Nóng trên mạng xã hội: Nhắc nhau ứng phó không khí ô nhiễm

02/10/2019 08:22 GMT+7

Những ngày qua, các ứng dụng, trang web cung cấp chỉ số ô nhiễm không khí được cư dân mạng đặc biệt quan tâm, theo dõi để nhắc nhau thận trọng mỗi khi ra khỏi nhà.

Theo Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT), liên tục nhiều ngày trong tháng 9, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội ở mức kém, TP.HCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn. Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Đây là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.

Giới chuyên môn cảnh báo

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc (thuộc Sở TN-MT TP.HCM), cho biết hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn mang tính chu kỳ vào khoảng 7 - 8 ngày đầu hoặc giữa tháng 10. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng này lại xuất hiện sớm vào giữa tháng 9.
“Kết quả quan trắc những ngày gần đây cho thấy các chỉ số chất lượng không khí của TP.HCM luôn vượt ngưỡng. Nhưng đây không phải do hiện tượng mù quang hóa nữa, mà vì đang thời điểm giao mùa, nắng dịu, mây mù nhiều bất lợi cho việc phát tán các chất ô nhiễm trong không khí”, ông Sơn nhận định và cho rằng lượng khí thải NO2, SO2 của gần 9 triệu phương tiện hiện tại ở TP.HCM cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí luôn nằm trong mức báo động. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ về lâu dài kiểm tra, kiểm soát khí thải của các phương tiện giao thông.

Bụi PM2.5 nguy hiểm thế nào ?

 
TS Trần Ngọc Đăng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho biết người hít phải bụi PM2.5 trước mắt thường gặp các triệu chứng như ho, khó thở, nặng ngực. Về lâu dài, gây ra các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em, gây giảm chức năng phổi, gây ra các đợt kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen; một số nghiên cứu cho thấy khả năng sinh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, những hạt bụi mịn này có thể xâm nhập vào máu gây ra một số bệnh tim mạch. Đáng lưu ý, theo một số nghiên cứu gần đây, bụi PM2.5 còn có thể xâm nhập qua nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi.
Còn theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, nồng độ bụi PM2.5 trong không khí tại Hà Nội suốt 2 tuần qua luôn vượt ngưỡng cho phép. Không chỉ riêng Hà Nội, ở một số tỉnh phía bắc, các chỉ số này cũng nằm trong nhóm nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các chỉ số này không đại diện cho cả một vùng mà mang yếu tố cục bộ, thời điểm. Hiện nay, tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, người dân đốt rơm sau vụ mùa hoặc than tổ ong làm các chỉ số ô nhiễm này cao bất thường. Vào thời điểm sáng sớm, các chỉ số chuyển sang màu tím, cảnh báo nguy hại tới sức khỏe người dân.
“Đặc biệt những ngày qua, các chỉ số này không giảm, có thời điểm còn tăng là do điều kiện thời tiết khí hậu. Đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 mới được phát tán, chất lượng không khí cải thiện hơn. Điều này lý giải vì sao chỉ số AQI giảm khi mặt trời lên cao”, ông Tùng giải thích.

Dân mạng nhắc nhở nhau

Trước những cảnh báo về ô nhiễm không khí, nhiều cư dân mạng cho biết đã theo dõi chất lượng không khí quanh khu mình ở qua nhiều trang web, ứng dụng... Tài khoản L.V.O viết: “Gần đây, mình thường xuyên cập nhật chất lượng không khí qua các ứng dụng. Cẩn tắc vô ưu. Ra đường mọi người nên mang khẩu trang như khuyến cáo”.
Không chỉ nhắc nhau thận trọng khi ra đường, cư dân mạng còn kêu gọi cùng bảo vệ môi trường. “Đi dọc theo đường lên Sơn Tây, Ba Vì, người dân đốt rơm rạ dọc hai bên đường khói mù mịt không thấy gì cả, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mình thấy nhiều nơi họ tận dụng rơm rạ để trồng nấm, trồng tỏi, vừa có lợi vừa không gây ô nhiễm”, tài khoản Minh chia sẻ. Còn tài khoản Vivienne kêu gọi: “Mọi người hãy cùng nhau trồng cây, hạn chế chất thải khó phân hủy và không xả rác xuống sông. Hãy cùng xây dựng lại môi trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.