NSƯT Phượng Loan: Năn nỉ đàn em tiếp tục hát vì sợ cải lương mai một

03/12/2021 15:52 GMT+7

Hành trình mấy chục năm theo cải lương, trải qua những giai đoạn vàng son, thăng trầm của nghề hát và những trăn trở với bộ môn nghệ thuật này đều được NSƯT Phượng Loan chia sẻ trong chương trình Hạnh phúc ở đâu.

Nghệ sĩ Phượng Loan trăn trở, mong cải lương được bảo lưu, mãi trường tồn theo thời gian

chụp màn hình

NSƯT Phượng Loan tên thật là Đặng Thị Phương Loan. Sinh ra trong một gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng niềm đam mê với cải lương được nuôi lớn trong cô từ nhỏ. Với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm cùng lối diễn xuất mộc mạc, ở mỗi vai diễn nữ nghệ sĩ đều đầu tư chăm chút kỹ lưỡng nên có màu sắc riêng. Trong chặng đường sự nghiệp, nghệ sĩ Phượng Loan từng đạt huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, 1995, 2000, 2002; giải Diễn viên tài sắc năm 1995; huy chương Vì sự nghiệp văn hóa 2003; giải Mai Vàng năm 2007... Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn xiêm y lộng lẫy, những nhân vật đầy uy quyền, ma lực hay những nhân vật đầy số phận, người nghệ sĩ như Phượng Loan cũng có những nỗi niềm riêng.

Từng bị gia đình cấm cản vì cho rằng 'xướng ca vô loài'

Nghệ sĩ Phượng Loan cho biết bản thân vốn không phải con nhà nòi, đặc biệt gia đình cũng không thích cải lương. Ngay từ khi còn nhỏ, nữ nghệ sĩ đã rất đam mê với nghề và thường xuyên hát nghêu ngao. "Bà nội ở nhà không thích nhưng biết tôi ham như vậy nên đôi lúc cũng bỏ tiền mua tờ giấy có những bài ca như Bánh bông lan, Cô bán đèn hoa giấy... Tôi nhớ bà nội đi mua cho tôi nhưng mà cứ nói: "Không nha, không làm cái nghề ấy nha, xướng ca vô loài". Gia đình chỉ không cho đi chứ không đánh đập. Tôi biết để dành tiền đi mua vé coi hát, mà cái thời đó mê cô Thanh Nga lắm, lần nào có cô Thanh Nga về là đi coi. Khi nghe cô mất, đang đi học mà tôi thương cô tới mức ngồi khóc tức tưởi", nữ nghệ sĩ nhớ lại.

NSƯT Phượng Loan được biết đến với làn hơi rất khỏe, giọng ca ngọt ngào cùng lối diễn xuất mộc mạc đầy cảm xúc

chụp màn hình

Nghệ sĩ Phượng Loan chia sẻ năm cô lên 13 tuổi thì gần nhà mở một lò dạy hát, cô liền xin theo học nhưng gia đình không cho. Khi ấy, chủ nhiệm Hợp tác xã thấy nữ nghệ sĩ có năng khiếu nên đã tự bỏ tiền túi ra cho cô đi học. "Nhưng học cũng chỉ là học lén thôi, những lúc má đi bán thì tôi gửi em cho bà hàng xóm rồi đi qua học hai tiếng đồng hồ rồi về. Còn bữa nào mà em tôi chướng, không chịu ngủ thì tôi bế em qua lò hát luôn. Má biết tôi đi học hát chứ, nhưng muốn làm tôi nản nên bắt tôi phải bế em theo. Nhưng tôi đâu có sợ, cho em theo rồi mua bánh cho nó ăn để nó ngồi nghe mình hát. Nhờ vậy mà tôi học được", cô kể.

Tự thấy mình không có nhan sắc bằng những bạn đồng trang lứa, nghệ sĩ Phượng Loan chăm chỉ rèn luyện chất giọng cũng như nghiên cứu nhân vật mỗi khi xuất hiện trước khán giả. Theo Dạ Hương trong vở Loài hoa không tên, cô luôn tìm hiểu rất kỹ mỗi nhân vật, nhập vai cho thật để khán giả tin. "Cái gì tập không được là mình soi gương, khóc hay cười đều phải soi gương xem mình đẹp hay xấu. Ngay cả điệu cười, giọng nói tôi đều phải tập đi tập lại nhiều lần. Cứ nhìn vào gương diễn sẽ thấy mặt mình xấu đẹp làm sao, mình có thể chỉnh được cơ mặt. Bên cạnh đó, tôi cũng có những năm tháng ngồi cánh gà, nhìn các anh chị đi trước ca diễn đến thấm từng động tác, từng cách nhấn nhá, nhập tâm vào từng nhân vật...", nghệ sĩ 6X bày tỏ.

Bền bỉ theo đuổi nghệ thuật, nữ nghệ sĩ đã nhận được nhiều quả ngọt là những giải thưởng danh giá ở bộ môn cải lương

chụp màn hình

Hai lần mất giọng, đối diện nguy cơ mất khả năng hát

Trong quá trình theo đuổi nghề hát, NSƯT Phượng Loan tiết lộ câu chuyện từng bị mất giọng hai lần vì tật uống nước đá và hát quá nhiều. Nữ nghệ sĩ bộc bạch: "Trong một lần đi hát, tự nhiên tôi không nói chuyện được, không còn âm thanh nữa luôn. Tôi phải đi bệnh viện tai mũi họng, bác sĩ nói tôi có hạt polyp trong dây thanh quản. Vì việc cắt hạt polyp khá nguy hiểm, có thể bị méo tiếng nên bác sĩ quyết định không cắt mà cho tôi trị liệu. Suốt 6 tháng trời tôi không nói được, chỉ viết giấy thôi. Tôi bị năm 1998, lúc đó tôi tưởng Tổ nghiệp không còn thương mình nữa, cho mình về vườn luôn rồi. Thời gian đó tôi suy sụp, khóc hoài luôn rồi cố gắng đến bệnh viện chữa. Tôi phải tập từng chữ như con nít nói vậy. Mình phải tập hít vô, thở ra, tập nói từng âm, từng chữ. May mắn là tôi cố gắng và vài tháng sau thì tôi hát trở lại được".

Tiếp đó đến năm 2007, giọng ca Bông súng đồng quê tiếp tục bị mất giọng nhưng lần này quá nặng, buộc cô phải phẫu thuật. Theo lời nữ nghệ sĩ, nếu không cắt hạt polyp trong dây thanh quản đi, có thể cô sẽ bị ung thư. "Nhưng nếu cắt đi, có còn hát được hay không thì bác sĩ không bảo đảm được", Phượng Loan nghẹn ngào. Nhưng may mắn sau khi phẫu thuật, nữ nghệ sĩ vẫn giữ được giọng hát mà hơi còn khỏe hơn lúc trước. Cũng từ đó, Phượng Loan cạch luôn nước đá cũng như biết giữ giọng, không dám hát quá sức.

Nghệ sĩ Phượng Loan từng tưởng rằng phải bỏ nghề sau hai lần bị mất giọng

chụp màn hình

Khi được hỏi điều mê nhất ở bộ môn cải lương, NSƯT Phượng Loan nói là khi cô được sống với nhân vật. Gần 40 năm theo nghề, nữ nghệ sĩ hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau với đầy đủ số phận nhưng cô thích được vào vai những người phụ nữ cam chịu, vì "làm như nó phù hợp với tôi". Nghệ sĩ Phượng Loan tâm tình: "Khi tôi ra làm nghề, mình không được trơn tru như các bạn sau này mà gặp nhiều khó khăn. Do gia đình mình không cho theo nghề, 13 tuổi một thân một mình tôi theo đoàn hát nên gặp nhiều điều phức tạp lắm. Thời điểm đó, má tôi giận lắm, nói từ mặt thì không phải nhưng má nói đi thì đừng nhìn mặt má nữa. Nhưng máu nghề của mình quá mức, tôi vẫn cứ đi".

NSƯT Phượng Loan tự hào suốt 40 năm qua, bản thân không làm nghề gì ngoài hát cải lương

chụp màn hình

Đam mê mãnh liệt với cải lương nên khi thấy bộ môn nghệ thuật này dần bị mai một, nghệ sĩ Phượng Loan không khỏi chạnh lòng, trăn trở. Chính vì thế, khi có cơ hội, nữ nghệ sĩ luôn tìm cách truyền dạy lại cho thế hệ đàn em với mong muốn có thể bảo tồn được cải lương. "Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm, những gì mình học được, biết được trong mấy mươi năm nay không để bỏ đi một cách vô ích. Tôi rất thương cái nghề của mình, tôi thương tới mức sợ rằng các bạn trẻ không hát nữa, mai mốt nghề cải lương sẽ mất. Tôi phải năn nỉ thế hệ đàn em, khi làm công tác huấn luyện bên chương trình Chuông vàng vọng cổ, thấy các bạn nản tôi phải đi năn nỉ các bạn. Chỉ mong các bạn đừng thoái chí, mình hết lòng thì Tổ nghiệp sẽ cho. Tôi hãnh diện khi suốt hơn 40 năm qua, tôi không làm gì ngoài nghề hát này cả", cô nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.