Nữ công nhân môi trường Cần Thơ xin làm thêm 8 tiếng/ngày để lo cho chồng con mùa dịch Covid-19

21/08/2021 09:52 GMT+7

Ngoài 8 tiếng làm việc cố định, chị Võ Ngọc Lan (37 tuổi, nữ công nhân môi trường Công ty CP Đô thị Cần Thơ) xin làm thêm 8 tiếng nữa để có thêm chi phí nuôi con thơ, lo cho chồng bệnh tật.

Cần Thơ giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, nhiều góc phố ở Q.Ninh Kiều vắng lặng không một bóng người. Hai bên đường Nguyễn Trãi, các dãy nhà đóng cửa im lìm. Xé toạc màn đêm tĩnh mịch là tiếng chổi tre xào xạc. Lâu lâu bánh xe thùng rác lăn đều lộc cộc. Hai mẹ con chị Lan đang dọn vệ sinh, "làm đẹp" cho khu phố.

Chị Lan không ngại lấy rác trong khu phong tỏa, nơi cách ly để kiếm thêm tiền

ẢNH: THANH DUY

Trụ cột của gia đình 6 nhân khẩu

Chị Võ Ngọc Lan (37 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Hậu Giang) là công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Đô thị Cần Thơ. Chị là trụ cột của gia đình có 4 đứa con nhỏ và người chồng mắc bệnh hiểm nghèo. Con lớn nhất được 16 tuổi, nhỏ nhất mới 6 tuổi.

Chị Lan là trụ cột trong gia đình có 6 nhân khẩu

ẢNH: THANH DUY

Trước đây, chị làm công việc dọn vệ sinh một mình nhưng hơn tháng nay, tranh thủ lúc nghỉ hè, con trai chị là Võ Quang Thịnh (14 tuổi) cùng đi phụ mẹ. 3 người con còn lại ở với cha là Trần Văn Nhật (46 tuổi) đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Lúc trước, vợ chồng chị nghèo nhưng chăm chỉ làm lụng nên đủ ăn đủ mặc. Từ khi anh Nhật phát bệnh, 3 năm nay, gánh nặng đổ dồn lên vai chị Lan. Một mình chị phải nuôi 6 miệng ăn.

Chị Lan xin tăng ca làm việc trong khi nhiều đồng nghiệp đã nghỉ để phòng dịch Covid-19

ẢNH: THANH DUY

“Anh Nhật bị khối u não. Lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ nói cần khoảng 50 triệu đồng là thực hiện được ca mổ. Nhưng nhà nghèo quá đâu cách nào xoay xở nổi số tiền đó, vợ chồng lủi thủi đi về. Từ đó tới giờ chỉ mua thuốc uống qua ngày. Lây lất, bệnh tình trở nặng, nay biến chứng thêm xuất huyết não, rồi tim, men gan cao”, chị Lan rưng rưng.

Tranh thủ lúc nghỉ hè, người con 14 tuổi của chị Lan chia bớt một phần vất vả với mẹ

ẢNH: THANH DUY

Theo chia sẻ của chị Lan, tình trạng của anh Nhật rất yếu. Nhưng từ ngày TP.Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19, chị chưa thể về nhà ngày nào để chăm sóc người thân. Trong khi đó, tiền thuốc thang của chồng tính mỗi ngày mấy trăm nghìn đồng, còn các con chuẩn bị vào năm học mới.

Chị Lan xúc động khi kể về hoàn cảnh gia đình

ẢNH: THANH DUY

“Tiền lương trung bình 4,2 triệu đồng/tháng, tôi gửi về nhà 2,5 triệu. Tiền trọ 1,5 triệu đồng/tháng nhưng mùa dịch Covid-19 chủ nhà chỉ lấy 1,2 triệu. Mấy bữa trước tôi gọi về hỏi ảnh muốn ăn gì tôi mua gửi về. Ảnh nói ăn uống gì cũng không vô hết, kêu tôi để tiền đó dành dụm mua tập vở cho mấy đứa nhỏ”, chị Lan bùi ngùi. Nói đến đó, tiếng chổi tre của chị Lan bỗng dừng lại. Rơi vào màn đêm buồn là tiếng khóc sụt sùi...

Quét rác ngày, đêm giữa dịch Covid-19

Nghề quét rác để mưu sinh lấy đêm làm ngày vốn đã nhọc nhằn. Khổ cực càng chồng chất khi chị Lan làm việc cả ngày lẫn đêm. Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều công nhân vệ sinh môi trường xin thôi việc hoặc tạm nghỉ để phòng bệnh, còn chị Lan lại xin tăng ca để kiếm thêm tiền trang trải khó khăn của gia đình.

Công việc làm thêm 8 tiếng của chị Lan bắt đầu từ 12 giờ trưa

ẢNH: THANH DUY

Tính chất công việc là làm thêm nhưng thời gian cũng 8 tiếng, bắt đầu từ 12 giờ. Những ngày qua, buổi trưa nắng như đổ lửa, mẹ con chị lau vội giọt mồ hôi rồi thu dọn từng túi rác trên vỉa hè, trong khu cách ly, phong tỏa phòng dịch Covid-19 . Tối đến, họ lại tiếp tục đi làm ca 8 tiếng cố định, tiếng chổi tre dứt thì cũng đã 4 - 5 giờ sáng.

Mẹ con chị Lan tiếp tục làm việc theo ca cố định vào buổi tối giữa dịch Covid-19

ẢNH: THANH DUY

“Thịnh nó ốm yếu vậy chứ giành phần làm với tôi hoài à. Thấy tôi cơ cực, nó đòi nghỉ học đi làm tiếp tôi nuôi cha với chị em nó. Nhưng tôi đâu có cho, giá nào cũng tìm cách để con được đến trường, có thể tôi nhịn ăn, nhịn mặc nhiều hơn. Một đời tôi đã khổ cực, phải cố gắng lo cho con có chữ nghĩa để đỡ tấm thân nó sau này”, chị Lan bùi ngùi.

Chị Lan luôn cố gắng cho các con được đến trường để có tương lai tốt hơn

ẢNH: THANH DUY

Những ngày đi làm mẹ con chị cũng gặp nhiều tấm lòng tốt. Người cho hộp cơm, chai nước; người cho túi rau, thịt cá. Ai cho gì mẹ con chị ăn đó và ăn ít hơn để tiết kiệm tiền gửi về quê.

Người phụ nữ trụ cột của gia đình 6 nhân khẩu rong ruổi mưu sinh trên những con đường vắng

ẢNH:THANH DUY

Những ngày dịch Covid-19 phức tạp, tiếng chổi tre của chị Lan dường như nặng trĩu hơn. “Điều tôi lo sợ nhất là nhiễm bệnh. Sức khỏe không đủ thì ai lo liệu cho gia đình trong thời điểm này vì chồng mất sức lao động, các con thì còn quá nhỏ. Mong dịch Covid-19 qua nhanh, cuộc sống trở lại bình thường để yên tâm làm việc”, chị Lan trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.