Ngày 8.3, chị nghĩ gì về phụ nữ - một nửa thế giới?

Chuyện đóng góp của người phụ nữ có từ bao nhiêu thế kỷ trước, từ trong đến ngoài nước... Đáng lẽ vai trò của người phụ nữ phải được nhìn nhận từ lâu rồi. Vì khi có đàn ông, có đàn bà, trách nhiệm của người phụ nữ nếu không bằng thì cũng “xêm xêm” như mấy ông. Nhưng phong tục của mình chịu ảnh hưởng Khổng, Mạnh, thành ra vai trò phụ nữ bị lãng quên nhiều lắm. Sau này mới có sự quan tâm của xã hội đối với vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ. Tôi nghĩ trên thế gian này không có phụ nữ chắc mấy ông đàn ông cũng không làm được gì (cười).

Chân dung NSND Kim Cương (ảnh: Độc Lập)

Những ngày 8.3 hay 20.10 có gì đặc biệt với chị?

Trong nhà thì như các ngày bình thường khác, chỉ có bạn bè nhắn tin, gửi hoa... Nhận hoa, cũng vui, vì nó nhắc nhở mình là phụ nữ (cười). Có ngày phụ nữ, nhắc lại gương của những người phụ nữ đi trước làm cho mình củng cố hơn trách nhiệm đối với cuộc đời, với xã hội. Nhìn lại hồi nào tới giờ tôi toàn làm vai trò của đàn ông, trưởng đoàn, trưởng nhóm, phải lo cho bao nhiêu người. Có hôm nằm khóc, vì nghĩ ai đau cũng kêu bà Kim Cương, vì qua công tác từ thiện, nhà thương nào tôi cũng quen; còn tôi đau tôi không biết kêu ai, vì ai cũng nghĩ bà Kim Cương bả giỏi quá bả quen đủ thứ người rồi… Vấn đề không phải quen hay không, mà cái tinh thần mới quan trọng. Phải có người nào để mình chia sẻ nỗi đau…

Hồi được Forbes vinh danh 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất VN năm 2017, lãnh cúp xong về tôi đưa lên phòng thờ má (NSND Bảy Nam) rồi khóc… Tôi nói, con báo hiếu cho má xong rồi đây má ơi. Vì hồi má còn sống, trăn trở và cũng là nỗi đau của má là nghề hát bị coi thường, khinh khi lắm. Lý do người ta không cho cưới gả đều là vì… nghệ sĩ.

Má tôi nói hoài: con ráng sống sao để người ta có cái nhìn khác với nghề nghiệp của mình; thì bây giờ, tôi hãnh diện không chỉ vì con của má đã làm được, mà vì trong những người được tín nhiệm ở cuộc đời này đã có tên nghệ sĩ.

Thế còn với bản thân mình, thưa chị?

Tôi thường nói với mọi người tôi là người phụ nữ may mắn trong nghề nghiệp,  nhưng đối với gia đình và thâu gọn hơn nữa là trong hôn nhân, tôi hoàn toàn thất bại, bằng cớ là tới giờ này tôi còn ở một mình (cười). Nói trách nhiệm gia đình hổng phải là vợ chồng thôi, mà còn đối với con gái, những người thân trong nhà.

Hồi trước, lúc mình có con mình còn trẻ nên cứ nghĩ phải lo trách nhiệm nhiều với đoàn hát, vì nghĩ con cái mình vẫn ở đó, lúc nào mà chẳng thương. Nhưng cho tới bây giờ mới tương đối rảnh rang, mới có thì giờ gần gũi con. Tới bây giờ tôi cứ ăn năn, là theo nghề nghiệp đã thành công nghề nghiệp, nhưng thật sự tôi đã không tròn đối với gia đình, với ông xã cũng như với con. Bây giờ tôi tập trung tất cả cho 4 đứa cháu nội. Tới một lúc nào đó, mình thấy thương cháu hơn thương con…

NSND Kim Cương cùng gia đình con trai (ảnh: Ngọc Dương)

Chị rời sân khấu hẳn một phần vì muốn tập trung hơn cho con cháu?

Vì rất nhiều lý do. Bởi rời sân khấu, rời lẽ sống của mình đâu phải dễ. Lý do lớn nhất là vì má. Má lúc đó (hơn 20 năm trước) tám mươi mấy tuổi rồi, má không đi theo đoàn hát như xưa nữa, bỏ bà già ở nhà một mình hoài tôi không yên tâm. Phần nữa, là tình hình sân khấu lúc đó không được quan tâm như bây giờ, đoàn tập thể nên tự thu tự chi tự lo cho anh em... Hồi đó một cây đinh tôi cũng phải đi mua. Chạy lo cho 70 thành viên là 70 gia đình từ hồi 1975 đến khi tôi nghỉ là hai mươi mấy năm, cũng đuối lắm. Nhưng, mấu chốt để tôi quyết định rời sân khấu trong lúc  đang ở tột đỉnh - đoàn Kim Cương ăn khách nhứt, tôi được khán giả thương nhứt, là người nghệ sĩ biết suy nghĩ thì phải biết chọn thời điểm đúng lúc để chia tay khán giả. Tôi không muốn thấy cảnh khi nhiều bạn diễn của tôi qua đời hết rồi hổng lý mình đi diễn tấu hài với mấy em trẻ hay làm những chuyện không hợp với mình. Thành ra thôi, thà nghỉ sớm để giữ hình ảnh của tôi trong lòng khán giả.

Cách đây vài năm, khi tôi đặt bên Thái Lan làm tượng sáp, tôi cũng lựa hình hồi tôi còn trẻ, còn ở sân khấu. Tôi muốn sau này dù có bao nhiêu tuổi đi nữa thì hình ảnh trong lòng khán giả vẫn là cô Kim Cương của Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo…

Nói là vậy nhưng hẳn trong thâm tâm chị luôn giằng xé…?

Trời ơi, người nghệ sĩ rời sân khấu khác nào cá bị vớt ra khỏi nước. Mà gia đình tôi là 4 đời trong nghề này rồi, thành ra quyết định nghỉ, dứt truyền thống của gia đình là điều vô cùng khủng khiếp, về thực tế đã lớn mà về tinh thần còn lớn hơn nữa. Tới bây giờ nhiều đêm tôi vẫn chạy qua bên phòng thờ má ngồi khóc với má: con nhớ khán giả… Ở ngoại quốc, không ít nghệ sĩ sau khi từ giã sân khấu hay phim trường… đã tự tử vì không chịu được cú sốc. Họ đã quen không khí có khán giả, có người thương yêu, rồi bỗng không còn ai, chơ vơ, nhất là không có chồng nữa, thì hẫng lắm.

Chân dung NSND Kim Cương (ảnh: Độc Lập)

Cái may mắn nhất trong đời tôi, là biết đến Phật pháp (chị là đệ tử của Hòa thượng  Thích Thanh Từ - NV). Lý thuyết thì thầy dạy, thực tế có cuộc đời dạy, tôi hiểu được cuộc đời không có gì trường cửu. Nên tôi chấp nhận những mất mát của người nghệ sĩ, chấp nhận mọi thay đổi, lên xuống của cuộc đời, thành ra mình đỡ đau. Tôi cũng tìm được hạnh phúc mới trong hoạt động từ thiện. Nếu không có công tác thiện nguyện chắc tôi cũng... tiêu rồi.

Tôi quan niệm, diễn trên sân khấu hay làm công tác thiện nguyện cũng là một hình thức đóng góp cho đời. Hồi đó thì trực tiếp tìm hạnh phúc với khán giả, bây giờ cũng trực tiếp mà cụ thể hơn đối với những mảnh đời bất hạnh mà tôi tới được. Niềm an ủi của tôi là chia sẻ những đau khổ của người khác; và thêm nữa, là đội ơn trời Phật cho tôi có một gia đình rất ổn, con cháu hiếu thảo.

(Nói đến đây thì điện thoại của chị reo lên, nhạc chuông là tiếng cười khanh khách của trẻ con…).

Vì sao chị chọn nhạc chuông là tiếng cười?

Cuộc đời nhiều chuyện buồn quá rồi, thành ra thay vì chọn nhạc này nhạc kia mình lấy tiếng cười trẻ thơ cho nó trong trẻo, vui vẻ, đúng không? Mà tiếng chuông này đôi lúc nó hại tôi lắm (cười). Có lần đi dự lễ tang của nguyên thủ quốc gia, tôi quên tắt chuông, không khí đang trang nghiêm thì điện thoại tôi cười lên vậy đó, tôi quýnh quá không kịp tắt, bỏ chạy muốn chết.

Rời sân khấu, diễn thì nhất định không, còn viết thì sao, thưa chị?

Tôi không viết luôn. Quan trọng là mình làm món hàng ra sản xuất ở đâu? Viết kịch bản mà không theo dõi sát sao, đến lúc ra sân khấu người ta diễn cương nói bậy có phải tanh bành tác phẩm mình?

Tôi thường nói với mấy em trẻ, nghề này là lao động tâm hồn. 6 giờ chiều tan sở, 1.000 người là 1.000 tâm trạng khác nhau, khi họ vào rạp hát, chỉ được 15-20 phút đầu em phải làm sao cho tất cả những tình cảm đó nhập vô một nội dung của em không phải chuyện dễ.

Cái nghề chúng tôi nó tàn phá sức khỏe, sắc đẹp, nó nghiệt ngã, ngược đời dữ lắm. Tỉ như chuyện khóc đi, lâu lâu có chuyện gì người ta khóc 1 lần là muốn chết, tụi tôi diễn khóc miết, thì sức khỏe sao bình thường được. Những nghề khác khi mới vô làm từ bậc 1 - nhân viên bình thường, lên dần chánh văn phòng, cao hơn nữa là tổng giám đốc, rồi về hưu, có một khoản tiền. Còn nghề chúng tôi, nhứt là với nghệ sĩ nữ, mới vô làm trẻ đẹp ca hay thì lương bậc cao trước, mà lãnh lương cao thì phải sống cho ra “chị hai”, ra chất nghệ sĩ. Xong tới chừng đóng vai chị là bắt đầu xuống bậc; tới làm mẹ, rồi làm bà là sắp sửa đi ăn mày (cười).

NSND Kim Cương ra mắt hồi ký (ảnh: Ngọc Dương)

Nhiều nghệ sĩ hay nói với nhau ai không có “máu khùng” thì khó hát/diễn hay được. Đó là trên sân khấu, còn ngoài đời thì sao, thưa chị?

Nói đúng ra không phải khùng, mà vì nghệ sĩ sống cảm tính nhiều hơn lý tính. Phải cảm tính nhiều mới khóc, cười, mới này kia trên sân khấu được.

Tôi được cái, trời cho mình sống cảm tính rất mạnh, đồng thời tôi sống lý tính cũng cực kỳ mạnh, thành ra tôi khổ. Hai yếu tố đó làm mình giằng co. Có những mối tình mà tôi biết dứt người đó ra là tôi chết liền, nhưng tôi buộc mình phải dứt.

Cái chính là biết dùng lý trí để phân tích tình cảm của mình. Chứ như tôi tới chừng điên thì cũng điên dữ lắm (cười lớn).

Có khi nào chị thấy thương… trái tim mình?

Thương cho mình thì hổng có thì giờ mà cũng hổng có suy nghĩ để thương, nhưng mệt thì thấy mệt. Trái tim mà cứ khóc cười liên tục, cứ bị nhồi hoài như vậy thì làm sao… Vừa mệt nhưng cũng là cái đam mê của mình. Má có nói câu rất hay: mình làm nghệ sĩ sướng con ha, muốn làm gì mình cũng làm được, mình đóng tất cả các vai tuồng, biểu hiện được tất cả các tâm trạng, nói giùm cho tâm tư biết bao người…

Tôi bị rối loạn thần kinh tim chắc cũng do nghề nghiệp, trái tim mình cứ xúc động hoài vậy mà…

Bài viết: Nguyên Vân
Ảnh: Ngọc Dương, Độc Lập | Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
08.03.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.