NSND Bạch Tuyết tiết lộ lý do ngừng ca hát 20 năm

31/08/2022 08:47 GMT+7

NSND Bạch Tuyết xúc động hé lộ về khoảng thời gian tạm dừng ca hát để làm điều đặc biệt trong suốt 20 năm.

NSND Bạch Tuyết hé lộ điều ít người biết về 60 năm tuổi nghề

BTC

Tạm gác sự nghiệp vì một câu nói của nghệ sĩ Năm Châu và Phùng Há

Hôm 30.8, Tiến sĩ - nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết tham gia sự kiện ra mắt chiến dịch Ngân nga VIệt Nam với vai trò diễn giả. Giọng ca Kiều Nguyệt Nga xúc động khi cải lương, quan họ, ca Huế được vinh danh và quảng bá trên nền tảng TikTok. Chương trình nhằm góp phần tôn vinh văn hóa, âm nhạc truyền thống và quảng bá du lịch Việt Nam.

Đáng chú ý, NSND Bạch Tuyết hiếm hoi chia sẻ về quá trình hoạt động nghệ thuật. Được mệnh danh là “cải lương chi bảo”, nữ nghệ sĩ đã có 60 năm tuổi nghề, đi hát kiếm sống khi chưa tròn 10 tuổi. Tuy nhiên, bà đã dành 1/3 thời gian đó để theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu.

NSND Bạch Tuyết trải lòng về hành trình theo đuổi nghệ thuật cải lương

BTC

Nghệ sĩ Bạch Tuyết bộc bạch: “Tôi hoạt động trong lĩnh vực cải lương, tính ra đến nay đã được 60 năm. Nhưng tôi có khoảng thời gian nghỉ hát để đi học. Thực chất, tôi làm việc cho cải lương là khoảng chừng 40 năm. Còn 20 năm còn lại, tôi dành để đi học”.

Lý giải về việc tạm gác sự nghiệp lẫy lừng để học tập, bà xúc động chia sẻ: “Thầy của tôi là ba Năm Châu và má bảy Phùng Há đã dạy chúng tôi rất kỹ lưỡng. Con ơi, người ta gọi truyền thống chứ không phải vậy đâu, những điều ta gọi là truyền thống thực ra là tiếp nối của truyền thống. Cải lương có nghĩa là “cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Phải học để hiểu và làm việc cho đàng hoàng để không có lỗi với tổ tiên”.

NSND Bạch Tuyết hy vọng lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến công chúng

BTC

Cải lương không chỉ để chống giặc

Nhiều năm “nấu sử sôi kinh”, nghệ sĩ Bạch Tuyết tự hào khi hiểu rõ nguồn gốc của nghệ thuật dân tộc. Càng nghiên cứu sâu, nữ ca sĩ càng nhận ra nhiệm vụ cao cả và tính ứng dụng thú vị của cải lương trong đời sống.

“Cải lương ra đời khi đất nước mình bị giặc Tây đô hộ. Trong thời gian đô hộ, họ đã xây những nhà hát rất hiện đại và đưa các đoàn opera sang. Chính vì thế ông cha ta, những nhà bác học đã đau đáu về vận nước. Cho nên, họ mới nghĩ làm sao đưa chèo, hát bội vào nhà hát Tây để chống Tây, chửi Tây mà chúng không thể bắt giết mình. Sau khi xem xét nhiều thể loại nghệ thuật, cải lương đã ra đời để đáp ứng điều đó”, bà nói.

NSND Bạch Tuyết xúc động khi chia sẻ về niềm tự hào với cải lương. Nữ ca sĩ nhiều lần hát live, mang đến không khí đầy xúc động, gợi nhớ những trang sử hào hùng của dân tộc

BTC

Bên cạnh chống ngoại xâm, cải lương còn có nhiệm vụ giữ gìn văn hóa dân tộc. Dù bị ảnh hưởng và giao thoa bởi các nền văn hóa trong khu vực nhưng loại hình này vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.

Lý giải cho luận điểm này, Tiến sĩ Bạch Tuyết nói: “Ông cha ta vô cùng khéo léo khi dựng lịch sử Việt Nam và đưa vào các vở tuồng để tiếp cận với người trẻ. Đồng thời, cải lương cũng phát triển và theo sát thời đại với nhiều đề tài hay. Ví dụ, có rất nhiều vở diễn ăn khách phản ánh các vấn đề xã hội đương thời như: Nửa đời hương phấn, Lấy chồng xứ lạ, Thảm kịch tuổi xanh, Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga…”.

Ở tuổi ngoài 70, NSND Bạch Tuyết vẫn miệt mài với hành trình giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương. Bà hy vọng truyền cảm hứng và mang đến người trẻ những góc nhìn thú vị và gần gũi về cải lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.