Nóng với tuyển sinh lớp 10

Bích Thanh
Bích Thanh
13/04/2019 07:58 GMT+7

Sáng 12.4, chương trình tư vấn hướng dẫn chọn đúng nguyện vọng vào lớp 10 do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM.

Phụ huynh và học sinh có thể xem toàn bộ nội dung chương trình tại các kênh: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.comYouTube Thanh Niên. Đây là chương trình đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình tư vấn chọn mô hình học tập phù hợp dành cho học sinh (HS) lớp 9 của Báo Thanh Niên.

Chọn nguyện vọng có trách nhiệm

Đừng nghĩ học nghề là không đủ năng lực

Ông Lê Duy Tân thông tin kỳ thi diễn ra ngày 2 và 3.6, tùy vào năng lực học tập, HS có thể chọn lựa đăng ký dự thi. “Các em còn có một con đường rộng mở mà ít ai nghĩ đến là hướng nghiệp học nghề sau khi hoàn thành bậc THCS. Đừng bao giờ nghĩ rằng chọn học nghề là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền chọn lựa”, ông Tân nhấn mạnh.
Để giúp HS tránh những lo lắng trong thời điểm phải đưa ra quyết định cho con đường học tập tiếp theo của mình, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: “Các em đã đủ 15 tuổi, các em nên có một hành động có trách nhiệm trong việc lựa chọn các nguyện vọng (NV). Và NV đó sẽ được xin ý kiến của bố mẹ. Phụ huynh hãy cho các em được quyền bày tỏ NV và được quyền quyết định. Trừ trường hợp các em không có chính kiến thì bố mẹ tham gia nhiều hơn vì quyết định này ảnh hưởng đến quá trình học THPT”.
Ông Lê Duy Tân nói thêm: “Sau khi có quyết định của mình thì dù con đường đó thuận lợi hay khó khăn thế nào thì các em cũng phải xem đó là một thử thách để cố gắng đi trọn vẹn con đường THPT”.

Các tiêu chí xác định nguyện vọng

Nhằm tạo sự tự tin cho học trò, cô Lê Thị Lài, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, tạm chia bảng điểm chuẩn NV1 những năm trước thành 6 tốp: tốp 1 là những trường có điểm chuẩn từ 35,75 trở lên; tốp 2 có mức điểm tuyển từ 32,75 - 35,5; tốp 3 là trường có điểm từ 28 - 32,5; tốp 4 là những trường từ 24 - 27,75 điểm; tốp 5 là tốp những trường từ 20 - 24 điểm và tốp cuối cùng là những trường từ 20 điểm trở xuống.
“Các em cần tận dụng hết 3 NV và lấy mức điểm tạm tính từ kết quả bài kiểm tra để đưa ra quyết định. Khoảng cách giữa 2 NV cần cách nhau ít nhất là 3 điểm và cân nhắc khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường hay chú ý đến chỉ tiêu khi cùng yêu thích 2 trường trong một tốp. Nếu HS giỏi liên tục và chắc chắn thì nên chọn NV1 là tốp 1, nếu sức học ở mức khá thì bắt đầu NV1 ở tốp 2 và sức học trung bình thì bắt đầu từ tốp 3. Nếu không chú ý đến sức học thì sẽ mất đi 30% cơ hội của mình”, cô Lài hướng dẫn.
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho HS, thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho rằng đậu hay rớt là do học trò đánh giá về năng lực chưa phù hợp với lựa chọn chứ không phải do học giỏi hay học chưa tốt. Cho nên phải xác định bản thân để định hướng con đường học tập. Để xác định năng lực bản thân chính xác, theo thầy Minh nên căn cứ cơ sở sát nhất là bài kiểm tra học kỳ 2 vì các quận huyện đều hướng bài thi này theo định hướng tuyển sinh. Cụ thể, lấy điểm các bài kiểm tra áp với hệ số tính điểm xét tuyển và trừ hao hụt từ 15 - 20% do đề thi tuyển sinh là đề có tính phân hóa. “Đồng thời các em đừng quên tham khảo ý kiến của thầy cô để có đánh giá chính xác nhất”, thầy Minh khuyên.

Băn khoăn về đề thi dạng tích hợp

Phụ huynh Nguyễn Thới Chung, Trường THCS Nguyễn Du, băn khoăn việc tham khảo điểm chuẩn và chia tốp trường theo điểm chuẩn những năm trước có còn chính xác? Đồng thời, các phụ huynh tham dự cho rằng cần có thông tin sớm về chỉ tiêu, lộ trình phân luồng để phụ huynh có bước chuẩn bị chu đáo cho con em.
Ông Lê Duy Tân khẳng định tham số để đi đến quyết định phân bổ chỉ tiêu cho từng trường là sự biến động về dân cư, đầu tư xây dựng trường lớp, điều chỉnh sĩ số HS...
Cũng theo ông Tân, việc không cộng điểm nghề là có ảnh hưởng đến điểm dự kiến để chọn NV nhưng không nhiều bởi tất cả HS khi được cộng điểm nghề đều có mức điểm ở mức tối thiểu, độ chênh ít và không áp dụng đối với HS chọn trường, lớp chuyên, tích hợp, các chương trình ngoại ngữ.
Trần Thiên Kim, HS lớp 9/6 Trường THCS Nguyễn Du, đặt câu hỏi: “Xu hướng ra đề thi là tích hợp các môn học, vậy giáo viên phải cần năng lực như thế nào để có khả năng ra đề và dạy HS theo định hướng đó?”.
Ông Tân giải thích: “Các em lo lắng thầy cô nào dạy tốt để các em làm được đề tích hợp, quan điểm giáo dục đó không còn phù hợp. Ngày trước, mọi kiến thức người học đều nhận từ chính người thầy. Hiện nay thầy cô không còn duy nhất là người truyền giảng kiến thức, giúp HS ứng phó với đề nhưng thầy cô sẽ là người trang bị kỹ năng, công cụ để HS nhận biết đề thi, giải quyết yêu cầu bài bằng năng lực của chính mình. Do đó, HS nên tiếp thu những kiến thức nền tảng, học hỏi kinh nghiệm bạn bè và có tư duy độc lập”.
Về đề thi, ông Tân cho biết hội đồng biên soạn đề thi đều hiểu mỗi năm là một lớp học trò mới, có điều chỉnh thì sẽ hướng dẫn giáo viên điều chỉnh phù hợp với trình độ của HS.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.