Nụ cười trong tim

30/12/2021 07:34 GMT+7

Khi nhìn vào những đôi mắt ngơ ngác của hàng ngàn em thơ vừa đột ngột mất mẹ, cha trong những ngày tháng tàn khốc vừa qua, không ai có thể kìm được nỗi nghẹn ngào.

Cái khẩu trang có tác dụng gì?

Tất nhiên nó là vật bất ly thân, là trụ cột của 5K, là cái đầu tiên phải nhớ đến khi ra ngoài đường thay vì giấy tờ tùy thân hay điện thoại thông minh, trong suốt 2 năm trở lại đây.

Trong bài viết mới nhất đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Göttingen (Đức) và Cornell (Mỹ) khẳng định đeo khẩu trang có thể giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tới 225 lần, so với việc chỉ giữ khoảng cách 3 m.

Tuy nhiên, khẩu trang vẫn còn có một công dụng khác mà chúng tôi vừa phát hiện ra trong những ngày đau thương nhất của đại dịch tại các tỉnh thành phía nam. Đó là phương tiện hữu hiệu để che giấu cảm xúc của mình.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trang - một bạn đọc thân thiết, đã nhanh chóng nhận bảo trợ cho 10 học sinh tiểu học mất cha, mẹ vì đại dịch Covid-19

Đào Ngọc Thạch

“Ngày 8 tháng 11 âm lịch năm 1978, chú đang học lớp 5, hôm đó đi học về thì nghe mọi người nói ba chú đã mất. Rất đau buồn. Nhưng đau buồn hơn nữa là chỉ hơn một năm sau, ngày 11 tháng 3 âm lịch năm 1980, mẹ chú qua đời. Đột ngột qua đời sau một trận dịch tả trên toàn quốc… Vậy là mới 12 tuổi, học lớp 6 chú đã mất cả cha lẫn mẹ”, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, mở đầu bài phát biểu tại Lễ ký kết bảo trợ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời chiều 9.11.2021. Trên bục phát biểu là người đã mồ côi hơn 40 năm trước.

Trong khán phòng là những đứa bé mồ côi chỉ mới mấy tháng qua. Tất cả đều rơi nước mắt.

Các đồng nghiệp Ban Thanh niên - Giáo dục đã có bài viết đầy cảm xúc Một chương trình mà ai cũng khóc... trong một buổi trao thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong dòng chảy đó, hầu như mọi cán bộ, phóng viên Thanh Niên đều phải giấu nước mắt sau lớp khẩu trang khi tham gia vào những công việc tương tự, nhất là khi tìm đến các căn phòng trọ thăm các em, thắp nén nhang cho người cha, người mẹ đã vĩnh viễn rời xa.

Ông Nguyễn Văn Tâm, một người dân ngụ tại P.Thới An, Q.12, TP.HCM nhận bảo trợ cho 11 em nhỏ mồ côi

Ngọc Dương

Những người làm báo từng bao nhiêu lần chứng kiến các tai nạn thảm khốc, những cái chết thương tâm, những hoàn cảnh ngặt nghèo, những số phận bi thảm. Bao nhiêu lần phải nén nỗi bi thương để hoàn thành nhiệm vụ, tưởng như những con người dày dạn từng trải ấy đã đủ sự cứng cỏi để kiểm soát cảm xúc của mình. Tuy nhiên, khi nhìn vào những đôi mắt ngơ ngác của hàng ngàn em thơ vừa đột ngột mất mẹ, cha trong những ngày tháng tàn khốc vừa qua, không ai có thể kìm được nỗi nghẹn ngào.

Nhưng cứ ngồi mà đau lòng như thế thì giúp gì được cho các em bé mồ côi, như nhà báo Trần Thanh Bình (Ban Công tác bạn đọc) đã trải lòng trong một bài viết: “Tôi buông điện thoại, ngồi thừ ra hình dung tình cảnh của Tú, của bao gia đình rơi vào tình huống bi đát. Cứ nghĩ, sự khó khăn khốn đốn trước mắt của những người cha, người mẹ ấy đã khiến cho nỗi quặn lòng với người đã ra đi đành phải nén lại, để còn đối diện trước mắt cái ăn cái mặc và nuôi nấng đùm bọc mấy đứa con thơ”.

Lòng trắc ẩn và nỗi day dứt đó đã biến thành hành động cụ thể. “Với sự đùm bọc của láng giềng, của anh chị em, bạn bè cô chú… chú đã vượt qua nỗi đau mất cha mẹ. Từ mảnh đất nghèo của miền Trung, chú đã nỗ lực học xong trung học cơ sở, vào trung học, tốt nghiệp 2 trường đại học rồi về làm việc cho Báo Thanh Niên hơn 30 năm qua. Và từ ngôi nhà Thanh Niên này, cô chú đã đồng hành với nhau để có thể giúp lại cho các mảnh đời bất hạnh giống mình ngày xưa”, những lời chia sẻ của Tổng biên tập Báo Thanh Niên cũng chính là mệnh lệnh từ trái tim, biến thành Lời kêu gọi và nhận được sự hưởng ứng chưa từng thấy của những con người nhân ái trên khắp mọi miền đất nước.

Tính đến hôm nay, đã có 130 em bé mồ côi được các nhà hảo tâm nhận bảo trợ ăn, học cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, 1.100 em đã được hỗ trợ khẩn cấp và những con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Các em đã mất đi tổ ấm của mình, nhưng một ngôi nhà chung đang được xây dựng bằng những viên gạch của tình thương. Các em vẫn còn đó cuộc đời phía trước, cần phải tiếp tục học hành và lớn lên thành người hữu dụng nhờ sự chung sức của cộng đồng. Không ai xóa được nỗi đau mất mẹ cha của các em, nhưng làm vơi bớt thì hoàn toàn có thể. Cũng như, những người làm báo không thể ngăn được dòng nước mắt cứ tùy tiện thấm ướt lớp khẩu trang, nhưng một đốm lửa ấm áp từ nghĩa đồng bào đã được nhen nhóm trong trái tim. Như lời một bài hát của cố nhạc sĩ Thanh Tùng về nỗi đau và niềm hy vọng: “Khi ta đã có nụ cười ở trong tim. Giọt sương trên mí mắt là mặt trời, mặt trời dịu êm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.