục Hàng không, nội bộ công ty thì mới qua được các kỳ thi. "Điều thú vị nhất khi làm về máy bay là lúc nào cũng có cái để học thêm vì sẽ có phát sinh cái này cái nọ. Từ đó mình để mình học giải quyết. Lúc được đi trên máy bay do chính mình từng bảo dưỡng rất xúc động và tự hào", nữ kỹ sư tâm sự.

Lại rảo vòng quanh máy bay soi từng chi tiết, thỉnh thoảng gõ nhẹ để lắng nghe âm thanh rồi lại cau mày ghi chép, trao đổi cùng đồng nghiệp. Sập tối, kết thúc ca làm việc, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, đôi tay vẫn còn lem nhem nhớt đen nhưng lúc này chúng tôi mới thấy nữ kỹ sư nở một nụ cười.

Nữ kỹ sư sửa máy bay giữa phi trường: Thay lốp máy bay dễ hơn thay lốp xe máy - Ảnh 15.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.