NSND Thanh Tuấn tiết lộ cuộc sống ở tuổi 74

05/11/2022 06:32 GMT+7

Ở tuổi ngoài 70, NSND Thanh Tuấn vẫn giữ được sự phong độ, giọng ca khỏe. Nam nghệ sĩ bày tỏ nhờ Tổ thương nên hiện sức khỏe ông vẫn tốt, công việc đều đặn và cuộc sống thì hạnh phúc, viên mãn.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn có cuộc sống và sự nghiệp trọn vẹn ở tuổi 74

thanh chi

Gặp NSND Thanh Tuấn ở hậu trường một đêm nhạc từ thiện, ngôi sao gạo cội vẫn vui vẻ, tràn đầy năng lượng sau tiết mục dài hơi trên sân khấu. Suốt cuộc trò chuyện với Thanh Niên, ông say sưa tâm sự về chuyện nghề, về cuộc sống riêng bằng giọng nói hào sảng, phong thái đĩnh đạc cùng sự tinh tường của một nghệ sĩ đã gắn bó hơn nửa đời người với nghệ thuật. Ở tuổi 74, tình yêu cháy bỏng dành cho sân khấu cải lương vẫn thôi thúc Thanh Tuấn tiếp tục ca hát phục vụ khán giả, đồng thời đặt nhiều tâm huyết vào hoạt động đào tạo, truyền lửa cho lớp nghệ sĩ trẻ.

Thời hoàng kim cát sê được 2 cây vàng mỗi đêm

* Xin chào NSND Thanh Tuấn! Cuộc sống và sức khỏe của ông hiện có tốt không?

- NSND Thanh Tuấn: Hiện đang ngồi đây thì tôi khỏe, tới giờ này thì trong cơ thể tôi chưa có bệnh gì. Mai kia mốt nọ thì mình không biết nhưng bây giờ thì tôi khỏe lắm. Cuộc sống của tôi cũng ổn định. Hiện tôi đang mở trung tâm nghệ thuật ca vọng cổ được hơn nửa năm, mỗi ngày đi dạy ba buổi cho các học trò. Ngoài ra, tôi còn có phòng thu âm nữa. Công việc của mình vẫn bình thường, làm nghề bình ổn, thường xuyên đi hát, đi diễn. Thậm chí đi tỉnh xa, miền Tây tôi vẫn đi tốt.

* Ở tuổi này, khi đi hát ở các tỉnh xa, sức khỏe của ông có bị ảnh hưởng không?

- May mắn tôi là con của Tổ nghiệp nên Tổ thương và độ cho tôi. Dĩ nhiên cũng sẽ có lúc mệt nhưng rồi tôi lại khỏe. Ví dụ trong hậu trường mình mệt nhưng ra sân khấu thì tôi vẫn ca được 5,6 bài bình thường. Tôi cũng chỉ ca sống (hát live) với đàn thôi chứ không có sự hỗ trợ từ các băng đĩa. Vậy mà tôi vẫn khỏe tới giờ này. Tất nhiên quy luật của cuộc sống thì mình sẽ xuống dần, sau này thì không biết nhưng may mắn bây giờ giọng vẫn còn tốt lắm. Mỗi lần được đi hát, tôi hăng say, nhiệt huyết dữ dằn lắm. Khi đến các chương trình, tiệc tùng là tôi ca hát không biết mệt. Tới giờ này tôi tự tin mình ca vẫn còn khỏe.

“Phạm Lãi” của vở Tây Thi bày tỏ còn được làm nghề là ông không biết mệt mỏi, tự tin giọng ca của mình còn rất khỏe

thanh chi

* Bí quyết nào để NSND Thanh Tuấn giữ giọng hát sau nhiều năm làm nghề?

- Chắc có lẽ do bẩm sinh và Tổ nghiệp cho mình chứ tôi chẳng giữ gìn gì mấy. Tôi vẫn ăn uống bình thường, không kiêng cử gì. Thỉnh thoảng mình cũng bị viêm, bị khàn như các đồng nghiệp khác, mình uống thuốc, đi bác sĩ rồi vài ngày lại khỏi. Đó cũng là một may mắn của tôi.

* So với thời hoàng kim, nghệ sĩ Thanh Tuấn nhận thấy chất giọng của mình có sự thay đổi như thế nào?

- Tất nhiên theo quy luật thì chất giọng sẽ có phần giảm, nhưng bù lại mình có sự điêu luyện và những nét riêng. Tôi còn có sự tìm tòi, nghiên cứu đổi mới để lấp đi khoảng trống sức khỏe, lực ca. Tôi có những cung bậc dấu sắc, dấu nặng, dấu huyền riêng, sáng tạo thêm. Nhờ vậy mà đến giờ khán thính giả vẫn còn yêu thương giọng ca Thanh Tuấn.

* Thời hoàng kim của cải lương, có nghệ sĩ bảo diễn một đêm có thể sống được một tháng. Ông có thể tiết lộ một chút về mức cát sê của mình?

- Thời sau khi đất nước thống nhất, tôi đi hát nhận lương của đoàn tập thể nên lương theo biên chế nhà nước. Còn sau này tôi ra ngoài đi hát, mỗi đêm là được 1 cây vàng. Nhiều đêm hát xong chỗ này tôi lại chạy sang chỗ khác hát được 1 cây vàng nữa là 2 cây vàng. Trong một đêm mình chỉ đi được hai điểm thôi, vì diễn một tuồng là tầm 2,5 tới 3 tiếng nên không có thời gian đi được nhiều đoàn. Bây giờ thì khác, một đêm mình có thể chạy được 4,5 điểm vì toàn ca lẻ, không có diễn tuồng nữa.

* Hiện tại với nghệ sĩ Thanh Tuấn, cát sê có còn quan trọng với ông hay chỉ đi hát vì đam mê với nghề?

- Tôi không có giá cát sê cố định mà có sự linh hoạt giữa đoàn và mình. Khi đi diễn cho các gia đình, người ta mời tiệc tùng, tân gia, mừng thọ, đám cưới... thì sẽ tùy hoàn cảnh gia đình. Mình thấu đáo được thì có thể gia giảm, không có giá cố định. Ví dụ chỗ này mình lấy 10 triệu mà chỗ kia người ta khó khăn thì mình lấy 6,7 triệu, những gia đình nghèo nữa thì mình lấy thấp hơn. Tùy vào từng hoàn cảnh để mình cân nhắc, vì có nhiều gia đình người ta đam mê nghệ sĩ, yêu giọng ca của mình nên mời thì mình cũng đáp lại tình cảm đó.

Ngôi sao cải lương gạo cội cho biết ông không có sự phân biệt hát ở sân khấu lớn hay hội chợ nhỏ, miễn khán giả yêu thương thì ở đâu ông cũng sẵn sàng phục vụ

MINH TÂN - QUANG TUẤN

* Nhiều người cho rằng đã là NSND mà đi hát đám cưới, tiệc tùng, những sự kiện bình dân làm giảm giá trị của danh hiệu. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Càng đi sâu, càng đi sát bên khán thính giả thì càng được trân quý nhiều và hạnh phúc hơn, đó là suy nghĩ của tôi. Nơi nào phục vụ được khán giả thì đó là niềm hạnh phúc, mình cứ nhiệt tình, hết mình là tốt. Vì mình là nghệ sĩ, đi đâu cũng được miễn được hát chính đáng, lành mạnh. Tôi không có khái niệm phân biệt hát lô tô, hội chợ, đám ma, đám cưới gì cả. Nơi đâu cần là mình tới, miễn đáp lại được tình cảm của khán giả là mình hạnh phúc.

Người nghệ sĩ cần cả tài, tâm và đức

* Ở tuổi ngoài 70, nhiều người chọn cách rút lui để an hưởng tuổi già. Vì sao nghệ sĩ Thanh Tuấn vẫn giữ được niềm say mê với nghề?

- Chắc có lẽ vì tôi là con của Tổ nghiệp nên Tổ cứ réo gọi mình đi hát mãi. Tôi cứ đi hoài, đi mãi mà không biết mệt mỏi và không muốn ngừng lại. Thậm chí ngoài nghề hát, trước đây tôi còn muốn đóng góp thêm cho nghệ thuật bằng cách sáng tác ca khúc để em út, những bạn bè đồng nghiệp thích thì ca. Ngoài ra, tôi còn mở trung tâm nghệ thuật dạy ca hát cho các em, các cháu, nhằm truyền đạt lại kinh nghiệm, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Nói thật ra ở nhà nhiều tôi lại không khỏe bằng đi hát, còn được làm nghề là không biết mệt mỏi. Tôi tâm niệm xin với Tổ nghiệp cho tôi được hát mãi. Khi nào còn đi lại được, khán giả còn yêu thương thì tôi còn phục vụ mãi đến ngày tàn hơi thở thì thôi, không có ngày về hưu.

* Nghệ sĩ Thanh Tuấn có chạnh lòng khi tình hình cải lương hiện tại đã không còn phổ biến như trước?

- Cải lương có sự chững lại và đôi lúc đi xuống, đó là quy luật tất yếu của xã hội. Vì xã hội ngày càng phát triển theo đà đi lên của đất nước, ngày càng nhiều cách giải trí khác nhau. Khi đất nước chúng ta chưa mở cửa, mô hình cải lương là số một và hoàng kim. Khi mở cửa rồi thì cho phép nghệ thuật được phát triển rộng rãi, ca nhạc, quán bar, phòng trà... nên phải chia khán giả. Từ đó cải lương cũng ít người coi và giảm sút. Tôi nghĩ nghệ thuật cải lương giữ tới giờ này thì đã là tốt, vẫn còn nhận được sự yêu thương của khán giả. Dù không bằng thời kỳ hoàng kim nhưng người ta chưa quay lưng với mình.

Với NSND Thanh Tuấn, nếu khán giả còn yêu thương thì ông sẽ phục vụ mãi đến ngày tàn hơi thở, không có ngày về hưu

Minh Tân - Quang Tuấn

* Hiện nay, một số nghệ sĩ trẻ kết hợp cải lương cùng rap, rock. Ông nghĩ gì về chuyện này?

- Theo tôi nghệ thuật là cái hay cộng cái hay, nhưng phải hài hòa, không được quá chênh lệch và giữ được bản sắc nghệ thuật. Bản thân tôi thì thấy không nên đưa cải lương vào nhạc rock, nhạc rap vì nó bị sai lệch. Khi mình đang ca vọng cổ với tình huống xúc cảm như gia đình, mẹ bệnh mẹ đau, ông bà mất mát... mà đưa rap, nhạc rock vào nó sốc lên thì không thể chan hòa được. Dù vậy, sau này các bạn có thể tìm cách, nghiên cứu làm sao cho phù hợp.

* Quan điểm của ông như thế nào khi ngày nay, một số nghệ sĩ không giữ được đạo đức, làm điều sai quấy khiến khán giả không còn tin yêu như xưa?

- Tôi thấy việc này xảy ra nhiều và từ nhiều năm trước. Theo tôi, người nghệ sĩ cần tài, tâm, đức. Bây giờ các em, các cháu nghĩ rằng mình có tài rồi đôi khi quên đi cái tâm và đặc biệt là cái đức. Làm gì cũng vậy, mình đừng "qua cầu rút ván" mà nhớ gốc nguồn, phải nhớ cây cầu đó ai bắt cho mình đi. Mình phải trân quý những người có công gầy dựng trước đó và nhớ dù nghệ thuật có tạo cho mình hay, giỏi, tuổi trẻ có thể vượt nhanh nhưng hãy quay lại xem ai đã đỡ đần, đã đẩy mình đi. Nếu mình giữ được cái đức, cái tâm đó thì sẽ không làm cho khán thính giả buồn lòng nữa. Khi mình có đủ tài, tâm, đức thì khán giả vẫn sẽ yêu thương lớp trẻ bình thường.

Hạnh phúc của nghệ sĩ Thanh Tuấn là gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm và ông còn được cống hiến cho nghệ thuật

lạc xuân

* Hiện tại, nghệ sĩ Thanh Tuấn có còn mong cầu điều gì cho bản thân và nghệ thuật?

- Tôi chỉ mong mình giữ được sức khỏe, còn giọng để ca hát, được đi lại bình thường để phục vụ khán giả và đào tạo thế hệ trẻ. Tất nhiên quy luật, tới một ngày nào đó thì mình sẽ không còn được nữa nhưng tôi vẫn mong, nguyện cầu xin kéo dài thời gian, được ngày nào hay ngày ấy. Hiện tại cuộc sống của tôi viên mãn. Các con đã trưởng thành, một số đứa ở đây, một số đứa ở nước ngoài cũng thường xuyên về thăm. Các con hiếu thảo, yêu thương gia đình là mình hạnh phúc. Bên cạnh đó, tôi rất mong mỏi bộ môn nghệ thuật cải lương sẽ còn được giữ mãi. Hy vọng các em, các cháu giữ lửa đam mê và đi theo con đường cải lương mà cha ông để lại.

* Xin cảm ơn NSND Thanh Tuấn về những chia sẻ và chúc ông nhiều sức khỏe!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.