>> NGỮ YÊN (thực hiện)

Gánh gánh gồng gồng - tự truyện bằng tiếng Việt của bà vừa ra mắt tháng 9 này. Trước đó, bà cũng đã có tự truyện Áo dài bằng tiếng Pháp và được chuyển ngữ tiếng Anh, tiếng Ba Lan… Vậy tự truyện tiếng Việt này có gì mà những bản sách kia không có?

Năm 2001, trước sự thôi thúc của bạn bè thế giới, tôi bắt đầu viết hồi ký. Thoạt tiên tôi ngần ngừ lắm. Đời mình so với hàng triệu người phụ nữ khác thì đâu có gì. Nhưng bạn bè thúc giục tôi, khuyến khích tôi, thậm chí chưa viết gì họ đã gửi nhuận bút qua trước, thì vì cảm động với tình cảm của những người đó nên tôi bắt đầu viết cuốn sách ấy. Phải nói khi tôi viết, đối tượng tôi nhìn là những người nước ngoài nhiều hơn. Muốn họ hiểu người đàn bà VN sống đầu thế kỷ 20 trải qua cái gì. Những gì đất nước trải qua thì tôi đều là nhân chứng vậy. Cho nên khi viết quyển đó, đầu óc tôi nghĩ đến việc giới thiệu VN với người nước ngoài.

Cho đến 19 năm sau, bạn bè trong nước, nhất là những cháu đi cùng tôi sang Paris, Thụy Điển, Phần Lan triển lãm thúc giục tôi viết. Các cháu nói trời ơi đời cô thế, sao cô không viết. Tôi cũng tuổi cao và bận việc quá, nhưng cuối cùng tôi phải viết. Bởi chính khi gặp mẹ tôi ở sân bay Charles de Gaulle (Pháp) sau 40 năm không gặp mặt, trong một bữa ăn cơm, mẹ chống tay nhìn tôi và nước mắt lưng tròng hỏi rằng: “Con ơi, con theo người ta (theo kháng chiến - NV) làm chi, để mà để đất nước, gia đình mình ly tán như thế này?”. Gia đình tôi có 5 anh em thì tất cả đều đi sang Mỹ. Chỉ mình tôi trốn ở lại từ đầu. Và khi mẹ tôi nói như thế, tôi thấy đã đến lúc phải viết lại hồi ký đời mình cho những người thân yêu xung quanh mình, nhất là cho những cháu trẻ, những người chưa biết chiến tranh là gì.

Với ý nghĩ đó, tôi viết lại. Đối tượng lần này là những người trong nước, nhất là những bạn bè thân thiết từng trải qua với tôi. Nếu thấy có những khác biệt giữa Áo dài tiếng Pháp, Áo dài tiếng Anh và Áo dài tiếng Việt, và Gánh gánh gồng gồng là do có những đối tượng khác nhau. Tôi viết Áo dài bằng tiếng Pháp, rồi dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Hai hồi ký tiếng Anh thì người ta không lấy tên là Áo dài mà lấy tên là Áo dài từ trường tu viện những loài chim đến chiến khu Việt Minh, một bản khác tên là Chiến tranh của chúng tôi đất nước của chúng tôi con người của chúng tôi. Còn cuốn tiếng Ba Lan lại có tên là Từ con một ông đốc học…

Như vậy Gánh gánh gồng gồng có phải là câu chuyện hàn gắn không, thưa bà?

Viết cho bố mẹ tôi, cho các em tôi cũng là một ý nghĩa hàn gắn. Các em tôi ra nước ngoài từ 1974, 1975 theo danh sách những người tị nạn rồi. Hơn nữa, bạn bè tôi ở phía bên kia nhiều lắm. Bạn học, bạn văn, bạn đồng nghiệp, bạn quay phim… Khi viết, nói về vui buồn lẫn lộn của một đời người trải qua chiến tranh, tôi cũng muốn rằng bạn tôi ở phương trời xa đọc và hiểu cho là nỗi đau khổ không phải của riêng ai, mà niềm hạnh phúc không dành cho một nơi nào. Nếu hiểu được ý nghĩa đó thì tôi nghĩ tôi đã thành công trong việc viết hồi ký này.

Bản sách này có thể mua được ở Hà Nội, ở bất cứ nơi đâu tại VN. Còn những bạn của bà ở nước ngoài có thể mua ở đâu?

Có thể tôi sẽ gặp những nhà phát hành. Những cuốn sách trước của tôi toàn bán trên Amazon. Năm tôi viết Áo dài tiếng Pháp, rồi dịch ra tiếng Anh, tôi được mời sang Mỹ, sang nhiều bang, nói chuyện ở các trường đại học về cuốn sách này. Có một NXB của người Việt ở đó gặp tôi và nói, xin phép bà dịch sang tiếng Việt vì muốn những người VN ở đó đọc được cuốn sách này; tiền nhuận bút bà muốn bao nhiêu chúng tôi đưa bấy nhiêu. Tôi mới nói nếu tôi muốn viết cái này bằng tiếng Việt, lẽ nào tôi lại dịch cuốn sách làm gì. Nếu tôi muốn viết, tôi sẽ viết bằng tiếng Việt.

Cuộc đời kháng chiến vất vả, có lúc ngoài sức tưởng tượng của bà. Bà hẳn đã có nhiều cơ hội để không tiếp tục theo kháng chiến nữa, có cơ hội để ra nước ngoài theo gia đình. Điều gì giữ bà ở lại, dù trải qua rất nhiều khó khăn thiếu thốn?

Câu hỏi này phải nói thật chính công an cũng hỏi tôi nhiều. Trong thời kỳ kháng chiến, anh Giám đốc Sở Công an Trung bộ cũng hỏi tại sao không về nhà? Tôi có người bạn con quan đi kháng chiến, có lần bạn đàn cho tôi nghe, hát cả đêm. Lúc tôi thiếp đi, sáng dậy không thấy bạn mình đâu. Chỉ còn mảnh giấy trên tay bảo “Phượng ơi, Phượng ở lại gắng chịu phong ba bão táp, mình đi đây”. Bạn ấy vào Huế. Sau đó bạn ấy trở thành nhà văn nổi tiếng ở Mỹ.

Nhưng tại sao tôi vẫn thấy con đường mình đi là con đường đáng đi? Năm 2011, tôi được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Khi Bộ Ngoại giao trao huân chương, tôi nói cảm ơn nước Pháp bao dung đã tặng tôi một huân chương cao quý nhất của Pháp, cho con người 16 tuổi đã đi chống Pháp và theo con đường ấy đến cùng. Thì đại sứ nói rằng, những việc tôi làm là công việc của lịch sử, và nếu họ gặp hoàn cảnh bị xâm lược tương tự, họ cũng sẽ làm việc như tôi đã làm. Tôi muốn lấy câu này mà giải thích tại sao bao nhiêu khó khăn, cùng cực vất vả, đau đớn, nhục nhã có hết mà tôi vẫn ở lại.

Khi bà mở phòng tranh, không chỉ là giới thiệu văn hóa VN ra nước ngoài, mà còn có câu chuyện xây dựng thị trường. Bà đã làm thế nào để kết hợp 2 điều đó với nhau?

Tôi luôn đặt cho mình kỷ luật là không được làm lặp đi lặp lại. Tôi đặt mục tiêu chọn những họa sĩ chưa từng đặt chân ra nước ngoài, tác phẩm chưa từng được giới thiệu ở nước ngoài, trong nước cũng chưa hề nổi tiếng. Tôi tự hào sau này họ đều thành công. Chẳng hạn, Đinh Quân; 3 người gia đình họ Lê ở Huế là Lê Võ Tuân, Lê Võ Tuyển, Lê Anh Cẩn. Mình giới thiệu VN một cách khéo léo và với họ, điều đó hơn cả có một gia tài. Có lần triển lãm ảnh Hoàng Thế Nhiệm ở Mỹ, họ rất ngạc nhiên và bảo quả thật VN có những tài năng…

Bà đã hình thành gu thẩm mỹ của mình như thế nào?

Tôi có may mắn, sau khi sinh ở Huế thì được lên Đà Lạt. Thời gian học ở trường tu viện, có nhà nguyện trong nhà thờ nhỏ cho học sinh trong trường. Cửa sổ mở ra là cả rừng mai và nữ tu sĩ đánh đàn piano bản thánh ca lúc 5 giờ chiều. Hoa huệ trắng ở Đà Lạt cũng có mùi tinh khiết.

Nhưng hẳn là bà cũng chịu ảnh hưởng của những người mình gặp khi đi kháng chiến sau này.

Tôi may mắn gặp được ông thầy điện ảnh Joris Ivens. Suốt đời ông làm phim, những nơi nào có chiến tranh, có bất công, là ông ấy đến. Ông cùng Ernest Hemingway làm phim Đất Tây Ban Nha. Ông làm phim tài liệu về VN, tôi đi theo dịch và thấy một thế giới mới. Đó là thế giới của con người đã hy sinh tất cả để theo lý tưởng chống bất công của xã hội.

Sau 2 tháng ở địa đạo cùng vợ chồng ông để làm phim Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân, ông nói với tôi rằng, người làm bác sĩ rất nhiều, trong chiến tranh cần người làm phim về tội ác mà các bạn có nhiệm vụ tố cáo với thế giới. Ông đề nghị tôi nên đáp ứng yêu cầu đó vì tôi có năng khiếu. Rồi tôi thành phóng viên chiến trường.

Tôi cũng học được nhiều người. Học được tạo hình, bố trí ánh sáng nhờ anh Bùi Đình Hạc. Rồi âm nhạc có người bạn quý thân nhạc sĩ Hoàng Vân giúp. Khi tôi làm phim về các em trường khiếm thị tại TP.HCM, khi xem, anh Vân cầm cây đàn guitar. Xem lần một, xem lần hai, anh Vân xem rồi bấm nốt nhạc ngay. Anh rung cảm theo phim. Ngày thứ 3, anh viết lời cho bài hát. Với các em khiếm thị, cây là bóng mát, chứ không thấy cái cây. Tiếng hát cho tình thương, chứ không nhìn thấy người hát. Rồi đó là trường ca của trường khiếm thị. Tôi thấy càng muốn gắng để phim hay hơn. Hay khi làm phim để xin UNICEF tiền cung cấp nước, thì anh ấy cũng viết bài Tình ca Tây Nguyên. Hay có phim, anh Chế Lan Viên viết lời bình cho tôi.

Sau cuốn Gánh gánh gồng gồng, bà còn muốn viết nữa không?

Tôi đang có dự định viết cuốn kể về gần 30 chuyến đi ra nước ngoài với các nghệ sĩ, họa sĩ chưa hề bước chân ra khỏi nước. Cảm giác của chúng tôi thế nào, cảm tưởng của khán giả thế nào. Có những triển lãm, người xem được thức tỉnh về một VN khác. Khi tới Bỉ, có người khách Việt kiều nói khi xem ảnh cây cầu ở Hội An, ảnh dòng sông Nho Quế, tôi nghĩ VN quả thật là quê hương tôi và tôi sẽ trở về. Đó là câu chuyện vượt qua chuyện đẹp xấu mà lay động lương tri.

Báo Thanh Niên
27.09.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.