Nộp cưa để… giữ rừng

09/03/2017 09:22 GMT+7

UBND xã Tr’Hy (H.Tây Giang, Quảng Nam) tìm nhiều cách để giữ rừng, trong đó có phương án vận động đồng bào... giao nộp cưa cho già làng, trưởng thôn.

Khi “cơn lốc” khai thác gỗ trái phép càn quét khiến gỗ quý ngày càng khan hiếm, ở vùng cao Tr’Hy (H.Tây Giang, Quảng Nam) những cánh rừng già vẫn trụ vững. Địa phương đã tìm nhiều cách để giữ rừng, trong đó có phương án vận động đồng bào... giao nộp cưa cho già làng, trưởng thôn.
Tr’Hy nằm cách trung tâm H.Tây Giang chừng 40km về phía tây, đường núi dốc đứng, quanh năm sương mù bao phủ. Đón chúng tôi ở trụ sở UBND xã, ông Zơ râm Hướp, Chủ tịch UBND xã khoe rằng di sản lớn nhất mà cộng đồng Cơ Tu nơi này còn giữ được chính là những cánh rừng xanh thẳm. “Từ bao đời nay, những người con Cơ Tu sinh ra và lớn lên đều gắn liền với những cánh rừng này. Giữ rừng như là giữ một di sản, để con cháu sau này biết đâu là nguồn cội”, ông Hướp cười bảo.
Theo ông Hướp, cách đây chừng 10 năm, những cánh rừng này luôn thường trực bị đe dọa bởi “cơn sốt gỗ” tràn qua các bản làng. Họ sắm cưa lốc, lén lút cùng đoàn người dưới xuôi len lỏi vào rừng sâu tìm gỗ. Những cây gỗ quý như dỗi, táu, hương… dần mất đi, rừng cũng thưa bớt. Trước tình trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng, các già làng đã tổ chức một cuộc họp để cùng người dân tìm cách bảo vệ những cánh rừng. Rất nhiều “sáng kiến” được đưa ra, trong đó kế hoạch “tịch thu” hết cưa lốc được áp dụng. “Ban đầu, người dân phản đối ghê lắm, bởi đó là tài sản của họ. Nhưng sau khi nghe vận động, phân tích phải trái thì dần dần họ chấp nhận. Và đến nay thì nghiêm túc chấp hành”, ông Hướp cho biết thêm.
Với chính sách này, nhiều cánh rừng ở Tr’Hy được bảo vệ nguyên vẹn. Anh Pơloong Ức, Trưởng thôn Dầm 1, khoe: “Từ sau cuộc họp làng, người dân trong thôn đã tự nguyện giao nộp cho mình 11 cưa lốc để quản lý. Người dân mình đã biết quý rừng rồi. Vì giữ rừng là giữ cho con cái mình sau này còn có cái mà dựng nhà, lập nghiệp”.
“Của để dành”
Dẫn chúng tôi men theo con đường đầy bùn đất hướng về thôn Abanh 1, anh Pơloong Nhiếp, cán bộ địa chính xã Tr’Hy cho biết đây là một trong những làng đầu tiên thực hiện “chính sách” này. Nhờ đó, làng luôn được sự bảo bọc của đại ngàn qua mỗi mùa mưa bão. Đón chúng tôi, già Bling Ría chỉ tay về những cánh rừng bao quanh, đọc tên vanh vách từ khu rừng rồi lý giải: “Ở đây, mỗi khu rừng gắn liền với người có công lập làng”. Cũng vì muốn con cháu sau này có “của để dành”, khi thấy dân làng cuốn vào cơn sốt gỗ, già làng kiên quyết “tịch thu” cưa lốc. “Chỉ có tịch thu hết cưa lốc thì mọi người không còn dụng cụ để vào rừng trộm gỗ nữa. Khi con cháu lớn lên, lập gia đình, dựng nhà thì mới được xẻ gỗ, nhưng cũng chỉ cho phép một lượng nhất định thôi”, già Ría khẳng định.
Không riêng gì A banh 1 mà tất cả 8 làng ở Tr’Hy đều thực thi nghiêm túc quy định của chính quyền và của làng. Ông Zơ râm Hướp, Chủ tịch UBND xã khẳng định nhờ sự đồng lòng của bà con mà đến nay nhiều cách rừng trên địa bàn xã vẫn phủ một màu xanh. “Những máy cưa lốc được đưa về giao nộp cho già làng hoặc trưởng thôn, chỉ đến khi nào cần thì gia đình phải có đơn gửi lên làng, làng gửi lên xã, xã gửi lên Chi cục kiểm lâm và UBND huyện. Khi được cho phép, người dân mới lên rừng tìm gỗ về dựng nhà”, ông Hướp nói.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết từ năm 2009, để thắt chặt tình trạng khai thác rừng trái phép, UBND huyện đã quy định rõ về việc khai thác gỗ để tránh tình trạng khai thác tràn lan. Theo ông Linh, huyện đã có chính sách quản lý chặt chẽ hơn, riêng công tác vận động, tuyên truyền người dân giao nộp cưa lốc cũng hướng đến mục tiêu ngăn ngừa nạn chặt phá rừng tự phát. “Không phải “tịch thu” cưa lốc, mà chỉ là giữ giùm để giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng”, ông Linh chia sẻ thêm.

tin liên quan

Xử lý vụ phá rừng phòng hộ nhờ... Facebook
Từ thông tin trên Facebook về việc người dân ngăn cản xe chở gỗ phi lao đốn hạ trong rừng phòng hộ ở xã Hòa Hiệp Bắc (H.Đông Hòa, Phú Yên), ông Bùi Thanh Toàn, Bí thư Huyện ủy Đông Hòa, đã đến kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ việc vào sáng 8.3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.