Mẹ già nuôi ba con tâm thần, ung thư trong khốn cùng!

21/12/2019 10:12 GMT+7

Đó là hoàn cảnh của gia đình bà Võ Thị Kim Khuyến (53 tuổi, ở TT.Đăk Rve, H.Kon Rẫy, Kon Tum).

Chúng tôi ghé thăm nhà bà Khuyến vào một ngày cuối năm. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài một bộ bàn ghế đã mục nát. Bà Khuyến dáng liêu xiêu, gầy đét, ôm rổ rau từ ngoài vườn bước vào chào khách.
Bà kể quê ở H.Bố Trạch, Quảng Bình, từ nhỏ bà đã mồ côi cha mẹ, nhờ cơm gạo của xóm làng mà lớn lên. Năm 1988 bà theo lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) vào H.Kon Rẫy trồng rừng. Lúc bấy giờ, nhiều cánh rừng ở Kon Tum không thể mọc nổi do tác động của chất dioxin do quân đội Mỹ rải xuống từ thời chiến tranh.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ bà Võ Thị Kim Khuyến; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình bà Khuyến trong thời gian sớm nhất.
Đến năm 1990, bà Khuyến lập gia đình, rồi lần lượt 3 người con cũng được sinh ra: Phạm Thị Huyền (sinh năm 1992), Phạm Thị Hồng (2001) và Phạm Văn Hiếu (2003). Biến cố đầu tiên trong cuộc đời bà Khuyến bắt đầu khi cậu con trai út vừa được hơn 5 tháng tuổi, người chồng không chịu nổi khó khăn, nghèo túng đã rời bỏ 4 mẹ con bà đi biệt tích.
Từ đó, bà Khuyến vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi 3 con khôn lớn. Đến năm 2008, Hiếu phát bệnh tâm thần. Ban đầu em cứ ngẩn ngơ và hay lảm nhảm một mình. Có những hôm Hiếu còn lượm rác, lá cây để ăn. Dần dà bệnh càng trở nặng và mỗi khi lên cơn, Hiếu đập phá đồ đạc. Khi trong nhà không còn gì để phá, Hiếu sang nhà hàng xóm phá phách rồi đánh người.
Năm 2012, bà Khuyến gặp tai nạn khi can con trai đánh hàng xóm. Hậu quả bà bị gãy xương chậu, xương vai và xương đùi, không còn khả năng lao động. Cũng từ đây, chính quyền địa phương bắt buộc gia đình đưa Hiếu đi chữa trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.
Rồi trong nhà chỉ còn lại bà và 2 người con gái nương tựa nhau mà sống. Thế nhưng bi kịch lại tiếp tục xảy ra. 4 năm trước, Hồng cũng đổ bệnh tâm thần. Ban đầu Hồng chỉ nói chuyện một mình. Sau đó bệnh nặng hơn, Hồng bắt đầu bị hoang tưởng, sợ người khác làm hại. Có những hôm Hồng đòi giết mẹ và chị gái, bóp cổ cả bác sĩ chữa trị cho mình.
Thêm một lần đau, bà Khuyến gạt nước mắt đưa con gái đi khắp các bệnh viện chữa trị. Thế nhưng bệnh tình của Hồng không hề thuyên giảm. Do không còn tiền đưa con vào trại tâm thần nên bà Khuyến đành để Hồng ở nhà chờ… tự khỏi. Thế nhưng nỗi bất hạnh, đớn đau vẫn chưa dừng lại ở đó, 2 năm trước, Huyền liên tục bị đau rát họng, sốt liên miên ngày này qua ngày khác. Sau khi đi khám ở bệnh viện ung bướu, Huyền chết điếng khi phát hiện mình bị ung thư giai đoạn 3.
Để giữ lại mạng sống cho con gái, bà Khuyến bán luôn số đất ít ỏi của gia đình để đưa con gái đi chữa trị. Nhưng số tiền ít ỏi ấy chẳng thấm vào đâu so với căn bệnh quái ác. Thế rồi bà Khuyến tìm cách vay tiền hàng xóm láng giềng, anh em bạn bè để lo cho con gái. Đến nay số nợ đã tăng lên đến gần 300 triệu đồng.
“Con bé lớn lại sắp đến đợt tái khám nhưng tôi chẳng biết xoay đâu ra tiền cả. Mỗi ngày tôi hái rau trong vườn nhà đem bán cũng chỉ kiếm được đôi ba chục ngàn đủ cho ba mẹ con mua thức ăn. Tôi chẳng biết sao trời lại đày đọa gia đình tôi đến mức này”, bà Khuyến đau đớn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.