Nữ biệt động thành giàu lòng nhân ái

30/09/2021 07:00 GMT+7

Người nữ biệt động thành gan dạ năm xưa nay sống một mình trong căn nhà ở đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM.

Nhưng chưa khi nào bà cô đơn bởi xung quanh luôn có tiếng nói, tiếng cười của những cô, cậu sinh viên được bà dang tay chở che khi lên thành phố học tập. Thời gian rảnh, bà lại bắt xe ôm đi thăm đồng đội để chia sớt cuộc sống khó khăn với họ. Bà là Phan Thị Bé - cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM.

Hai lần rơi vào tay địch

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Q.Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc Q.9, TP.HCM), từ thuở ấu thơ, Phan Thị Bé đã biết gia đình là cơ sở bí mật liên lạc của biệt động Sài Gòn. Càng chứng kiến cảnh quân địch bắt bớ, đánh đập người dân, Phan Thị Bé càng có khao khát lớn lên sẽ tham gia đánh đuổi giặc thù. Năm 1964, Phan Thị Bé (17 tuổi) bí mật liên lạc với tổ chức biệt động Sài Gòn và tham gia hoạt động. Một năm sau thì Bé thoát ly đi bộ đội, tham gia công tác biệt động nội thành. Từ một nữ biệt động, rồi tổ trưởng tổ biệt động, Bé cùng đồng đội bí mật vận chuyển vũ khí để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968.
Những ngày tháng ấy, Bé thường một mình “áp tải” một “bao gạo” cùng với các loại rau, củ, quả giả làm dân buôn theo xe lam đi từ vùng ven vào nội thành. Trong bao gạo ấy, cô biết, là hàng ký thuốc nổ TNT phục vụ cho những trận đánh của biệt động thành. Những ngày cuối đợt 1 của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, Bé rơi vào tay giặc. Chúng tra tấn dã man nhưng cô nhất quyết không khai, chỉ nhận mình là người đi buôn chuyến. Không có cơ sở để kết tội, chúng thả cô về nhưng bí mật theo dõi.
Biết Phan Thị Bé đã bị lộ, tổ chức bố trí đưa cô về căn cứ, rồi cho đi đào tạo ngành y. Sau đó, cô được điều về đội phẫu thuật tiền phương, đến tháng 11.1968 thì được điều về Phòng Chính trị ở Chiến khu D. Cô tiếp tục công tác biệt động đến tháng 11.1969 thì lọt vào ổ phục kích của địch. Bị giặc bắt lần thứ hai, chúng tra tấn dã man hơn nhưng vẫn không khai thác được gì từ Phan Thị Bé. Không thể khai thác được gì từ cô, chúng đưa cô đi biệt giam ở trại giam nữ tù binh Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định).
4 năm sau, Phan Thị Bé mới được trả tự do trong đợt trao trả tù binh ngày 15.2.1973. Cô về Đội 1 biệt động thành tiếp tục hoạt động đến ngày giải phóng miền Nam.

Bà Phan Thị Bé (bìa phải) trong lần cùng đồng đội ra thăm lăng Bác vào năm 2005

Ảnh: TGCC

Trái tim nhân ái

Sau chiến tranh, bà Phan Thị Bé về công tác ở Bộ Tư lệnh TP.HCM. Phấn đấu hết mình trong công tác, mãi đến năm 39 tuổi, bà mới kết hôn với người đồng đội từng gắn bó trong những năm tháng hoạt động biệt động thành. Lúc này, bà mới đau đớn phát hiện ra mình không còn khả năng làm mẹ khi ba lần mang thai đều không giữ được. Những năm tháng tham gia kháng chiến đã khiến cơ thể bà nhiễm chất độc da cam/dioxin lúc nào không hay. Suốt một thời gian dài trăn trở, bà đành nói lời chia tay với người bạn đời dẫu trong lòng vẫn tràn đầy tình thương yêu.
Không bi quan, với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, bà nguyện với lòng sẽ làm công tác xã hội - từ thiện giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2005, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM được thành lập, bà đã tình nguyện về công tác ở hội. Bà kể: “Tôi không rơi nước mắt trước mặt kẻ thù nhưng đã khóc rất nhiều khi tiếp xúc với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…”.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM, luôn dành cho bà những lời khen ngợi: “Chị Phan Thị Bé là cán bộ hội rất năng nổ, nhiệt tình. Bản thân cũng là nạn nhân của chất độc da cam nhưng chị không nề hà bất cứ việc gì, luôn tích cực trong công tác vận động, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Còn bà Đậu Thị Nga, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM, chia sẻ: “Gắn bó với chị Bé nhiều năm, chúng tôi luôn cảm phục tấm lòng của chị. Chưa khi nào tôi thấy chị âu sầu, mệt mỏi, mọi năng lượng tích cực chị đều dành cho công tác hội, cho những hoàn cảnh khó khăn”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhà khá rộng, bà Bé dành một phòng nhỏ để sinh hoạt, diện tích còn lại bà cho sinh viên nghèo các tỉnh lên thuê trọ để học với giá rẻ, những em có hoàn cảnh quá khó khăn thì bà cho ở miễn phí. Từ năm 1990 đến nay, nhà bà luôn có hàng chục sinh viên ở lại. Bà sắp xếp nơi ở cho sinh viên như người trong nhà, ban ngày các em đi học, buổi tối làm thêm, bà đợi cửa… “Mệt nhưng mà vui, các cháu ở nhà tôi khi ốm đau, lúc khó khăn, tôi đều thăm hỏi, động viên. Ngược lại, khi được nghỉ học về quê, trở lại thành phố, các cháu không quên mang cho tôi những món quà quê thân tình. Những cháu trưởng thành ra ở riêng lập nghiệp, lập gia đình không quên về hỏi ý kiến và mời tôi tham dự như người trong nhà”, bà Bé chia sẻ.
Sống một mình, nhiều khi cũng thấy buồn nhưng rồi bà nghĩ, thời tuổi trẻ đã vượt qua bao khó khăn thì nay cũng không thể "sống nhạt nhòa" được. Trừ những lúc ốm đau và thời gian đến Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM làm việc (hiện tại bà được hội bố trí làm bán thời gian), bà lập kế hoạch để đi thăm đồng đội, tìm đến những cựu nữ tù có hoàn cảnh khó khăn để giúp vốn, tạo điều kiện cho họ làm kinh tế gia đình. Thậm chí, con của đồng đội gặp khó khăn khi làm ăn, bà cũng tìm đến giúp đỡ. Có lần, bà tự mình ra Chợ Lớn mua gạo chở về biếu bà con. Người quen cự nự: "Bà có tuổi rồi, sao phải vất vả vậy?". Bà cười nhỏ nhẹ giải thích, bà làm thế vì tấm lòng của bà muốn gửi ở những gói gạo ngon mua ở thành phố về biếu họ. Với bà, niềm vui tuổi già chính là được giúp đỡ, tri ân đồng đội và những người đã "có ơn" với mình!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.