NSƯT Hải Phượng tiết lộ cái duyên thay đổi cuộc đời với cây đàn tranh

26/05/2021 10:08 GMT+7

Câu chuyện về cây đàn tranh, vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc gắn với tiếng đàn ấy cũng như đã cùng NSƯT Hải Phượng chu du khắp thế giới ra sao... sẽ được chia sẻ trên sân khấu của Dấu ấn huyền thoại.

NSƯT Hải Phượng chia sẻ nếu lúc bé, mỗi giờ tập đàn, cô để một chiếc đồng hồ cạnh bên, khi nào hết giờ, nó reng lên là mình được đi chơi. Và một đứa trẻ con khi phải học đàn như thế thì cứ chờ để hết giờ thôi... Cho đến khi tiếng đàn tranh hòa chung với nhịp thở của bản thân, Hải Phượng nhận ra càng ngày, mình càng được có thêm nhiều kỹ thuật thú vị, cùng với đó là cả những tình cảm, sự gắn bó lúc nào không hay.

Từ 5 tuổi, Hải Phượng đã được mẹ - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan (Trường Quốc gia âm nhạc lúc bấy giờ) truyền dạy về đàn tranh, 7 tuổi chị được theo học đàn tranh tại Nhạc viện TP.HCM - khóa đầu tiên (1976)

Ảnh: Đ.Q

Để rồi sau đó, ngồi cùng cây đàn tranh không còn là được tính giờ nữa mà cô tập cho đến khi mình thấy được thỏa thích, và đàn cho mình nghe như đó là một người bạn tâm tình lúc buồn vui. Tình yêu dành cho cây đàn của cô cứ vậy mà lớn thêm theo năm tháng. Hơn 45 năm trôi qua,  NSƯT Hải Phượng dồn hết tâm tư vào tiếng đàn. Nhạc cụ này, có thể nói, như là cuộc sống thứ hai của cô. Và vì là cuộc sống, với sự nối tiếp từ đời mẹ - chính Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan đã truyền dạy đàn tranh cho cô, nên ngày nay, NSƯT Hải Phượng tiếp tục truyền lửa và vun đắp tình yêu đàn tranh cũng như nhạc cụ dân tộc đến thế hệ trẻ.

NSƯT Hải Phượng biểu diễn cùng Tú Uyên và NSƯT Huỳnh Khải

Ảnh: Đ.Q

Cùng NSƯT Vân Khánh trong chương trình Dấu ấn huyền thoại

Ảnh: Đ.Q

Gắn bó với đàn tranh - một nhạc cụ không dễ chơi ở độ tuổi mới 5 tuổi, NSƯT Hải Phượng xem đó như một cái duyên và chính "tình đàn" ấy đã thay đổi cả cuộc đời mình. Bởi lẽ, cây đàn tranh cho cô cơ hội chu du khắp nơi trên thế giới, để quảng bá âm nhạc dân tộc, văn hóa cội nguồn không chỉ đến với khán giả Việt ở các nước mà với khán giả, bạn bè âm nhạc quốc tế về những thanh âm khi réo rắt,  lúc mượt mà từ một loại nhạc cụ mang tên đàn tranh. 
Hải Phượng cho biết năm 1993, cô sang Paris (Pháp) cùng GS Trần Văn Khê thực hiện đĩa nhạc mang tên Đàn tranh xưa và nay của hãng Ocora, đĩa này sau đó giành 2 giải thưởng từ chính phủ Pháp. Bước ngoặt này cũng đánh dấu con đường phát triển mới trong sự nghiệp đàn tranh của NSƯT Hải Phượng. Cô cùng cây đàn tranh của mình được mời biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và tham gia các liên hoan âm nhạc, giao lưu quốc tế ở hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, NSƯT Hải Phượng đã ghi dấu ấn với những album đẫm hồn quê, tình dân tộc như Tình ca quê hương, Bến xuân, Tiếng xưa, Làn điệu cội nguồn, Tiếng đàn Hải Phượng...

NSƯT Hải Phượng biểu diễn cùng các học trò

Ảnh: Đ.Q

45 năm gắn bó với cây đàn tranh, NSƯT Hải Phượng cũng sẽ có những suy nghĩ và góc nhìn riêng về loại nhạc cụ này khi chia sẻ cùng khán giả tại sân khấu Dấu ấn huyền thoại (được phát lúc 20 giờ 35 ngày 26.5 trên kênh HTV7). Đặc biệt, cô cho rằng: "Đánh đàn để cho mình cảm và cho mọi người cảm được điều đó không hề đơn giản. Và đàn tranh của Việt Nam làm được. Những nhấn nhá của nó, có thể nói, mình cảm giác như đứt ruột...".
Và dù ở vai trò, là một người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu hay giảng viên, là cầu nối gìn giữ, phát triển âm nhạc dân tộc hay người truyền cảm hứng về tình yêu âm nhạc dân tộc đến thế hệ sau thì khi cùng với cây đàn tranh, mỗi một góc nhìn từ từng vị trí khác nhau NSƯT Hải Phượng đều cho khán giả thấy được trái tim của cô luôn hướng về thanh âm của chiếc đàn, luôn đau đáu về tình yêu và thậm chí như đã trở thành sứ mệnh đối với nhạc cụ dân tộc này.
Trong Dấu ấn huyền thoại, khán giả sẽ có dịp thưởng thức những tiết mục biểu diễn hòa tấu Lưu Thủy - Bình Bán - Kim Tiền, Dạ cổ hoài lang, Tương tư khúc, Thương về miền Trung… của NSƯT Hải Phượng cùng với các nghệ sĩ khách mời: NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Vân Khánh, Tú Uyên và học trò từ khóa dạy đầu tiên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.