NSND Trung Anh: Vợ tôi thiệt thòi vì lấy chồng nghệ sĩ

05/02/2022 15:00 GMT+7

Gần 25 năm về chung một nhà, NSND Trung Anh trân trọng sự hi sinh của vợ để ông được toàn tâm làm nghề. 'Chắc chắn những người như vợ tôi, lấy người chồng làm nghệ thuật là rất thiệt thòi', ông tâm sự khi được hỏi về vợ.

Nghệ sĩ Trung Anh thấy biết ơn và trân trọng khi bà xã rất tin tưởng, thấu hiểu cho công việc của chồng

tl

Tôi thấy mình thật sự bất lực với sân khấu

* Từng có khoảng thời gian đi bộ đội rồi trở về sân khấu nhưng chỉ được tham gia những vai phụ, vai quần chúng. Đứng trước hai lựa chọn tiếp tục gắn bó với sân khấu và đi xuất khẩu lao động nhưng ông vẫn chọn ở lại. Điều gì đã níu giữ ông?

- NSND Trung Anh: Thời gian đó có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Về kinh tế thì khó khăn chung của cả đất nước vì những người làm ăn lương thiện ai cũng khó khăn cả. Nhưng bên cạnh những khó khăn kinh tế, việc đấu tranh giữa việc bỏ nghề hay tiếp tục theo đuổi thì nó còn là đấu tranh mang tính nội tâm nhiều hơn. Có thể lúc đó phong trào đi xuất khẩu lao động có thể giải quyết vấn đề kinh tế đối với gia đình nên trở thành trào lưu. Tôi cũng đã nghĩ đến phương án đấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì 4 năm tôi học diễn xuất đã ngấm vào máu rồi.

Trước đây tôi cũng chỉ là người khá lêu lổng, khi trúng tuyển vào Nhà hát Kịch thì tôi cũng chẳng phải là người đam mê sân khấu hay điện ảnh gì cả. Lúc đó tôi chỉ đi tuyển bừa, đậu thì đậu mà không thì thôi chứ chẳng biết gì là yêu nghề. Nhưng sau 4 năm học thì nó bắt đầu ngấm vào máu mình và thay đổi tính cách con người tôi rất nhiều. Chính vì thế sự lựa chọn là rất khó khăn và cuối cùng tôi vẫn quyết định bất chấp theo đuổi nghề. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình được theo nghề, được làm nghề mình yêu quý đã là hạnh phúc, còn nó có thành công hay không thì còn tùy khả năng, may mắn nữa. Bản thân tôi cũng không may mắn lắm, mình cũng đã vật lộn với cuộc sống, với nghề nghiệp từng li từng, tí một. Mình không bon chen nhưng cố gắng rất nhiều, tôi nghĩ dù không thành công thì mình cũng không ân hận vì quyết định này.

NSND Trung Anh trong vở Như thế là tội ác từng diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam

tl

* Ông có cảm thấy chạnh lòng khi nỗ lực của mình để níu giữ sân khấu cho khán giả không được ghi nhận?

- Tôi nghĩ ai cũng buồn chuyện đó cả, ngoài việc sân khấu đi xuống như thế thì một mình mình chứ mười mình cũng không cố được. Sân khấu ngoài Bắc khác trong Nam nhiều lắm, ở đây sân khấu là của nhà nước, bị phụ thuộc rất nhiều. Có thể là khán giả không đến, rồi cơ cấu tổ chức, cơ chế... rất nhiều cái không làm cho sân khấu phát triển được. Tôi thấy mình bất lực, có cố cũng không cố được. Và tôi nhận ra điều ấy cách đây gần 10 năm rồi. Tôi rất buồn là khi mình phải nhảy sang làm phim rất nhiều. Trước đây khi phim mời có bộ tôi nhận có bộ thì không vì còn bận ở sân khấu. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây thì tôi nhận lời tham gia phim khá nhiều. Vì tôi cảm thấy mình thật sự bất lực với sân khấu, dù có tiếc nuối nhưng tôi phải tự lo cho bản thân mình và gia đình nhiều hơn. Không thể nào đeo đuổi thứ mà mình không thể giúp nó được.

* Từ ngày con gái đi du học có gây áp lực kinh tế khiến ông phải nhận phim nhiều hơn không?

- Không, hoàn toàn không. Việc hai con đi du học đúng là có áp lực về mặt kinh tế thật. Nhưng gia đình tôi cũng đã tính toán kỹ và đảm bảo trong việc để cho các con đi rồi. Còn vì các con đi học, áp lực kinh tế mà mình nhận bừa phim thì không phải thế. Nếu thế thì tôi đã không nhận vào trường dạy. Nhưng tôi nghĩ khi mình vào trường dạy, ít nhất mình có thể truyền lại được ít kinh nghiệm. Tôi nghĩ mình cũng chẳng tài năng hay gì cả, nhưng mình có kinh nghiệm gì có thể truyền lại cho các em, các cháu thế hệ sau thì mình làm. Kể cả vào trường dạy, nếu có phim thì tôi vẫn có thời gian nhận thoải mái. Vì bây giờ một tuần dạy 4 buổi cũng không ảnh hưởng đến việc tôi nhận phim.

Dù đã nghỉ hưu tại Nhà hát kịch song nghệ sĩ Trung Anh vẫn còn nhiều trăn trở và nặng lòng với sân khấu

tl

* Khi giảng dạy cho thế hệ trẻ, ông có tìm thấy niềm tin một ngày nào đó sân khấu sẽ trở lại từ những thế hệ mình từng đào tạo?

- Tôi chắc chắn là vẫn có niềm tin, nhưng tôi nghĩ còn lâu lắm. Dịch bệnh chỉ là một lát cắt thôi, còn về lâu về dài, khi kinh tế, đời sống, văn hóa của con người đã đạt được một mức nào đó thì nhu cầu về tinh thần, trong đó có cả sân khấu sẽ khác. Lúc đó nhu cầu đi xem một vở diễn không còn là nhu cầu để giải trí nữa, nó có thể là nhu cầu về mặt tinh thần nữa. Nhưng tôi nghĩ cũng còn lâu lắm, nhất là với cách làm sân khấu như bây giờ. Còn với thế hệ trẻ, tôi quan niệm dạy các em về chuyên môn đã quan trọng rồi, nhưng làm cho các em yêu được nghề này mới là quan trọng nhất. Bởi vì khi người ta yêu rồi thì người ta sẽ tự học, tự lao vào học vì có đam mê. Đó cũng là kinh nghiệm của tôi từ ngày xưa.

Vợ chồng tôi không giàu có

* Khán giả bảo rằng giờ nhà NSND Trung Anh có cả một "kho vàng" khi hai con đều giỏi giang, đều đi du học và tương lai có thể đỡ đần cha mẹ khi về già. Bản thân ông có nghĩ đến việc nương nhờ con cái ở tuổi xế chiều không?

- Thật ra vợ chồng tôi lại không nghĩ theo kiểu đó. Vợ chồng tôi không phải là người giàu có, nói thật là như thế. Chúng tôi cố gắng đầu tư cho con cái bằng việc học, đó là quan điểm vợ chồng tôi suy nghĩ từ rất lâu rồi. Với chúng tôi, mình không để lại cho con cái nhà cửa, tiền bạc gì cả nhưng sẽ tập trung cho con về việc học, đầu tư với khả năng tốt nhất có thể làm được. Còn các con học đến đâu, với kiến thức đấy các con làm được gì thì do khả năng của chúng nữa. Cũng may là các con tôi cũng chịu khó học, còn học như thế nào, ngành nghề thì vợ chồng tôi chỉ tư vấn, trao đổi với các con để chúng tự tìm lấy cuộc sống và lo cho bản thân mình.

Diễn viên Về nhà đi con tổ chức lễ cưới vào năm 1997, đến nay cũng đã gần 25 năm vợ chồng gắn bó bên nhau

fbnv

* Trong gia đình, một người làm nghệ thuật và một người làm việc không liên quan đến nghệ thuật. Vậy vợ chồng ông làm thế nào để dung hòa cuộc sống?

- Tôi lại nghĩ đó lại là cái hay, cái chính là vợ chồng tôi vẫn thấu hiểu và trao đổi được với nhau. Vợ tôi vẫn có thể nói về những vai diễn, những vở kịch tôi tham gia. Vở nào tôi đóng cô ấy cũng đi xem, có thể trao đổi, góp ý cho tôi những điều mà người khác không nói. Nhiều lúc tôi nghĩ đó mới là ý kiến khách quan nhất. Ví dụ một người bạn có thể khen tôi đóng phim hay, có thể đó là một câu chúc mừng hoặc xã giao. Tôi thì thích cái gì thẳng thắn hơn, vợ tôi sẽ góp ý thẳng về tật của mình, những cảnh mình đóng chưa hay... đó là chiếc gương để tôi soi chuyên môn của mình tốt nhất.

* Việc lấy một người chồng nghệ sĩ chắc hẳn sẽ khiến vợ ông nhiều thiệt thòi. Có bao giờ bà xã than phiền với ông về chuyện này?

- Cô ấy không than phiền, nhưng chắc chắn là thiệt thòi. Ai lấy chồng nghệ sĩ cũng thiệt thòi cả. Tôi thì cứ đi biền biệt, nói thật những năm trước đây khi làm ở nhà hát, năm nào tôi cũng đi cả vài tháng. Tôi cứ đi xuyên Việt, vào Sài Gòn, đi Tây nguyên rồi lại vòng ra Hà Nội. Có năm tôi đi một lần, khoảng chừng tháng rưỡi đến 2 tháng, có năm đi vài lần, cũng mất cả vài tháng. Thời gian ấy, vợ tôi ở nhà phải quán xuyến tất cả mọi việc. Đưa hai đứa đi học cũng đã mệt rồi, lại còn việc cơ quan, việc nhà cửa, cơm nước, lo cho chúng nó học ở đâu, học như thế nào... Nói thật gần như tôi chẳng lo gì những chuyện ấy, cũng chẳng biết gì để mà lo cả. Chắc chắn những người như vợ tôi, lấy phải những người chồng làm nghệ thuật là rất thiệt thòi.

Hình ảnh gia đình của NSND Trung Anh. Nam nghệ sĩ hiếm hoi chia sẻ thông tin và hình ảnh về tổ ấm của mình nhưng ông luôn dành cho vợ những lời "có cánh" mỗi khi nhắc đến

fbnv

* Ông tạo lòng tin cho vợ như thế nào trong những lúc đi xa nhà?

- Không phải tạo niềm tin trong những lần đi mà tôi phải tạo niềm tin từ khi kết hôn. Tôi nghĩ cô ấy phải tin thì mới lấy tôi, niềm tin phải là từ đầu và giữ được như thế. Chứ không phải từ vài lần đi công tác mà phải giữ niềm tin, đó phải là một sợi dây tình cảm bền chặt. Vợ chồng thì phải tin tưởng lẫn nhau.

* Người ngoài ngưỡng mộ bởi ông có gia đình hạnh phúc, sự nghiệp vững vàng. Nhưng bản thân ông thì có bao giờ mệt mỏi muốn buông xuôi vì những khó khăn chỉ mình mới biết?

- Với công việc thì có những lúc tôi khá mệt mỏi, nhất là với Nhà hát kịch. Phim ảnh thì nó không phải là công việc chính, mình nhận thì nhận, không thì thôi cũng chả sao. Nhưng với sân khấu thì khác, có lẽ vì trước đây mình máu với nghề, yêu nghề quá nên cực đoan với nó. Tôi cứ muốn nó phải thật chỉn chu, nghiêm túc, phải là cái gì đó linh thiêng. Mình cứ đau đáu như thế nên có những người làm mình thất vọng với công việc đó. Những lúc bức xúc như thế, tôi lại như một con người khác. Không như mọi người nghĩ mình là người hiền lành, những lúc ấy tôi là một người rất ghê gớm. Nhưng rồi đến một lúc mình tự thấy bản thân không thể vực nó lên được thì đành phải bó tay.

"Có lẽ điều tiếc nuối nhất của tôi là tiếc cho sân khấu ngày càng èo uột quá", ông tâm sự

fbnv

* Sau hơn 60 mùa xuân nhìn lại, có điều gì khiến ông tiếc nuối không?

- Tiếc thì vẫn có, nhưng nó chỉ là những cái vụn vặt thôi. Còn về đại thể, như việc tôi quyết định theo đuổi nghề này, theo đuổi sân khấu thì đã làm hết mình rồi, không có gì phải tiếc nữa. Có lẽ điều tiếc nuối nhất của tôi là tiếc cho sân khấu ngày càng èo uột quá. Và những người làm nghề bây giờ họ không hiểu thế nào là chuyên nghiệp. Một số người đang sống trong môi trường rất thiếu chuyên nghiệp nhưng họ không biết điều ấy, họ cứ tin đấy là chuyên nghiệp. Cái đó mới là cái nguy hiểm, cũng chính vì một phần những cái đấy mà sân khấu ngày càng đi xuống.

* Ở tuổi này, ông còn mong cầu gì thêm không?

- Tuổi nào cũng vậy thôi, mong muốn lớn nhất vẫn là một gia đình có con cái, vợ chồng vui vẻ, hạnh phúc, các con khỏe mạnh thành đạt. Đó là mong muốn đến suốt đời, không lúc nào mình ngừng mong cả. Còn riêng về sân khấu, tôi vẫn mong có ngày mình nhìn thấy nó phát triển trở lại.

* Xin cảm ơn nghệ sĩ Trung Anh về những chia sẻ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.