Nóng trên mạng xã hội: Sự thật xúc động sau lời đồn 'bán tạng' nhận cả trăm triệu

Thanh Hương
Thanh Hương
17/10/2019 08:33 GMT+7

Bỏ qua lời gièm pha “bán tạng lấy tiền” như xát muối vào nỗi đau, gia đình đã hiến tạng theo nguyện vọng của anh Đào Hữu Tập khi còn sống, cứu được 6 người. Nghĩa cử cao đẹp này được Bộ Y tế tôn vinh.

Lời đồn ác ý

Anh Đào Hữu Tận (xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết, khi còn sống, em trai Đào Hữu Tập (bị chết não do đột quỵ khi mới 39 tuổi) đã nhiều lần tâm sự muốn hiến mô tạng. Hiểu được sự quý giá của những mô tạng đối với người đang nguy kịch nên gia đình ủng hộ anh Tập. 4 năm trước, anh Tập đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM).
Gần 2 tháng trước, khi đang đi xe máy ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), anh Tập đột ngột bị té xe, bất tỉnh. Tại BV Chợ Rẫy, anh được chẩn đoán đột quỵ não, không thể hồi phục, không phải do tai nạn giao thông. Nhớ di nguyện muốn hiến tạng trước lúc mất của anh Tập, anh Tận đã liên hệ mẹ và gia đình ở quê để bàn bạc và tất cả thống nhất: tự nguyện hiến tạng của anh Tập. Anh Tận nén nỗi đau, đặt bút ký vào đơn hiến mô tạng người em trai, quyết định cho đi tim, gan, 2 thận, 2 giác mạc. Nhờ vậy, điều kỳ diệu đã đến với 6 gia đình khác.

VIDEO: Thân nhân người hiến tạng: Điều tiếng như xát muối vào lòng

 

Người nhà anh Tập nhận kỷ niệm chương của Bộ Y tế Ảnh: Thanh Hương

TS-BS Dương Thị Ngọc Thu (Đơn vị điều phối ghép các bộ phận người BV Chợ Rẫy) cho hay: “Ước nguyện của Tập là hiến hết tất cả các cơ quan trên cơ thể. Lúc đó BV Chợ Rẫy nhận được 2 thận, gan, tim, 2 giác mạc. Thời điểm này, trong danh sách chờ tim với gan ở phía nam không có người nhận nên chuyển tim và gan ra bắc”.
Nỗi đau của người mẹ mất con; người anh, người chị mất em chưa nguôi thì gia đình anh Tập lại phải đối mặt bao điều tiếng, cay đắng khi nhiều người nói gia đình bán nội tạng người thân để lấy tiền, nếu hiến tạng sao không thấy “lên ti vi”. Những đồn thổi liên tục: “Hiến tạng có được nhiều tiền không?”, “Nghe bảo được mấy trăm triệu”… “Một số người tới trực tiếp hỏi thẳng bà nội bán cái này được bao nhiêu? BV người ta trả được bao nhiêu? Cả nhà rất buồn, tủi thân”, anh Tận buồn bã nói. Bà Nguyễn Thị Biên (mẹ anh Tập) nghẹn ngào nói với PV Thanh Niên: “Có một chị hỏi: “Mợ ơi! Họ cho 100 triệu hả?”, dù biết là làm việc tốt cho đời nhưng sao lại cay đắng thế”. Bà Biên không giải thích với ai.

“Chết không phải là chấm hết”

Cần chuẩn bị gì khi đi đăng ký hiến tạng?

“Chết không phải là chấm hết, mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài với cơ hội cho những người khác”, đó là tâm niệm của gia đình anh Tập. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) bạn của anh Tập cho biết, chị thấy tự hào và hãnh diện vì tấm lòng cao cả của người bạn thân. Bởi, khi bước qua thế giới bên kia, anh Tập đã mang lại hy vọng cho những người còn sống. “Thật sự tôi rất cảm phục và kính nể hành động của Tập cũng như gia đình anh. Hành động đó mang lại ý nghĩa sự sống cho nhiều người cũng như lan truyền thông điệp hiểu về giá trị của bản thân sau khi qua đời”, chị Anh xúc động.
Cùng suy nghĩ, bà Nguyễn Cao Thùy Dung (ngụ TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ: “Tập còn trẻ như vậy còn dám hiến tạng, tôi sẽ đăng ký hiến tạng bởi khi mình chết cũng trở thành cát bụi. Tôi đăng ký hiến tạng thì con tôi thực hiện đúng theo di nguyện của tôi để cái chết của tôi không vô nghĩa mà mang lại sự sống cho nhiều người khác như cậu Tập”.
Anh Tập là người đầu tiên hiến tạng khi chết não ở xã. Hiện tại, cả 6 bệnh nhân (2 người ghép giác mạc, 2 người ghép thận, một người ghép tim, một người ghép gan từ anh Tập) sức khỏe đều ổn.
Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương để tôn vinh tấm lòng thiện nguyện và nghĩa cử cao đẹp của anh Tập và gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.